Phân bổ 800 triệu đồng cho đề tài nghiên cứu khoa học của Phó Chánh án Tòa Tối cao

Nguyễn Hoà Thứ sáu, ngày 14/01/2022 14:16 PM (GMT+7)
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao vừa quyết định phê duyệt, phân bổ 2.700 triệu đồng cho công tác nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ và cấp Cơ sở của Tòa án nhân dân Tối cao năm 2022.
Bình luận 0

Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ vừa ký thay Chánh án Toàn án nhân dân Tối cao quyết định số 604/QĐ-TANDTC, phê duyệt công trình nghiên cứu khoa học năm 2022.

Theo quyết định số 604 này, có 7 đề tài khoa học cấp Bộ, 3 đề tài khoa học cấp Cơ sở và các đề tài được phân bổ 2.700 triệu đồng.

Cụ thể, ở đề tài khoa học cấp Bộ, PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao chủ nhiệm đề tài: Thực tiễn thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và một số kiến nghị, giải pháp hoàn thiện.

Theo quyết định phê duyệt và phân bổ kinh phí, kinh phí được phân bổ cho đề tài này là 800 triệu đồng (năm 2022 400 triệu, năm 2023 400 triệu).

Chánh án Tòa Tối cao quyết định phân bổ 2.700 triệu đồng để nghiên cứu đề tài khoa học - Ảnh 1.

Có 10 đề tài khoa học cấp Bộ, cấp Cơ sở được phê duyệt, phân bổ kinh phí nghiên cứu đề tài khoa học theo quyết định 604/QĐ-TANDTC. Ảnh: Giang Huy/VnExpress

Đề tài này có thời gian nghiên cứu từ năm 2022 đến 2023.

Đề tài khoa học cấp Bộ thứ 2 được phê duyệt là "Thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và một số kiến nghị, giải pháp hoàn thiện". Chủ nhiệm đề tài này là TS Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao.

Kinh phí phân bổ cho đề tài này là 800 triệu (năm 2022 400 triệu, năm 2023 400 triệu); thời gian nghiên cứu từ năm 2022 đến 2023.

Đề tài khoa học cấp Bộ thứ 3 được phê duyệt là "Thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và một số kiến nghị, giải pháp hoàn thiện". Chủ nhiệm đề tài là Ths Tống Anh Hào – nguyên Phó Chánh án, nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.

Đề tài này được phân bổ kinh phí 800 triệu đồng (năm 2022 400 triệu, năm 2023 400 triệu); thời gian nghiên cứu từ năm 2022 đến 2023.

Chánh án Tòa Tối cao quyết định phân bổ 2.700 triệu đồng để nghiên cứu đề tài khoa học - Ảnh 2.

Có 4 đề tài khoa học cấp Bộ được phân bổ kinh phí 800 triệu đồng để nghiên cứu. Ảnh: Giang Huy/VnExpress

Đề tài khoa học cấp Bộ thứ 4 được phê duyệt là "Thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và một số kiến nghị, giải pháp hoàn thiện". Chủ nhiệm đề tài là TS Nguyễn Chí Công – Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân Tối cao.

Đề tài này được phân bổ kinh phí 600 triệu đồng (năm 2022 300 triệu, năm 2023 300 triệu); thời gian nghiên cứu từ năm 2022 đến 2023.

Đề tài khoa học cấp Bộ thứ 5 là "Xây dựng Học viện Tòa án thông minh". Chủ nhiệm đề tài là PGS.TS Phạm Minh Tuyên – Giám đốc Học viện Tòa án Tòa án nhân dân Tối cao.

Đề tài này được phân bổ 800 triệu đồng (năm 2022 400 triệu, năm 2023 400 triệu); thời gian nghiên cứu từ năm 2022 đến 2023.

2 đề tài khoa học cấp Bộ còn lại được phân bổ kinh phí 300 triệu đồng là "Các nội dung cơ bản xây dựng Tòa án điện tử hướng tới Tòa án số ở Việt Nam", "Kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng Tòa án điện tử và khuyến nghị cho Việt Nam".

Có 3 đề tài khoa học cấp Cơ sở được phê duyệt và phân bổ kinh phí theo quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao.

Đề tài đầu tiên là "Nâng cao chất lượng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án kinh doanh thương mại tại Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội – những vấn đề lý luận và thực tiễn".

Chủ nhiệm đề tài này là Ths Chu Thành Quang – Phó Chánh án Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội. Kinh phí phân bổ cho đề tài này là 170 triệu đồng; thời gian nghiên cứu là năm 2022.

Đề tài thứ 2 là "Xây dựng chiến lược khoa học của Tòa án nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030"; chủ nhiệm đề tài là TS Phạm Văn Lợi – Trưởng phòng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân Tối cao. Kinh phí phân bổ cho đề tài này là 170 triệu đồng; thời gian nghiên cứu năm 2022.

Đề tài khoa học cấp Cơ sở cuối cùng được phê duyệt theo quyết định 604/QĐ-TANDTC là "Thực trạng xét xử và giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế".

Chủ nhiệm đề tài là Ths Nguyễn Thị Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra I Tòa án nhân dân Tối cao. Kinh phí được phân bổ là 160 triệu đồng, nghiên cứu trong năm 2022.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem