Học sinh kể lại chuyện bị cô giáo ép súc miệng bằng nước giẻ lau bảng Học sinh lớp 3 cho biết cô giáo ép em uống nửa cốc nước vắt từ giẻ lau bảng. Video Zing
Dư luận đang sôi sục về vụ việc cô giáo ở Hải Phòng phạt HS lớp 3 súc miệng bằng nước vắt từ giẻ lau bảng. Cụ thể, cách đây nhiều ngày, cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương (25 tuổi), chủ nhiệm lớp 3A5 Trường Tiểu học An Đồng (An Dương, Hải Phòng), rời lớp để đi giặt giẻ lau bảng vào đầu giờ học.
Khi quay trở lại, cô Hương thấy lớp mất trật tự nên đã tự tay vắt nước còn sót lại ở giẻ lau vào cốc và tuyên bố: “Bạn nào mất trật tự sẽ bị cô bắt súc miệng bằng nước giặt giẻ này”. Cả lớp nhao nhao và chỉ vào bạn P.A là người nói chuyện và em này bị cô phạt uống nước vắt từ giẻ lau bảng.
Ngay sau khi được phụ huynh phản ánh, Sở GD-ĐT Hải Phòng, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện An Dương và xã An Đồng đã vào cuộc xác minh và đề nghị xử lý chấm dứt hợp đồng giảng dạy đối với cô giáo này. Bộ GD-ĐT cũng có công văn khẩn yêu cầu lãnh đạo Sở GD-ĐT Hải Phòng xử lý gấp vụ việc.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên, những hình thức xử phạt HS kinh dị được giáo viên áp dụng trong lớp học. Vào đầu tháng 3, cô Nguyễn Thị Cẩm Nhung (Trường Tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, Bến Lứt, Long An) đã bị phụ huynh bắt quỳ gối 40 phút với lý do cô giáo này trước đó đã bắt nhiều HS trong lớp quỳ gối trên ghế trong thời gian dài khiến HS và phụ huynh bất bình.
HS lớp 3 Trường Tiểu học An Đồng bị giáo viên phạt súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng. (Ảnh LĐ)
Tháng 11.2016, tại Trường Tiểu học Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội), phụ huynh T.H.H có con học lớp đã lên tiếng phản ánh việc cô giáo Phùng Hồng Anh (sinh năm 1992) dùng băng dính dán vào miệng rất nhiều HS vì tội... nói chuyện riêng trong lớp. Ngay sau khi sự việc được phản ánh lên nhà trường, cô giáo này đã chủ động xin nghỉ việc nên Trường Tiểu học Hoàng Liệt cũng chấm dứt hợp đồng thử việc với giáo viên này.
Đáng sợ hơn, năm 2015, thầy giáo Nguyễn Minh Đề, giáo viên chủ nhiệm lớp 7A3, Trường THCS Cát Tài (Phù Cát, Bình Định), đã dùng hình phạt bắt HS nằm ngửa trên bục giảng rồi lấy nước đổ vào miệng chỉ vì HS đó gây ồn ào trong giờ học.
Năm 2014, Ngành Giáo dục tỉnh Bình Phước đã phải chỉ đạo kiểm điểm, kỷ luật nghiêm khắc đối với 3 giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Diệu (huyện Bù Gia Mập) vì “sáng kiến” ra hình phạt… phạt 19 HS ăn ớt với lý do quá bực tức khi HS không học bài và nói chuyện riêng trong lớp. Trường Tiểu học Hoàng Diệu sau đó đã kỷ luật với hình thức cắt thi đua của 3 thầy, cô giáo trên trong năm học 2013-2014.
Hình phạt bắt HS ngậm khăn lau bảng cũng từng được một cô giáo Trường Tiểu học Liên Minh Công Nông (Huyện Củ Chi, TP.HCM) áp dụng. Vì HS ồn ào không kiểm soát được, quá bức xúc, cô giáo đã yêu cầu lớp trưởng đưa khăn lau bảng cho những HS nói chuyện ngậm. Tổng cộng, 11 em phải ngậm khăn lau bảng.
Nói về những hình phạt kinh dị, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng cần xem xét lại phẩm chất đạo đức nhà giáo khi đưa ra những hình phạt phản khoa học như vậy.
“Những giáo viên như vậy không chỉ có nghiệp vụ sư phạm quá kém mà còn không tôn trọng học trò, hành động như vậy quá dã man. Đối với HS, việc kỷ luật là cần thiết nhưng phải xây dựng dựa trên sự tự giác. Điều này là một quá trình đòi hỏi thời gian và sự kiên trì của thầy cô. Phải giáo dục HS về kỹ năng sống, giá trị sống, để HS hiểu ý nghĩa của kỷ luật và tự chịu trách nhiệm. Hình thức kỷ luật phải công khai và khi vi phạm HS biết mình phải chịu kỷ luật gì, như thế nào”, thầy Lâm nói.
Còn TS Vũ Thu Hương, Giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng, việc giáo viên dùng những hình phạt quái đản sẽ khiến các em HS bị ảnh hưởng tâm lý trầm trọng. Không những thế, nhiều hình phạt còn vi phạm quyền trẻ em, cấu thành tội làm nhục người khác rất đáng phê phán.
“Giáo viên cũng phải chịu nhiều áp lực, tuy nhiên khi đã chọn nghề, cần học cách kiên nhẫn với học trò, thật kiên nhẫn và kiềm chế. Giáo viên phải biết tự chủ và điều khiển được cảm xúc của mình khi đứng lớp bởi mỗi em HS có một cá tính không thể cả lớp đều ngoan ngoãn như nhau”, bà Hương nói.
Theo TS Hương, ngành giáo dục cũng cần quan tâm hơn đến tâm lý, tình cảm của giáo viên. Ngoài chế độ lương, thưởng, giáo viên cũng rất cần được chăm sóc, khám sức khỏe, kiểm tra tâm lý định kỳ để giải phóng những áp lực khi đứng trên bục giảng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.