Phạm Trung Cang "biến mất" do cũng được "ông anh" mật báo?

Thứ ba, ngày 21/01/2014 08:14 AM (GMT+7)
Luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng Văn phòng luật An Phát Phạm cho rằng, không loại trừ khả năng Phạm Trung Cang được “mật báo” sẽ bị điều tra lại, nên đã tháo chạy ra nước ngoài.
Bình luận 0
Ngày 9.1.2014 vừa qua, TAND TP.Hà Nội quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, kiến nghị VKSND TP.Hà Nội làm rõ vai trò đồng phạm của ông Phạm Trung Cang, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và 4 người khác về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng” khiến dư luận khá bất ngờ. Tuy nhiên, bất ngờ hơn nữa là việc ông Phạm Trung Cang đã xuất cảnh ra nước ngoài trước đó (23.12.2013) và cho đến thời điểm này, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB vẫn không có mặt tại Việt Nam.

Ông Phạm Trung Cang đã
Ông Phạm Trung Cang đã "biến mất" khỏi Việt Nam trước khi tòa án yêu cầu điều tra bổ sung về vai trò phạm tội của ông này.

Việc “chọn đúng thời điểm” xuất cảnh của ông Cang khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về những khuất tất xung quanh cuộc “tháo chạy”. Liệu có sự mờ ám, thiếu khách quan khi VKSND Tối cao đình chỉ quyết định khởi tố với ông Cang trước đó? Và giống như Dương Chí Dũng, ông Cang cũng có một “ông anh” nào đó đã “mật báo” về việc sẽ bị điều tra lại để “đại gia” này kịp “mất tích” khỏi Việt Nam?

Trong vụ “đại án” của Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, việc nhận định trái chiều giữa các cơ quan tố tụng về trường hợp của ông Phạm Trung Cang khiến dư luận không khỏi băn khoăn, đặc biệt là những khuất tất xung quanh quyết định đình chỉ vụ án đối với nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB.

Trong khi cả CQĐT Bộ Công an và TAND TP.Hà Nội đều nhận định Phạm Trung Cang có vai trò đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” thì VKSND Tối cao lại “một mình một ngựa”, bác bỏ vai trò phạm tội của Phạm Trung Cang.

Cụ thể, ngày 1.8.2013, CSĐT Bộ Công an đã ra bản kết luận điều tra và kết luận điều tra bổ sung ngày 30.10.2013 đề nghị truy tố Nguyễn Đức Kiên. Theo kết luận này, Phạm Trung Cang cùng 4 lãnh đạo cao cấp khác của Ngân hàng ACB bao gồm Trần Xuân Giá (Chủ tịch HĐQT ACB), Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang (đều nguyên là Phó Chủ tịch HĐQT ACB), Lý Xuân Hải (nguyên Tổng Giám đốc ACB) bị đề nghị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Kết luận của CQĐT Bộ Công an nêu rõ, các lãnh đạo Ngân hàng ACB đã có hành vi cố ý làm trái, ra chủ trương dùng tiền huy động của khách hàng, ủy thác cho nhân viên và các công ty gửi tiền VNĐ và USD vào các tổ chức tín dụng để hưởng lãi suất cao hơn trần lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định. Trong đó, có việc gửi tiền vào VietinBank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP.HCM để hưởng lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng, gây thất thoát cho ACB 718,9 tỷ đồng. Ngoài ra, việc đầu tư cổ phiếu dẫn đến ACB bị thiệt hại hơn 687 tỷ đồng cũng có vai trò của ông Phạm Trung Cang.

Sau khi có kết luận điều tra của cơ quan công an, ngày 12.12.2013, VKSND Tối cao ra cáo trạng đồng thời truy tố 7 bị can với nhiều tội danh, tổng số tiền thiệt hại do 7 bị can gây ra trong vụ án là 1.695,6 tỷ đồng. Điều bất ngờ là trong cáo trạng này, VKSND Tối cao cho rằng, ông Cang không phải chịu trách nhiệm về hậu quả làm thất thoát số tiền 718,9 tỷ đồng cũng như việc đầu tư cổ phiếu nên đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Phạm Trung Cang.

Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 1 tháng sau khi VKSND Tối cao ra cáo trạng, ngày 3.1.2014, TAND TP.Hà Nội đã ra quyết định trả hồ sơ số 02/HSST-QĐ cho VKSND TP.Hà Nội để làm rõ vai trò của một số cá nhân liên quan trong đó có ông Phạm Trung Cang.

Điều đáng nói là khi TAND thành phố Hà Nội trả hồ sơ điều tra bổ sung vì cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm thì ông Phạm Trung Cang đã “biến mất” khỏi Việt Nam và cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa xuất hiện.

Trong khi vụ “đại án” của Dương Chí Dũng vẫn chưa hết nóng thì cuộc “tháo chạy” đúng thời điểm của ông Phạm Trung Cang khiến dư luận không khỏi đặt dấu hỏi về những khuất tất xung quanh vụ việc này. Phải chăng việc đình chỉ này nhằm mục đích tạo điều kiện cho Phạm Trung Cang tháo chạy bởi chỉ ít ngày khi lệnh cấm xuất cảnh được gỡ bỏ, Phạm Trung Cang đã nhanh chóng rời khỏi Việt Nam từ 24.12.2013 qua cửa khẩu Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Và cũng chỉ khoảng 1 tuần sau khi nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB “mất tích” thì vụ án được trả hồ sơ điều tra lại để làm rõ vai trò phạm tội của ông này .

Trao đổi với PV, luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng Văn phòng luật An Phát Phạm cũng cho rằng, không loại trừ khả năng ông Cang được “mật báo” trước để xuất cảnh ra nước ngoài. “Trong bối cảnh Dương Chí Dũng từng được mật báo từ một "ông anh" trong Bộ Công an về việc mình sẽ bị khởi tố để tháo chạy trước thì những nghi ngờ về trường hợp của ông Phạm Trung Cang hoàn toàn có cơ sở . Ngay cả sự bất nhất giữa các cơ quan tố tụng khi CQĐT và Tòa án đều thấy rằng phải xem xét vai trò phạm tội ông Phạm Trung Cang, chỉ riêng VKSND Tối cao tách ra, đình chỉ vụ án thì người ta cũng có quyền nghi ngờ về sự thiếu khách quan ở đây (?!)”, luật sư Phất nói.
Kiến thức (Theo Kiến thức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem