Tại thời điểm học sinh các cấp đang nộp hồ sơ thi ĐH-CĐ, vấn đề phân luồng học nghề lại được Bộ LĐTBXH đặt ra cấp thiết.
PGS-TS Mạc Văn Tiến - Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề (Bộ LĐTBXH) cảnh báo, theo Sách trắng về môi trường kinh doanh của Việt Nam do EuroCham ấn hành năm 2013, các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đánh giá trong số lao động qua đào tạo, có tới 60% không có kỹ năng làm việc.
Ngoài ra, PGS-TS Mạc Văn Tiến còn chỉ ra cơ cấu lao động nước ta còn chưa hợp lý. Cụ thể, mỗi năm nước ta có khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp THCS nhưng khoảng 90-95% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT, còn 5-10% vào học các cơ sở dạy nghề hoặc ra thị trường lao động. 80% vào học THPT tham gia thi đại học… và việc vào học nghề chỉ là “lựa chọn cuối cùng” của học sinh trung học sau khi không có cơ hội vào các bậc học khác. Chính sự bất cập trong phân luồng, nên cơ cấu nhân lực của nền kinh tế nước ta rất bất hợp lý.
Theo số liệu của Vụ Kế hoạch và Tài chính (Bộ GDĐT), nếu tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT năm 2001-2002 là 89,8% thì năm 2012-2013 tăng lên 97,5%. Một số chuyên gia phân tích đây là sự bất hợp lý phải tháo gỡ, bởi sau khi tốt nghiệp THPT hầu như 100% HS đều thi tuyển vào các trường ĐH-CĐ, sau đó – do thất nghiệp- một số lại quay lại… làm công nhân.
Tuy nhiên, con số và thực tế ai cũng biết, chỉ có điều việc phân luồng HS học nghề vẫn giẫm chân tại chỗ. Các chuyên gia cho rằng cần có các “giải pháp mạnh”. TS Phan Tiềm - Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Chu Lai - Trường Hải cho rằng, việc xem nhẹ hệ số lương đối với người học nghề chính là nguyên nhân chính gây khó cho việc phân luồng học nghề sau THCS. Vì thế cần phải cải thiện vấn đề này.
Còn ông Phạm Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Sở GĐDT TP.HCM thì cho rằng: “Muốn thu hút các em học nghề thì cần có chính sách miễn học phí cho HS sau THCS vào TCCN, kể cả các trường TCCN ngoài công lập. Chúng ta đã có chính sách này, nhưng việc hướng dẫn triển khai còn chậm, cơ sở đào tạo chưa hấp dẫn người học”.
Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, để phân luồng học nghề thì phải thay đổi nhận thức về học nghề, có cơ chế để hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề theo hướng Nhà nước cấp trực tiếp cho người học, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động được đào tạo sau THCS.
Kim Oanh (Kim Oanh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.