Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, đại biểu Quốc hội Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) đã hỏi quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề khai man hồ sơ giả để hưởng chính sách với người có công, biện pháp xử lý vấn đề này thế nào.
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH khẳng định việc khai man hồ sơ, chạy trọt, thậm chí bỏ tiền ra lo lót để hưởng chính sách người có công là có. Ông cho biết, qua rà soát hơn 2 triệu người có công, thấy có 0,09% trong số đó là người hưởng không đúng chính sách.
Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với Bộ Quốc phòng đã tiến hành thanh tra xong ở 5 quân khu của Quân đội, 29 địa phương, nơi đang có đơn thư, có nhiều ý kiến có tình trạng giả mạo hồ sơ.
Theo Bộ trưởng, trong hơn 60 nghìn hồ sơ tại các đơn vị, địa phương đã được thanh tra phát hiện có 12 nghìn hồ sơ có sai sót, có trường hợp thương binh hạng 1 nhưng sửa đi lên hạng 2 thì xác định đó là hồ sơ sai sót, trường hợp đó không phải là hồ sơ giả. Có 1,8 nghìn hồ sơ là giả mạo.
"Hôm qua có nhiều đại biểu Quốc hội hỏi tôi là sao trong 60 nghìn hồ sơ có đến 12 nghìn hồ sơ giả, tôi xin khẳng định là không phải, chỉ có 1,8 nghìn hồ sơ không đảm bảo cơ sở pháp lý, không đủ điều kiện để hưởng chính sách ưu đãi, tôi xin báo cáo đầy đủ Quốc hội như vậy" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.
Theo ông, Bộ đã kiến nghị các cơ quan chức năng, đồng thời yêu cầu ban hành các quyết định đình chỉ chế độ ưu đãi buộc hoàn trả lại cho ngân sách nhà nước số tiền hưởng sai quy định là 130 tỷ đồng. Qua đó, giảm chi cho ngân sách nhà nước hàng năm trên 37 tỷ đồng, bao gồm các nội dung chi sai, chi trùng, cấp sai. Đã xuất toán, thu hồi vào ngân sách nhà nước trong năm 2016 số tiền 13 tỷ đồng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lý giải, qua công tác thanh tra thấy có 3 loại đối tượng bị giả mạo nhiều để hưởng chế độ chính sách. Thứ nhất giả mạo trong việc xác nhận thương binh, nhất là từ lúc áp dụng cơ chế hai người xác nhận cho nhau; thứ hai là giả mạo hồ sơ chất độc hóa hóa để hưởng chính sách; thứ ba là giả mạo để hưởng chính sách thanh niên xung phong.
Nói về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng, về nguyên tắc phải đặt ra vấn đề bám vào các quyết định của Đảng và Nhà nước để làm đúng chính sách.
"Phải đặt vấn đề công khai, minh bạch, lấy nhân dân, lấy Chi bộ Đảng để làm từ cơ sở trở lên, coi trọng các đồng chí lão thành cách mạng là những người hoạt động cùng thời kỳ người xin xác nhận. Đặc biệt là sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc, của các Đoàn đại biểu Quốc hội" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.