Phân khúc nhà ở xã hội: Làm sao để chủ đầu tư không còn "rón rén", khách hàng "ngóng" ưu đãi
Phân khúc nhà ở xã hội: Làm sao để chủ đầu tư không còn "rón rén", khách hàng "ngóng" ưu đãi
Thái Nguyễn
Thứ ba, ngày 18/04/2023 19:19 PM (GMT+7)
Phân khúc nhà ở xã hội luôn nhận được sự quan tâm lớn từ người dân, tuy nhiên, các chính sách hiện hành chưa thực sự thu hút chủ đầu tư tham gia phát triển khiến nguồn cung hạn chế. Do đó, cần tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, sửa luật và dành sẵn quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.
Theo báo cáo quý I/2023 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhận định để thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, sớm cân bằng cán cân cung cầu, cần đẩy mạnh phát triển phân khúc nhà ở xã hội.
Phân khúc nhà ở xã hội hiện có nhu cầu cao nhất hiện nay. Tuy nhiên, các chính sách hiện tại chưa thực sự thu hút chủ đầu tư tham gia phát triển phân khúc nhà ở xã hội khiến nguồn cung trên thị trường không thể đáp ứng lượng lớn nhu cầu.
Do đó, Nhà nước cần sớm sửa đổi, ban hành các nghị định, thông tư liên quan đến chuyển nhượng dự án, tính tiền sử dụng đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, quy hoạch nhà ở xã hội, đồng thời, linh hoạt, không quy định cụ thể đối tượng được mua nhà ở xã hội.
Ông Phạm Anh Khôi, Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services cho biết cần quy định điều kiện về đối tượng được mua nhà ở xã hội "thoáng" hơn, có ưu đãi lãi suất hợp lý hơn với tình hình thị trường .
"Đối với khách hàng khu vực thành thị, khu vực có nhu cầu nhà ở xã hội cao nhất, với giá căn hộ khoảng 2 tỷ đồng, lãi suất phải trả khi sử dụng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là 18-20 triệu đồng thì vẫn còn ở mức cao", ông Khôi nhận định.
Theo các doanh nghiệp bất động sản có 5 nhóm giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Thứ nhất, nhóm giải pháp về quy hoạch là phải dành sẵn quỹ đất cho xây dựng nhà ở xã hội. Thứ hai, nhóm giải pháp về quy trình thủ tục hành chính đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cần mang tính đặc thù, rút ngắn khâu và thời gian giải quyết.
Thứ ba là nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách như: giải ngân gói 120.000 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng, vấn đề giá đền bù, chi phí giá đất của doanh nghiệp bỏ ra đầu tư. Chính quyền cần tạo ra quỹ đất sạch, nhà đầu tư có thể ứng tiền, nhưng đơn vị chịu trách nhiệm chính vẫn là cơ quan Nhà nước.
Thứ tư là nhóm giải pháp về tiêu chí người mua, thuê hoặc thuê mua và thủ tục xét duyệt với thời gian nhanh gọn, thẩm định rõ ràng. Giải ngân trong ngân hàng chính sách xã hội ở địa phương cần thực hiện theo mục tiêu của Đề án Chính phủ đặt ra, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được nguồn vốn.
Cuối cùng là chính quyền địa phương tập trung tháo gỡ, có giải pháp cho từng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… Hiệp hội và doanh nghiệp đăng ký lịch làm việc với các địa phương để giải quyết khó khăn trong quá trình thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết trong nhiều năm qua, đặc biệt thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến nhà ở cho những người thu nhập thấp, gia đình chính sách, người lao động. Nhiều Nghị quyết, Nghị định Chính phủ, Thông tư của các bộ ngành hướng dẫn thực hiện các vấn đề liên quan đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ.
"Chính phủ đã ban hành đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp thể hiện tính quyết liệt, trách nhiệm, khẩn trương của Chính phủ, sự vào cuộc của các Bộ ngành Trung ương. Về lâu dài, vấn đề về xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… cũng được sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản", ông Khôi chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.