Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Việt Á sử dụng tiền "nhuần nhuyễn" để mua chuộc các quan chức thế nào?
Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á sử dụng tiền "nhuần nhuyễn" để mua chuộc các quan chức thế nào?
Bách Thuận
Thứ tư, ngày 03/01/2024 06:29 AM (GMT+7)
Xuyên suốt diễn biến vụ Việt Á, trong hồ sơ của cơ quan tố tụng đều thấy xuất hiện những thỏa thuận, những ăn chia của Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt với các đối tượng ở các bộ, ngành hay chính quyền địa phương.
Theo kế hoạch, sáng nay (3/1) TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đại án Việt Á. Đây là vụ án diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Trong vụ án có 38 bị cáo bị truy tố về các tội gồm vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Trong số các bị cáo có 3 cựu Ủy viên Trung ương là các ông Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương.
Trong vụ án này, Phan Quốc Việt, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á mới đây (ngày 29/12/2023) bị Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội tuyên phạt 25 năm tù về 2 tội: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Phiên tòa dự kiến kéo dài trong 20 ngày. Hội đồng xét xử gồm 5 người, do thẩm phán Trần Nam Hà làm chủ tọa.
Hối lộ từ cán bộ ở cơ quan Trung ương…
Trong đại án Việt Á xảy ra tại Công ty Việt Á, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị, tổ chức có liên quan, theo những gì cơ quan truy tố nêu, có thể nói ngay từ những khâu đầu tiên như tham gia đề tài, Phan Quốc Việt – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, đại diện theo pháp luật Công ty Việt Á đã dùng tiền để hối lộ quan chức đến khi bán kit test cho các đơn vị, địa phương, Việt tiếp tục dùng đồng tiền để thỏa thuận, thông đồng với các đối tác để cho "công việc trót lọt".
Chẳng những thế, ngay ở những thông tin đầu tiên đề cập đến nội dung vụ án ở cáo trạng số 7358/CTr-VKSNDTC-V3 do Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ban hành ngày 29/9/2023, cơ quan truy tố đã nêu rõ rằng, "ngoài việc sử dụng mối quan hệ quen biết cá nhân, Phan Quốc Việt còn dùng tiền để tác động các bị can có vị trí, chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi trái pháp luật, tạo lợi thế bất hợp pháp cho Công ty Việt Á".
Đầu tiên, theo những gì thể hiện ở cáo trạng, do có mối quan hệ thân thiết từ trước với Phan Quốc Việt nên khi được ông Hồ Anh Sơn –lúc đó là Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự, Học viện Quân Y thông báo về việc Học viện Quân Y có văn bản đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ giao Học viện Quân Y triển khai nhiệm vụ phát triển test xét nghiệm thì Trịnh Thanh Hùng – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật Bộ Khoa học và Công nghệ đã thông tin cho Việt biết.
Ngay lúc này, Việt đã đặt vấn đề, thống nhất với Hùng về việc giúp Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu với mục đích sử dụng kết quả Đề tài nghiên cứu, chế tạo test xét nghiệm (viết tắt là Đề tài) để sản xuất, bán thương mại test xét nghiệm.
"Việt thỏa thuận về việc chia % doanh thu của Công ty Việt Á từ việc tiêu thụ test xét nghiệm…" – cơ quan truy tố nêu.
Thực hiện thỏa thuận, Trịnh Thanh Hùng đã có nhiều hành vi cụ thể, trái quy định của pháp luật để giúp Việt. Cơ quan truy tố giành đến 6 đầu mục để diễn giải các lần Hùng giúp Việt.
Ở phía Phan Quốc Việt, thực hiện theo thỏa thuận, Việt đã đưa cho Hùng 2 lần, tổng số tiền 350.000 USD (tương đương hơn 8 tỷ đồng) tại nhà riêng của Hùng ở đường Trần Duy Hưng (lần 1 ngày 26/8/2020, lần 2 9/2/2021).
Như vậy, ngay từ giai đoạn đầu, Việt đã dùng tiền để được tham gia phối hợp nghiên cứu đề tài, kiểm định, nghiệm thu và sử dụng kết quả nghiên cứu Đề tài để Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành rồi sản xuất, bán thương mại test, biến test xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu của Nhà nước thành sản phẩm thương mại của Công ty Việt Á.
Tiếp theo, Phan Quốc Việt tiếp tục "vung tiền" để hối lộ các quan chức ở các Bộ, ngành. Những cái tên đầu tiên được cơ quan truy tố đề cập là Nguyễn Thanh Long – cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Huỳnh – cựu thư ký của ông Long.
Theo đó, do Việt quen với Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Huỳnh từ năm 2017 nên khi Công ty Việt á được tham gia phối hợp nghiên cứu Đề tài thì Việt đến gặp, nhờ ông Long, Huỳnh giúp đỡ để Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành để sản xuất, tiêu thụ được test xét nghiệm và được ông Long, Huỳnh đồng ý.
Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế đã làm đến "6 đầu việc" để giúp đỡ Phan Quốc Việt như chỉ đạo Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế tạo điều kiện tiếp nhận, kiểm tra, đề xuất cấp số đăng ký lưu hành cho test xét nghiệm của Công ty Việt Á; chỉ đạo cấp dưới trình Thứ trưởng Bộ Y tế ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành tạm thời test xét nghiệm Covid-19; tác động để Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ, huy động nguồn tài trợ của các ngân hàng TMCP để thanh toán mua 200.000 tets xét nghiệm cho Công ty Việt Á…
Tiếp nhận các chỉ đạo của ông Long, Nguyễn Huỳnh cũng thực hiện "5 đầu việc".
Và quá trình thực hiện các hành vi trên, ông Long đã thông qua Huỳnh gợi ý Việt đưa tiền. Phan Quốc Việt đưa hối lộ 4 lần, tổng 2,25 triệu USD (khoảng hơn 51 tỷ đồng) cho ông Long, trong đó có lần đưa ngay tại trụ sở Bộ Y tế. Huỳnh qua việc này cũng được Việt hối lộ 4 tỷ đồng.
Ở Bộ Y tế, ngoài hối lộ Bộ trưởng, Việt còn hối lộ các Vụ trưởng thuộc Bộ này, người thì khoảng gần 7 tỷ đồng (Nguyễn Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế), người thì hơn 2,3 tỷ đồng (Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, tài chính).
Đến Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt tiếp tục dùng tiền để tạo ra những lợi thế bất hợp pháp cho công ty của mình.
Cơ quan truy tố cáo buộc, sau khi thực hiện những hành vi trái pháp luật, có lợi cho Công ty Việt Á, ông Chu Ngọc Anh – cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Phạm Công Tạc – cựuThứ trưởng Bộ này đã được Việt đưa tiền cảm ơn.
Phan Quốc Việt đưa cho ông Chu Ngọc Anh 200 nghìn USD (khoảng 4,6 tỷ đồng), đưa cho ông Tạc 50 nghìn USD (khoảng hơn 1,1 tỷ đồng). Quá trình điều tra, ông Tạc khai chỉ nhận 100 triệu nhưng nhà chức trách cho rằng đủ cơ sở xác định ông Tạc nhận 50 nghìn USD từ Việt.
Đó là ở cấp Bộ, Việt còn mang tiền đi cảm ơn nguyên Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ sau khi được người này giúp đỡ.
Cụ thể, sau khi được Việt, Huỳnh nhờ giúp đỡ Công ty Việt Á trong quá trình phối hợp nghiên cứu Đề tài, cấp số đăng ký lưu hành, tiêu thụ test xét nghiệm, Nguyễn Văn Trịnh – nguyên Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để làm nhiều điều vi phạm pháp luật có lợi cho Việt Á. Quá trình giúp Công ty Việt Á, Trịnh được Việt cảm ơn 2 lần tổng số 200 nghìn USD (khoảng 4,5 tỷ đồng).
…đến hối lộ cán bộ ở các địa phương
Khi đến các địa phương, Phan Quốc Việt tiếp tục sử dụng "nhuần nhuyễn" đồng tiền của mình. Cụ thể, sau khi được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tạm thời test xét nghiệm, Công ty Việt Á sản xuất và tiêu thụ test xét nghiệm tại các địa phương trên cả nước.
Để tiêu thụ được số lượng lớn test xét nghiệm và thanh toán theo giá Công ty Việt Á đã nâng khống, Việt đã nhờ Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Huỳnh, Nguyễn Văn Trịnh can thiệp, tác động một số lãnh đạo cấp tỉnh cho Công ty Việt Á được cung cấp test xét nghiệm tại địa phương.
Cùng với đó, Việt trực tiếp hoặc chỉ đạo 7 nhân viên phụ trách vùng của công ty liên hệ, thỏa thuận, thống nhất với lãnh đạo, cán bộ của Sở Y tế, bệnh viện, CDC các tỉnh hoặc công ty trung gian để giao test xét nghiệm và các thiết bị, vật tư y tế khác cho các đơn vị này ứng sử dụng trước, sau đó 2 bên thông đồng hợp thức hồ sơ thầu, chào hàng cạnh tranh, ký hợp đồng mua bán để đơn vị, cơ sở y tế thanh toán, chuyển tiền cho Công ty Việt Á.
Ở mỗi tỉnh, thành phố mà Công ty Việt Á bán kit test xét nghiệm, tùy vào từng hợp đồng, Công ty Việt Á dưới quyền của Việt đều "lại quả" rất hậu hĩnh.
Kết quả xác minh thể hiện diễn biến hành vi, phương thức, thủ đoạn phạm tội, Cơ quan tố tụng Trung ương đã khởi tố Việt cùng đồng phạm về các tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ" xảy ra trong quá trình Việt Á bán test xét nghiệm cho CDC các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Nghệ An, Bình Dương.
Cơ quan Trung ương cũng phân công cho các cơ quan tố tụng địa phương tại 61 tỉnh, thành phố xác minh, khởi tố, điều tra về sai phạm này.
Đến nay, có Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thuộc 15 tỉnh/thành đã khởi tố 17 vụ án về các tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", Công an 2 tỉnh khởi tố về tội "Đưa, nhận hối lộ".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.