Pháp "giáng đòn" nặng vào người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật

Đinh Đang (Theo The Guardian) Thứ hai, ngày 13/11/2023 08:45 AM (GMT+7)
Cơ quan quản lý người tiêu dùng, cạnh tranh và chống gian lận của Pháp là DGCCRF từ lâu đã theo dõi nội dung của những người nổi tiếng để phát hiện quảng cáo ẩn hoặc các sản phẩm nguy hiểm.
Bình luận 0

Kể từ khi Marie Lopez bắt đầu quay video hướng dẫn trang điểm và làm tóc khi mới 16 tuổi, cô ấy đã trở thành một người trẻ "ăn, ngủ và thở" trên các nền tảng mạng xã hội.

Năm 21 tuổi, cô đã xây dựng một cộng đồng trực tuyến với hàng triệu người theo dõi và trở thành một trong những phụ nữ Pháp có số lượng người hâm mộ lớn nhất trên YouTube, chia sẻ nội dung về nhiều chủ đề như bắt nạt, dậy thì, làm đẹp da và cuộc sống. Ở tuổi 28, với tên gọi là EnjoyPhoenix, cô thường xuyên đăng nhiều nội dung trong một ngày và nhận ra rằng, việc "tiết lộ nhiều hơn" về cuộc sống riêng tư là một phần quan trọng của sự thành công.

Pháp "giáng đòn" nặng vào người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật

Pháp "giáng đòn" nặng vào người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật - Ảnh 1.

Diễn viên và người có ảnh hưởng Capucine Anav đã buộc phải đặt biểu ngữ màu đen trên tài khoản của mình sau khi cô không đánh dấu một số nội dung thương mại trên trang cá nhân. Ảnh: Eric Fougere/Corbis/Getty Images

Cô chia sẻ: "Tôi bắt đầu khi còn trẻ và cảm thấy cộng đồng là một phần quan trọng của cuộc sống hàng ngày của mình. Sự tin tưởng và "minh bạch" là chìa khóa cho mối quan hệ với khán giả, và vì vậy, trong nhiều năm, tôi đã mở rộng và ký kết các hợp đồng thương mại để quảng bá sản phẩm".

Khi Chính phủ Pháp thông báo "bữa tiệc đã kết thúc" cho 150.000 người ảnh hưởng trên mạng xã hội và thông qua luật được coi là toàn diện nhất thế giới để giám sát nội dung trả phí, EnjoyPhoenix và nhiều người ảnh hưởng khác đã hợp tác với các bộ trưởng để thảo luận về quy định mới. Chính trị gia Pháp lên tiếng trước Quốc hội, đề cập đến việc bảo vệ quốc gia khỏi các chương trình bán hàng trên mạng xã hội, thiết bị chăm sóc da không an toàn và quảng cáo không đảm bảo từ những người không đạt tiêu chuẩn, cho đến cả các sản phẩm cá cược và tài chính mang rủi ro cao.

Pháp "giáng đòn" nặng vào người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật - Ảnh 2.

Marie Lopez, người có hàng triệu người theo dõi trên YouTube với tên gọi EnjoyPhoenix cho biết, cô luôn cởi mở về các bài đăng quảng cáo của mình. Ảnh: Domine Jerome/ABACA/Rex/Shutterstock

Những người có ảnh hưởng hiện nay phải ký hợp đồng bằng văn bản cho mỗi thanh toán hoặc quà tặng từ thương hiệu hợp tác, cũng như công bố rõ ràng thời lượng của bài đăng mà họ nhận tiền để quảng cáo. Quảng bá các sản phẩm như phẫu thuật thẩm mỹ và thuốc lá đã bị cấm và có những quy định chặt chẽ hơn về sản phẩm tài chính (tiền ảo, cá cược...). Hình phạt có thể lên đến hai năm tù và 300.000 euro (khoảng 7 tỷ đồng).

EnjoyPhoenix nói rằng, quy tắc rõ ràng và áp dụng chúng không chỉ đối với những người có ảnh hưởng mạng xã hội mà còn cho tất cả các lĩnh vực như sản xuất MV âm nhạc. Cô nói: "Quan trọng là phải có những quy tắc giống nhau cho mọi người. Hiện nay, chúng tôi cảm thấy như đang bị lợi dụng làm "con dê tế thần" vậy".

Những người có ảnh hưởng ở Pháp thường không có thu nhập cao. Trong 150.000 người ảnh hưởng ước tính, hơn 80% kiếm ít hơn 5.000 euro mỗi năm trên mạng xã hội. Các chính trị gia Pháp mô tả những quy định mới là "một loại cách mạng" nhằm cải thiện uy tín của ngành.

Pháp "giáng đòn" nặng vào người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật - Ảnh 3.

Ngôi sao truyền hình thực tế Nabilla Vergara bị phạt vào năm 2021 vì không nói với những người theo dõi rằng cô đã được trả tiền để quảng cáo một dịch vụ tài chính. Ảnh: Loïc Venance/AFP/Getty Images

Còn đó sự bất bình đẳng

Cơ quan quản lý người tiêu dùng, cạnh tranh và chống gian lận của Pháp là DGCCRF từ lâu đã theo dõi nội dung của những người có ảnh hưởng để phát hiện quảng cáo ẩn hoặc các sản phẩm nguy hiểm. Hiện nay, Chính phủ đã tăng cường kiểm tra và "gọi tên" những người vi phạm quy tắc. Theo hệ thống quy định, những người vi phạm phải đăng biểu ngữ màu đen do cơ quan chống lừa đảo người tiêu dùng viết trên tài khoản mạng xã hội của họ trong 30 ngày.

Rémy Slove từ DGCCRF cho biết: "Điều này giúp một phần ngăn cản những người có ảnh hưởng kiếm tiền bất chấp và khiến họ sợ hãi. Một tác dụng quan trọng khác là cung cấp thông tin cho người tiêu dùng".

Trong khi nhiều người hoan nghênh các biện pháp mới, cũng có những quan điểm phản đối. Arthur Delaporte, một nghị sĩ xã hội chủ nghĩa cho rằng, những quy định mới là không giải quyết triệt để được vấn để cải thiện uy tín của ngành. Ông cũng chia sẻ lo ngại về sự phân biệt trong đối xử giữa những người có ảnh hưởng và các ngôi sao nổi tiếng khác như diễn viên điện ảnh.

Carine Fernandez là người sáng lập công ty Point d'Orgue và chủ tịch liên đoàn những người sáng tạo nội dung và người có ảnh hưởng mới của Pháp, UMICC. Mới đây, cô đã họp với bộ trưởng kinh tế Bruno Le Maire để làm rõ các chi tiết về luật mới. Cô nhấn mạnh rằng, quy định quan trọng nhưng cũng cần có sự công bằng và đồng đẳng trong đối xử với các đối tượng khác nhau trên mạng xã hội.

Pháp "giáng đòn" nặng vào người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật - Ảnh 4.

Carine Fernandez là người sáng lập công ty Point d'Orgue và chủ tịch liên đoàn những người sáng tạo nội dung và người có ảnh hưởng mới của Pháp. Ảnh: The Guardian.

Cô nói: "Vấn đề ngày nay là có cách đối xử khác nhau đối với một người được xem là người có ảnh hưởng hoặc YouTuber và một người là người nổi tiếng hoặc ngôi sao điện ảnh. Ví dụ, tại sao khi một ngôi sao điện ảnh trên thảm đỏ mặc một sản phẩm Chanel được tặng, họ không cần phải công bố rằng đó là quảng cáo trả phí, trong khi một người có ảnh hưởng lại phải làm như vậy?".

Trong khi những biện pháp mới được đánh giá cao thì vẫn có những quan điểm phản đối. Audrey, một bà mẹ hai con, người có số lượng người theo dõi lớn trên mạng xã hội, theo dõi vị trí sản phẩm của những người có ảnh hưởng và cảnh báo về các mặt hàng đáng ngờ, cũng như quảng cáo ẩn. Cô nói: "Luật mới là điều tốt, nhưng vấn đề thực sự tôi thấy trên mạng xã hội là thiếu khả năng phản biện: người dùng internet không kiểm tra nguồn hoặc xác minh thông tin. Vấn đề là sự sẵn sàng tin tưởng của mọi người".

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ TT&TT gửi Quốc hội cho biết, Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google (YouTube), TikTok... ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục ngàn nội dung vi phạm; gỡ bỏ các hội nhóm, group có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em; gỡ bỏ 11 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức, ngăn chặn các kênh YouTube phản động không cho truy cập từ lãnh thổ Việt Nam.

Cụ thể, trong nửa đầu năm 2023, Facebook đã chặn, gỡ bỏ 2.265 bài viết đăng thông tin sai sự thật về các thương hiệu, cá nhân, tổ chức, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước (đạt tỷ lệ 92%). Ngoài ra, gỡ bỏ 3 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; khóa 8 tài khoản thường xuyên đăng tải tin giả, thông tin xuyên tạc; gỡ 30 page quảng cáo, mua bán hóa đơn.

Còn Google đã gỡ 4.910 video vi phạm trên YouTube (đạt tỷ lệ 94%). Ngoài ra, chặn 2 kênh YouTube phản động khỏi truy cập từ lãnh thổ Việt Nam là Kênh nóng TV và Chính sự TV.

Đối với TikTok, đã yêu cầu mạng xã hội này chặn, gỡ bỏ 397 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực (tỷ lệ 95%). Trong đó có 139 tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước. Tháng 10/2023, Bộ TT&TT đã công bố kết luận kiểm tra số 08/KL-BTTTT về việc kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam, trong đó chỉ ra các sai phạm và yêu cầu mạng xã hội này có giải pháp khắc phục.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem