Phạt cao

Thứ năm, ngày 18/11/2010 10:10 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vi phạm trong 6 lĩnh vực văn hóa, đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải và cư trú ở nội thành Hà Nội sẽ bị phạt nặng, cao hơn ở ngoại thành, cao hơn ở TP. HCM, cao hơn ở tất cả các địa phương khác.
Bình luận 0

Đây là những quy định được đưa ra trong dự án Luật Thủ đô. Đại biểu QH Nguyễn Đức Nhanh, hiện đang đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Công an TP. Hà Nội, giải thích, rằng: Có như vậy mới giải quyết được bức xúc hiện nay.

Nhưng phạt cao có phải là "điều tốt"? "Phạt cao hơn để văn minh hơn"? Và "những bức xúc hiện nay"-nổi rõ và gây bức xúc nhất là tình trạng giao thông, liệu có phải vì Hà Nội đã xử phạt chưa cao?

Hà Nội hiện có tới 16 bệnh viện đầu ngành với hàng chục ngàn bệnh nhân và ít nhất gấp đôi con số đó người nhà bệnh nhân lưu trú thường trực tại thủ đô. Với 96 trường ĐH, CĐ và 66 vạn sinh viên, Hà Nội chiếm tới 1/3 số trường và gần 40% số sinh viên cả nước.

Tại 4 quận nội thành, có tới 26 trường. Đó là chưa kể tới hàng trăm cơ quan, công sở của T.Ư và Hà Nội. Chuyện di dời trường học, bệnh viện, đã được đặt ra từ nhiều năm nay, nhưng tới tháng 10 vừa qua, thành phố mới có kế hoạch và vẫn còn đang giai đoạn báo cáo Chính phủ.

Chuyện dãn dân năm nào cũng được HĐND thành phố đề cập tới. Nhưng, lấy ví dụ khu phố cổ chẳng hạn, đã từ 11 năm nay, chưa di dời được bất cứ người dân nào. Chuyện giảm tải các dự án xây dựng nhà cao tầng hiệu quả đến đâu chưa biết. Chỉ biết lúc này có tới 223 dự án xây dựng nhà cao tầng đã và đang được triển khai.

Bởi vậy, nhiều đại biểu QH đã cho rằng việc cấp bách mà Hà Nội cần làm không phải là đòi được phạt cao mà là nhanh chóng thực hiện di dời các trường đại học, bệnh viện, cơ quan nhà nước ra khỏi nội đô để giảm áp lực cho hạ tầng giao thông.

Sau khi Nghị định 34, cho phép mức phạt vi phạm Luật Giao thông đường bộ ở nội thành thậm chí cao gấp 300% so với cùng hành vi vi phạm ở... ngoại thành, tình trạng tắc đường Hà Nội vẫn không hề thuyên giảm với hơn 100 điểm tắc không thường xuyên và khoảng 25 điểm cứ đến giờ cao điểm là tắc. Ai sẽ đảm bảo khi mức phạt được tăng cao hơn nữa thì sẽ chấm dứt cảnh tắc đường?

Đại biểu QH Nguyễn Minh Thuyết còn băn khoăn: Người dân ở thủ đô vi phạm bị xử lý nặng hơn các nơi khác, còn cán bộ sai phạm, liệu có xử lý cao hơn? Ví dụ cùng một sai phạm của cán bộ, ở nơi khác bị cách chức, còn ở Hà Nội có thể bị phạt tù?

Giao thông ở thủ đô đang rất lộn xộn. “Giao thông lộn xộn như thế thì có ra luật giời cũng không thể giải quyết được tình hình. Vậy có cần ra luật không hay chỉ cần một nghị định?”- đây là ý kiến của ĐBQH, GS Nguyễn Lân Dũng.

Một dự án luật mà đưa ra thảo luận nhiều ĐB còn đặt ngược vấn đề: "Cần thiết có luật không?" thì rõ ràng những quy định trong dự thảo luật đang có quá nhiều điểm bất hợp lý, hoặc thực sự không cần thiết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem