Phát hiện cơ sở "ôm" hàng nghìn hộp viên nám DrLACIR giả
Phát hiện cơ sở "ôm" hàng nghìn hộp viên nám DrLACIR giả chuẩn bị tuồn ra thị trường
Vũ Khoa
Thứ hai, ngày 12/06/2023 16:46 PM (GMT+7)
Do giá trị lô hàng lên đến trên 700 triệu đồng, cùng nhiều dấu hiệu tội phạm về buôn bán hàng giả, vụ việc đã được Đội Quản lý thị trường chuyển cơ quan điều tra.
Ngày 12/6, thông tin từ Đội Quản lý thị trường số 7, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã chuyển hồ sơ, tang vật vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tội buôn bán hàng giả là thực phẩm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, vụ việc được phát hiện khi Đội Quản lý thị trường số 7 kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng có dấu hiệu tội phạm, buôn bán hàng giả là thực phẩm vào ngày 22/5/2023. Theo đó, Đội Quản lý thị trường số 7 phối hợp Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ - Công an huyện Thanh Trì kiểm tra điểm kinh doanh thực phẩm chức năng tại địa chỉ đối diện cổng sau của trường mầm non C, xã Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội.
Kết quả tại thời điểm kiểm tra, điểm kinh doanh trên đang buôn bán 2.400 hộp Viên nám Glutathion 600, 30 viên/hộp, Lô 011122, NSX: 02/11/2022, HSD: 01/11/2025; 350 hộp Viên nám Glutathion 600, 30 viên/hộp, Lô 010522, NSX: 14/5/2022, HSD: 13/5/2025; 90 vỏ hộp carton có nhãn ghi Viên nám Glutathion 600.
Toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn, chứng từ, có dấu hiệu là hàng giả sản phẩm Viên nám Glutathion 600 do Công ty cổ phần quốc tế Dopharma chịu trách nhiệm về sản phẩm. Tổng giá trị hàng hóa là 733.700.000 đồng. Đội Quản lý thị trường số 7 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên.
Quá trình làm việc với cơ quan chức năng, chủ lô hàng đã thừa nhận toàn bộ số hàng hóa trên là hàng giả. Được sản xuất theo mẫu hình dáng, mẫu mã của đang được Công ty cổ phần quốc tế Dopharma phân phối. Chủ lô hàng cũng khai nhận mua số sản phẩm này về để kinh doanh và công nhận hành vi vi phạm của mình.
Theo tìm hiểu, hiện nay sản phẩm viên nám Gluthathion 600 Dr.LACIR được rao bán trên thị trường trực tuyến có mức giá không đồng nhất, dao động từ 250 nghìn đến 600 nghìn/hộp 30 viên.
Liên quan đến vụ việc tàng trữ hàng giả, Đội Quản lý thị trường số 7 đã mời đại diện Công ty cổ phần quốc tế Dopharma có mặt để xác nhận về nguồn gốc lô hàng.
Qua đó, đại diện nhà phân phối khẳng định toàn bộ số hàng hóa mà Đội Quản lý thị trường số 7 tạm giữ là hàng giả, không phải do Công ty Cổ phần Dược phẩm Oishi sản xuất, không phải của Công ty Cổ phần Laciphaco đóng gói và không phải do Công ty cổ phần quốc tế Dopharma là thương nhân chịu trách nhiệm sản phẩm trên thị trường.
Căn cứ Hồ sơ vụ việc, Bộ Luật hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, qua họp thống nhất đường hướng xử lý vụ việc, kết luận vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tội buôn bán hàng giả là thực phẩm. Đội Quản lý thị trường số 7 đã chuyển Đội Cảnh sát ĐTTP về kinh tế và chức vụ - Công an huyện Thanh Trì tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tang vật vụ việc trên để điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.