Pháp y quân đội cần vào cuộc

Thứ năm, ngày 25/03/2010 08:32 AM (GMT+7)
NTNN - "Những cái chết bất thường" khiến người thân các nạn nhân đau đớn, dư luận bất bình. Để giúp bạn đọc có cái nhìn khách quan hơn, NTNN đã trao đổi với luật sư và những người thực thi pháp luật.
Bình luận 0

img
Vợ con nạn nhân Phạm Văn Mạnh.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Trưởng văn phòng luật sư Hồng Bách và cộng sự: Phải có trách nhiệm giải trình

 

Ông nhận xét thế nào về việc cơ quan công an mời một số nghi phạm lên làm việc trong những vụ mà Báo NTNN đã nêu?

- Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Pháp lệnh điều tra hình sự, việc cơ quan công an mời các nghi phạm lên làm việc là chuyện bình thường. Bởi vì trong chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn  được pháp luật cho phép, khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm hoặc  đơn thư trình báo về tội phạm, thì cơ quan công an có quyền mời đối tượng bị nghi ngờ lên để làm rõ sự thật.

Vậy trách nhiệm của cơ quan công an trong việc mời các nghi phạm lên làm việc đến đâu ?

- Về nguyên tắc, khi mời một người nào đó lên làm việc thì điều tra viên hoặc cán bộ thừa hành phải giải thích lý do, nội dung làm việc, giới hạn và quyền của người được mời lên làm việc. Đồng thời, cơ quan điều tra cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về thời gian làm việc. Luật pháp nghiêm cấm làm việc, ghi lời khai hoặc hỏi cung vào ban đêm (trừ trường hợp đặc biệt).

Khi tạm giữ người, cơ quan công an, cán bộ điều tra cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật. Phải có quyết định tạm giữ, tạm giam cũng như phải báo cho gia đình người bị tạm giữ và chính quyền địa phương nơi người bị tạm giữ được biết.

Tuy nhiên, những người được mời lên cơ quan công an mà Báo NTNN vừa nêu, đã không trở về...

- Trong những trường hợp này, cơ quan công an và cán bộ trực tiếp làm việc với nghi phạm phải có trách nhiệm giải trình toàn bộ về nguyên nhân cái chết. Nếu nguyên nhân cái chết do lỗi của cán bộ điều tra, cán bộ điều tra đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Qua tiếp xúc với người thân các nạn nhân, chúng tôi nhận thấy có người chỉ tin vào cơ quan giám định pháp y của quân đội. Ông nghĩ sao về điều này?

-  Trong những trường hợp này không thể nói rằng pháp y của cơ quan công an tiến hành thì sẽ không khách quan, nhưng nếu để pháp y quân đội tiến hành sẽ tạo được niềm tin cao hơn đối với dư luận. Vì thế sự việc có liên quan đến công an nên để pháp y quân đội làm việc thì tốt hơn.

Lịch sử tố tụng cũng đã có trường hợp như thế. Đó là vụ án liên quan tới đại uý cảnh sát giao thông (cầu Chương Dương) Nguyễn Tùng Dương bắn chết Nguyễn Việt Phương. Trong vụ án này pháp y quân đội đã vào cuộc và cơ quan tiến hành tố tụng đã sử dụng kết luận giám định của pháp y quân đội.

Tuy nhiên, tôi cho rằng pháp y quân đội hay pháp y của công an cũng đều hoạt động tuân thủ pháp luật và dựa trên sự thật khách quan, kết luận giám định pháp y của họ đều được coi là chứng cứ.

Có những vụ việc xảy ra đã lâu nhưng đến giờ vẫn gây bức xúc cho người thân, dư luận xã hội. Theo luật sư, gia đình nạn nhân cần phải làm gì để làm sáng tỏ "những cái chết bất thường"?

- Theo tôi thì gia đình cần làm đơn khiếu nại đề nghị với cơ quan công an, các cơ quan chức năng theo quy định của pháp lệnh điều tra hình sự. Cụ thể, là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, đại biểu dân cử…

Đây là những cơ quan có thẩm quyền giám sát hoạt động điều tra, lên tiếng đề nghị làm rõ nguyên nhân cái chết. Từ đó làm dịu dư luận, đồng thời xử lý nghiêm minh những người có trách nhiệm tới những cái chết, tạo niềm tin cho quần chúng nhân dân.

Trao đổi với PV NTNN (qua điện thoại), Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh - Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết: Một số nghi can bị chết sau khi đến trụ sở cơ quan công an phục vụ công tác điều tra, xảy ra trên địa bàn Hà Nội, lãnh đạo Công an thành phố đã được báo cáo. Chúng tôi đã đình chỉ công tác đối với những cán bộ trực tiếp liên quan đến những vụ việc đó, để phục vụ điều tra.  

Ông Vũ Huy Thuận - Cục  phó Cục Điều tra hình sự về các hoạt động xâm phạm tư pháp (Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao): Theo dõi sát các vụ việc

Chúng tôi đã biết về một số vụ việc thông qua báo chí. Dù nguyên nhân dẫn đến những mất mát đó thế nào đi chăng nữa cũng là nỗi đau không chỉ riêng gia đình nạn nhân.

Hiện nay các vụ việc đang được cơ quan điều tra làm rõ. Thông tin rất trái chiều nên chúng tôi chưa thể khẳng định được gì. Khi có báo cáo của cơ quan điều tra thì mới có hướng giải quyết.

Chức trách của Viện Kiểm sát các cấp, nơi xảy ra những điều đáng tiếc đó, là phải giám sát khám nghiệm tử thi bị nạn, phối hợp điều tra làm rõ nếu có những điều bất thường. Sau đó phải báo cáo lên cấp trên. Cục đang theo dõi sát các vụ việc.

Mặc dù cơ quan công an quản lý đang thụ lý điều tra, nhưng nếu trường hợp nào thấy công tác điều tra có biểu hiện làm không đúng với quy định pháp luật, không đúng với chức trách, chúng tôi sẽ cho điều tra viên của Cục xuống điều tra xác minh cụ thể. Đúng sai đến đâu xử lý đến đó.

Nghi can tử vong mới nhất tại Hà Nội: Do tự sát?

Ngay sau khi lo xong tang lễ cho chồng, bà Trịnh Thị Sói (phường Đồng Mai, Hà Đông) đã đưa ra nhiều nghi vấn xung quanh cái chết của chồng bà. "Biết anh Mạnh (chồng bà Sói - PV) có hành vi sai trái với con đẻ, ngày 21-3-2010, tôi gửi đơn lên Công an phường với mục đích nhờ họ dạy dỗ, răn đe" - bà Sói cho biết.

Sau khi nhận đơn, cùng ngày, Công an phường Đồng Mai triệu tập ông Phạm Văn Mạnh lên trụ sở làm việc. Theo bà Sói, khoảng 1-2 giờ  sau, người của công an phường báo về: Ông Mạnh đã tự lao đầu vào tường tự sát, đang cấp cứu tại Quân y viện 103.

"Có mặt tại viện, tôi vô cùng bàng hoàng! Anh ấy thở bằng máy và nằm bất động trên giường. Phía sau đầu sưng to, một bên mông bị tím, trên bụng và tay xuất hiện nhiều vết lằn đỏ. Chiều hôm sau thì qua đời" - bà Sói thuật lại.  Theo Trung tá Nguyễn Hữu Chiến - Trưởng phòng Kế hoạch, Quân y viện 103: "Ông Mạnh nhập viện lúc 22 giờ ngày 21-3, với tình trạng hôn mê do chấn thương sọ não; chảy máu bán cầu trái, lụt não thất hai bên. Ngoài ra còn có các vết thương ở bụng, ngực, cẳng tay. Sau một thời gian hôn mê sâu và rối loạn hô hấp, bệnh nhân tử vong hồi 13 giờ 30 ngày 22-3".

Về nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Mạnh, ngoài thông tin nói rằng ông "tự lao đầu vào tường", Công an phường Đồng Mai còn cho hay, khi đến trụ sở "miệng ông Mạnh có mùi rượu". Đây là nguyên nhân khiến ông không làm chủ được mình? Tuy nhiên, bà Sói đã bác bỏ thông tin trên: "Tôi nghĩ, lúc công an gọi, chồng tôi không uống rượu và chưa ăn tối".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem