Phạm Tiến Sản: Từ "vua về nhì" SEA Games đến "tân vương" duathlon
Phạm Tiến Sản: Từ "vua về nhì" SEA Games đến "tân vương" duathlon
Thứ ba, ngày 17/05/2022 21:10 PM (GMT+7)
Phạm Tiến Sản quay lại SEA Games theo một lối đi mới và anh đã giành được HCV ngọt ngào sau những năm tháng phải làm cái bóng, đứng sau những nhà vô địch SEA Games ở nội dung 3000m vượt chướng ngại vật.
"Vua về nhì" của điền kinh Việt Nam tại đấu trường SEA Games
Phạm Tiến Sản sinh năm 1991, là cựu vận động viên của đội tuyển điền kinh quốc gia Việt Nam. Anh được phát hiện khá muộn khi học lớp 12. Khi giành HCĐ giải vô địch trẻ quốc gia năm 2009, Sản được cất nhắc thẳng lên ĐTQG mà không qua đội tuyển trẻ. Đến năm 2012, Sản giành HCV vô địch quốc gia lần đầu tiên.
Tuyển thủ người Bắc Giang đã từng tham gia thi đấu ở 3 kỳ SEA Games 2013-2017 đều ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật. Thời đó, đối thủ của Sản là VĐV người Philippines rất xuất sắc (thầy của VĐV này từng vô địch 7 kỳ SEA Games liên tiếp trước đó), giành HCV 2 kỳ SEA Games 2013 và 2015. Đến kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á năm 2017, Sản chỉ phải đối mặt với VĐV Indonesia, một đối thủ được đánh giá có trình độ thấp hơn. Nhưng tấm HCV SEA Games vẫn "làm ngơ" với Sản.
Chấn thương nhưng đam mê điền kinh chưa dứt
Năm 2017, Sản bị chấn thương khiến anh phải nghỉ thi đấu 2 năm. Đến năm 2019, đam mê điền kinh còn quá lớn thôi thúc Sản tập trở lại. Anh tập các cự ly dài từ 10.000m đến marathon dưới biên chế của đoàn Bắc Giang. Sau khi cân nhắc, Sản chuyển sang hai môn phối hợp để tăng khả năng tranh chấp huy chương.
"Được chơi lại thể thao đỉnh cao là niềm vui rất lớn đối với tôi. SEA Games 31 được tổ chức ở Việt Nam nên tinh thần bản thân càng được đẩy cao hơn. Tôi muốn mang vinh quang về cho đất nước ngay trên chính quê hương mình", Sản đã tâm sự với người viết trước thềm SEA Games. "Tôi đã ở rất gần HCV SEA Games năm 2015, chỉ thua đối thủ vài phần trăm giây. Năm 2017, tôi đã nghĩ mình ở sườn dốc sự nghiệp điền kinh rồi. Tuy nhiên, khi tập marathon thì suy nghĩ của tôi đã thay đổi. Các chỉ số tập luyện của tôi còn tốt hơn xưa". Phạm Tiến Sản lao vào tập chạy và môn thể thao mới xe đạp. Chiếc xe đạp có giá cả trăm triệu đồng mà anh tập và thi đấu được anh em bạn bè trong ban huấn luyện và câu lạc bộ Hanoi Triathlon Club (HTC) cho mượn.
Trở lại đường đua SEA Games và tỏa sáng ở đường đua duathlon (hai môn phối hợp)
Duathlon (hai môn phối hợp xe đạp-chạy) và Triathlon (ba môn phối hợp bơi-xe đạp-chạy) là môn thể thao Olympic nhưng mới chỉ được "nhập khẩu" vào Việt Nam trong vòng vài năm trở lại đây.
Tại SEA Games 31 ở Tuần Châu, các VĐV phải chạy 10km, đạp xe 40km và chạy 5 km. Phạm Tiến Sản luôn bám trong tốp đầu ở hai phần thi đầu tiên (chạy 10km và đạp xe 40km). Đến phần thi cuối cùng chạy 5km, Sản và đối thủ Indonesia so kè nhau rất quyết liệt.
Lần này, Phạm Tiến Sản đã nắm chắc cơ hội vàng trong tay mình, không để tuột lỡ. "Vua về nhì" băng băng chạy về đích với lá cờ Việt Nam trong sự xúc động nghẹn ngào. VĐV người Bắc Giang cán đích sau 1 giờ 55 phút 58 giây, vượt lên trên 2 đối thủ người Indonesia Ferbriade Rudi và nhà ĐKVĐ Johan Jauhari.
"Tôi vô cùng hạnh phúc. Sau 5 năm xa rời các cuộc thi ở cấp độ đội tuyển quốc gia, tôi đã trở lại và hoàn thành giấc mơ đổi màu huy chương", Sản bày tỏ. "Tôi đã chuẩn bị rất kỹ cho kỳ SEA Games 31. Tấm HCV này tôi xin được dành tặng cho người hâm mộ. Xin cảm ơn các anh chị đi trước như anh Tuấn, anh Cao Hà, HLV Loo, câu lạc bộ HTC cùng ban huấn luyện đội tuyển đã hỗ trợ".
Tấm HCV SEA Games đầu tiên của Sản không chỉ khiến mọi người nhìn tuyển thủ người Bắc Giang với con mắt khác mà còn giúp cho các lãnh đạo thể thao thấy được cơ hội phát triển của triathlon - môn thể thao mới mẻ thuộc hệ thống Olympic này. Triathlon Việt Nam đã đổi màu huy chương thành công (Nguyễn Thị Phương Trinh giành HCĐ ở SEA Games 2019) với "ông vua mới" duathlon Đông Nam Á - Phạm Tiến Sản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.