Theo thông tin từ Bảo tàng tỉnh Yên Bái, vừa qua, từ thông tin của người dân thôn Đồng Hen, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, các cán bộ bảo tàng đã phát hiện một lư hương thời Trần có niên đại khoảng tầng 3 văn hóa Lý-Trần (thế kỷ XI-XIV).
Lư hương có cân nặng 2,9 kg, hình chữ nhật, thân cao 20cm, chiều rộng nhất 21 cm, dài miệng 12,5 cm, rộng miệng 11,5 cm, có 4 chân (đã bị gẫy 2 chân), cao 0,3cm, sâu lòng 0,7 cm. Toàn thân đắp nổi các linh vật uy nghi, quyền lực nhưng lại mang phong cách dân gian, thuần Việt.
Mặt lư hương được trang trí lưỡng long chầu nguyệt (mặt trời) có 10 tia, rồng uốn quanh 1/2 miệng rồi đột ngột tạo hình kéo dọc xuống đáy tạo thành đôi quai dọc có trang trí chân rồng, vẩy rồng, vân mây uốn lượn và điểm một hoa chanh dưới cùng. Phía dưới lưỡng long chầu nguyệt là đôi hạc dẫm lên đôi rùa đắp nổi, mập, khá rõ nét tương tự chầu nguyệt, ở giữa phía trên đôi rùa có lỗ vuông (chữ khẩu) xuyên sâu vào đáy miệng của lư hương.
Ở mặt sau trang trí đơn giản hơn, gồm mặt trời nổi không có tia, phía dưới tính từ chân lên đắp khối nổi, một bên hình đầu ngựa thân lân và một bên là đầu nghê thân nghê.
Huyện Yên Bình (thời Trần có tên là Trại Thu Vật ) trước kia thuộc tỉnh Tuyên Quang. Năm 1956, Yên Bình được tách và sáp nhập về Yên Bái. Trại Thu Vật nằm trên lưu vực sông Chảy, trước là một hướng tiến quân của quân Nguyên Mông từ Vân Nam sang. Đây là nơi Trần Nhật Duật đã đóng quân trấn thủ Tuyên Quang trong cuộc kháng chiến đó.
Việc phát hiện cổ vật lư hương là hiện vật vô giá minh chứng thêm về thông điệp của cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông và sự ra đời, tồn tại của một trung tâm văn hóa Phật Giáo trên vùng núi rừng Tây Bắc.
Cùng phát hiện lư hương đất nung, người dân thông Đồng Hen còn phát hiện một số rìu đá, rìu đồng và gốm sứ có giá trị khác.
Theo Vietnam+
Vui lòng nhập nội dung bình luận.