Phản ứng "bất ngờ" của giới bất động sản trước đề xuất chỉ bán, cho thuê tối đa 5 căn nhà/năm
Đề xuất cá nhân chỉ bán, cho thuê tối đa 5 căn nhà/năm, giới bất động sản nói gì?
Thái Nguyễn
Thứ hai, ngày 04/03/2024 14:57 PM (GMT+7)
Bộ Xây dựng đề xuất, đối với cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ chỉ được bán, cho thuê nhà ở, chung cư từ 3 - 5 căn/năm. Tuy nhiên, điều này không nhận được sự đồng tình của nhà đầu tư, môi giới và chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản.
Bộ Xây dựng "siết" số lượng mua, cho thuê bất động sản với cá nhân
Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản, để xác định rõ điều kiện "quy mô nhỏ”, Bộ Xây dựng đề xuất ba phương án tại khoản 1 Điều 7 dự thảo nghị định.
Phương án thứ nhất, Bộ Xây dựng đề xuất điều kiện đối với cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ bao gồm: Cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua nhà ở có sẵn, nhà ở hình thành trong tương lai từ 3-5 nhà ở hoặc 3-5 căn hộ chung cư, trong 1 năm (12 tháng).
Cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua công trình xây dựng có sẵn, công trình xây dựng hình thành trong tương lai từ 5-10 công trình xây dựng hoặc 5-10 phần diện tích sàn trong công trình xây dựng, trong 1 năm (12 tháng).
Phương án thứ hai, Bộ Xây dựng đề xuất quy định cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định của pháp luật có diện tích từ 1.000 - 2.000 m2 đối với đất tại khu vực đô thị; từ 3.000 - 5.000 m2 đất tại khu vực nông thôn; từ 1.000 - 2.000 m2 sàn xây dựng đối với nhà ở, công trình hỗn hợp có nhà ở; từ 3.000m2 đến 5.000m2 sàn xây dựng đối với công trình xây dựng không có nhà ở.
Phương án thứ ba, Bộ quy định cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ là các trường hợp cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ từ hai tầng trở lên và có quy mô dưới 20 căn hộ để cho thuê theo quy định tại khoản 3 Điều 57 Luật Nhà ở số 27/2023/QH15; Cá nhân bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng có nguồn gốc là nhà ở, công trình xây dựng được nhận thừa kế; Cá nhân bán, cho thuê mua nhà ở có nguồn gốc là nhà ở tình nghĩa, nhà ở tình thương, nhà đại đoàn kết mà cá nhân được cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân tặng cho.
Hiện Bộ Xây dựng đang tiếp tục lấy ý kiến góp ý Dự thảo Tờ trình và Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đến trước ngày 27/4/2024.
Về đề xuất này, anh Đức Hải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), một nhà đầu tư bất động sản 5 năm kinh nghiệm cho biết, đối với những người hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản thì quy định này sẽ tác động rất lớn tới nguồn thu nhập. Vì mỗi năm, anh Hải cho khách thuê nhà với số lượng rất lớn chưa kể việc mua, bán bất động sản.
"Nguồn thu của tôi chủ yếu bằng việc cho khách thuê căn hộ chung cư và mỗi năm thường có hơn chục lượt khách thuê. Nhiều người họ thuê chỉ vài tháng chứ không phải dài hạn. Nếu siết quy định chỉ cho thuê từ 3 – 5 nhà ở/năm thì ảnh hưởng rất lớn tới việc kinh doanh của tôi", anh Hải chia sẻ.
Chưa nên áp dụng quy định cá nhân bán, cho thuê tối đa 5 căn nhà/năm
Anh Quốc Nam, môi giới bất động sản tại Hà Nội cho biết, quy định cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua từ 3 - 5 nhà/năm tác động rất lớn tới thị trường bất động sản. Quy định này sẽ ảnh hưởng tới lượng giao dịch nhà ở vốn đã thấp trong thời gian qua. Từ đó, hoạt động của những sàn giao dịch hay doanh nghiệp bất động sản cũng gặp ảnh hưởng từ quy định này.
"Việc hạn chế số lượng giao dịch bất động sản đối với cá nhân là cần thiết nhưng phải có lộ trình và phân rõ nhà ở là những loại nhà ở nào. Đối với mỗi nhà đầu tư bất động sản thì trong một năm họ có đến vài chục giao dịch, bán, chuyển nhượng, cho thuê bất động sản thì nếu siết lại thì tác động đến nguồn kinh tế những đối tượng này. Ngoài ra, quy định này cũng gây ra khó khăn cho những người làm môi giới bất động sản, những người sống nhờ những giao dịch. Do đó, tôi thấy quy định này cần tính toán kỹ trước khi áp dụng", anh Nam chia sẻ.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, quy định giới hạn số lượng giao dịch bất động sản là đúng và cần thiết. Điều này sẽ hạn chế tình trạng đầu cơ, đẩy giá bất động sản như nhiều trường hợp đã từng diễn ra.
Tuy nhiên, trong giai đoạn này theo ông Điệp nên hạn chế đưa ra các quy định mới làm hạn chế việc mua bán bất động sản. Bởi hiện nay, thị trường còn đang khó khăn cần nhiều chính sách để hồi phục, do đó, cần phải có những tác động để đẩy mạnh số lượng giao dịch bất động sản, tạo thanh khoản thì thị trường mới sớm ổn định.
"Chúng ta cần cơ chế cởi mở để thu hút nguồn lực bởi vì bối cảnh hiện nay bất động sản vẫn là một trong những kênh thu hút nguồn lực lớn và hiệu quả. Ví dụ như thị trường vàng trong thời gian qua biến động rất khó lường, nhà đầu tư khi rời khỏi thị trường bất động sản họ đầu tư vàng thì không có lợi cho chính quốc gia. Khi đầu tư vào bất động sản sẽ tác động đến bộ mặt hạ tầng, đô thị và doanh nghiệp sẽ phát triển,… Do đó, trong giai đoạn này chúng ta cần cân nhắc có nên áp dụng quy định giới hạn số lượng giao dịch bất động sản hay không vì đây là thời điểm cần mở hơn là siết", ông Điệp nhận định.
Ông Nguyễn Thế Điệp cũng cho biết, giai đoạn hiện nay thị trường bất động sản đang "mở cửa" hơn để thu hút nguồn lực từ kiều hối. Vì vậy, việc quy định "siết" số lượng mua bất động sản sẽ làm ảnh hưởng tới nguồn lực này.
"Trong bối cảnh giá nhà ở một số quốc gia đã quá cao hay việc siết các quy định nhập cư ở một số nước… cũng sẽ khiến nhu cầu sở hữu nhà tại Việt Nam ngày càng tăng lên. Do đó, dòng vốn kiều hối về Việt Nam đang dần trở thành một nguồn lực quan trọng của nền kinh tế, có thể đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển của bất động sản trong nước. Bởi vậy, cần thêm những chính sách thu hút, thúc đẩy giao dịch bất động sản hơn nữa", ông Điệp cho biết thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.