Phan Vân - Trợ thủ “bí mật” của Lam Sơn, giúp Lê Lợi đại phá quân Minh
Phan Vân - Trợ thủ “bí mật” của Lam Sơn, giúp Lê Lợi đại phá quân Minh
N.N
Thứ hai, ngày 13/05/2024 22:00 PM (GMT+7)
Trong chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn có sự đóng góp to lớn của Phan Vân. Ông chính là người tổ chức, cung cấp nhân tài, vật lực cho nghĩa quân, nhất là việc xây dựng thành Động Đình, tạo điều kiện thuận lợi cho nghĩa quân tấn công thành Đông Lũy và giành chiến thắng vang dội.
Trong chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn có sự đóng góp to lớn của Phan Vân. Ông là người tổ chức, cung cấp nhân tài, vật lực cho nghĩa quân, nhất là việc xây dựng thành Động Đình, tạo điều kiện thuận lợi cho nghĩa quân tấn công thành Đông Lũy và giành chiến thắng vang dội. Ngoài công lao khai hoang, chiêu dân lập ấp, Phan Vân còn sớm hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn được Lê Lợi khởi xướng. Lê Lợi đã cử Phan Vân giữ chức Chánh Sơn phòng xây dựng hậu cứ Đông Thành, tạo thế thuận lợi cho tướng Đinh Lễ tổ chức tiến công thành Đông Lũy thắng lợi. Khi Lê Lợi tiến quân vào Nghệ An, nhân dân nô nức hưởng ứng, lập công diệt giặc.
Dưới sự chỉ đạo của Phan Vân, vùng phía Tây Đông Thành đã thực sự trở thành hậu cứ vững chắc cho nghĩa quân Lam Sơn. Phan Vân đã tổ chức cho nhân dân sản xuất lương thực cung cấp cho nghĩa quân. Hiện trên địa bàn xã Tiền Thành còn lưu giữ một số địa danh liên quan đến việc tích trữ lương thực cho nghĩa quân như Thung Buồng, Cồn Kho Đồng...
Để chuẩn bị cho cuộc tiến công giải phóng thành Đông Lũy, Lê Lợi giao cho Phan Vân xây dựng căn cứ địa Động Đình. Thành Động Đình nằm cách thành Đông Lũy khoảng 15km theo đường chim bay. Vì vậy, việc xây dựng thành Động Đình phải hết sức khẩn trương và bí mật. Theo kế hoạch đã chuẩn bị, tướng Đinh Lễ đem quân phục binh trước, người Minh không biết, gặp khi đô ty Minh là Trương Hùng đem 300 thuyền chở lương thực từ Đông Quan tới, trong thành mừng lắm đem quân ra mở cửa đồn. Quân phục binh của Đinh Lễ bất thình lình nổi dậy chém Thiên Lộ họ Tưởng và quân lính hơn 300 người. Trương Hùng tháo chạy, Đinh Lễ cướp thuyền lương của địch rồi đuổi theo đến tận thành Tây Đô.
Chiến thắng thành Đông Lũy có sự đóng góp to lớn của Phan Vân. Ông là người tổ chức, cung cấp nhân tài, vật lực cho nghĩa quân Lam Sơn, nhất là việc xây dựng thành Động Đình, tạo điều kiện thuận lợi cho nghĩa quân tấn công thành Đông Lũy và giành chiến thắng vang dội. Sau chiến thắng Đông Lũy, nghĩa quân Lam Sơn tiến thẳng ra Thanh Hóa, tiến công thành Tây Đô mở màn cho việc tiến công ra Đông Đô vây thành, diệt viện binh, quét sạch giặc Minh. Sau khi nước nhà độc lập, Lê Lợi lên ngôi vua đã phong Phan Vân tước Chánh sứ Bái Dương hầu.
Phan Vân mất năm 1439. Phần mộ của ông được nhân dân mai táng tại thôn Chánh Sứ, thuộc xã Bắc Thành, huyện Yên Thành. Sau này, nhân dân đã xây miếu trên phần mộ nên thường gọi là miếu mộ Chánh sứ.
Trải qua các triều đại dưới thời Lê Trung hưng và nhà Nguyễn đều có sắc phong cho Phan Vân là Thượng Đẳng tôn thần giao cho xã Tiền Thành (nay là các xã Bắc Thành, Trung Thành, Nam Thành) thờ cúng. Ca ngợi công đức của Phan Vân tại đền thờ ông có nhiều câu đối, trong đó có câu tiêu biểu: "Trần triều trong nhậm Phan Chánh sứ/Lê đại minh công Bái Dương hầu". Nghĩa là: "Quan chánh sứ Trần triều giữ chức/Bái Dương hầu Lê triều phong chức".
Lời bàn về khởi nghĩa Lam Sơn
Khởi nghĩa Lam Sơn là đỉnh phát triển cao nhất và là kết tinh của toàn bộ phong trào giải phóng đất nước vào đầu thế kỷ XV.
Qua mười năm chiến đấu gian khổ và anh dũng, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã giành được thắng lợi rực rỡ. Thắng lợi đó đã đập tan ách thống trị của bọn xâm lược nhà Minh, khôi phục lại nền độc lập cho đất nước. Và có được kết quả đó là nhờ ngay từ đầu, những nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã nhận thấy được sức mạnh của nhân dân nên đã chủ trương giương cao ngọn cờ yêu nước và nhân nghĩa, để tập hợp nhân dân cả nước đứng lên đánh giặc; dựa vào dân để phát động một cuộc chiến tranh giải phóng có tính chất nhân dân sâu sắc. Trong cuộc chiến đấu đó, nghĩa quân Lam Sơn đã thực sự dựa được vào dân và khai thác được tiềm lực cực kỳ to lớn của nhân dân cho chiến tranh.
Và chính vì thế mà cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã đi dần từ không đến có, từ một cuộc khởi nghĩa nhỏ ở miền rừng núi Thanh Hóa đã dần dần phát triển thành trung tâm của phong trào đấu tranh trong phạm vi cả nước, thành một cuộc chiến tranh giải phóng có tính chất nhân dân rộng rãi. Đây chính là bài học vô cùng quý giá mà tổ tiên đã để lại, cho hậu thế hôm nay - được lòng dân là có tất cả và ngược lại nếu mất lòng dân là mất tất cả. Vì vậy, hậu thế không ai được phép quên điều này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.