Phát huy vai trò của các công ty lữ hành trong việc kết nối các điểm tham quan du lịch
Phát huy vai trò của các công ty lữ hành trong việc kết nối các điểm tham quan du lịch
Chúc Ly
Thứ sáu, ngày 18/03/2022 16:52 PM (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL cần có sự liên kết, kết nối các điểm tham quan du lịch ở các địa phương, tạo nên điểm nhấn đột phá.
Ngày 18/3, tại tỉnh Bạc Liêu đã diễn ra hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022 Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM – 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và phát động "Mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới".
Đây là dịp để các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng với lãnh đạo các tỉnh, thành phố tập trung bàn bạc, hiến kế, đưa ra những giải pháp để tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch.
Từ năm 2019, Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL luôn được đánh giá cao và được sự quan tâm, chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ ngành Trung ương, Thành ủy, UBND Thành phố.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế xã hội và đời sống, trong đó ngành du lịch chịu ảnh hưởng trực tiếp và trực diện. ĐBSCL còn phải gánh thiệt hại "kép" từ dịch bệnh và khô hạn.
Thời gian qua là giai đoạn hết sức khó khăn của cả nước nói chung và đối với TP.HCM và cả vùng ĐBSCL. Số lượng khách cũng như doanh thu du lịch đã có sự sụt giảm mạnh, tăng trưởng của ngành du lịch năm 2020 cũng giảm sâu, đã tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng GRDP của mỗi tỉnh, thành.
Tổng khách du lịch đến TP.HCM năm 2020 tổng lượt khách đạt 17,182 triệu lượt, giảm 66,6%, trong đó khách quốc tế đến thành phố năm 2020 đạt 1,303 triệu lượt (chủ yếu của 3 tháng đầu năm), giảm 84,8% so với cùng kỳ; khách du lịch nội địa đạt 18,879 triệu lượt, giảm 48,45% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch năm 2020 đạt 84.512 tỷ đồng, giảm 39,6% so với cùng kỳ.
Tương tự, ở khu vực vùng ĐBSCL, khách du lịch đạt 27,781 triệu lượt, giảm 41,28% so với cùng kỳ, doanh thu du lịch đạt 21.879 tỷ đồng, giảm 48,26% so với cùng kỳ.
Các doanh nghiệp lữ hành phải chịu tác động kép - giảm khách và bồi thường một số nhóm chi phí của các tour bị huỷ. Ngành lữ hành bị tác động kéo theo sự khó khăn của các dịch vụ khác như vận chuyển, lưu trú...
Ngành du lịch có hơn 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, do đó khả năng tự "chống chọi" khi có rủi ro thấp. Một số công ty có lượng khách và doanh thu giảm 95% đến 100% so với cùng kỳ năm nước.
Do đó, nhiều doanh nghiệp phải chuyển loại hình kinh doanh hoặc đóng cửa. Tuy trong hoàn cảnh khó khăn nhưng phải thấy rằng các doanh nghiệp luôn chấp hành nghiêm các yêu cầu phòng chống dịch, đồng thời luôn ở tinh thần sẵn sàng vào cuộc để chia sẻ công tác phòng chống dịch và tinh thần "bật trở lại" mạnh mẽ trong điều kiện bình thường mới.
Ông Phạm Văn Thiều – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, khẳng định: "Địa bàn này còn nhiều dư địa để liên kết với TP.HCM, tạo ra không gian du lịch đặc sắc, đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường, thúc đẩy sự lan tỏa kinh tế du lịch liên vùng nếu có các cơ chế, chính sách phù hợp, cũng như nhận được sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước".
Cần cơ chế thu hút đầu tư du lịch đặc thù
Thời gian qua, công tác phối hợp triển khai các nội dung hợp tác phát triển du lịch giữa các cơ quan quản lý du lịch trực thuộc 14 địa phương luôn thuận lợi, nhiều nội dung cụ thể trong thỏa thuận hợp tác đa phương đã được phối hợp triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng nhìn nhận, do bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 nên một số nội dung dự kiến triển khai theo kế hoạch phải tạm ngưng, hoặc chỉ triển khai trong phạm vi nhỏ, với các hoạt động theo phương thức thông tin, họp trực tuyến... Từ đó, đã gây ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả của một số hoạt động liên kết vùng theo kế hoạch đã đề ra.
Nói về những khó khăn, ông Võ Anh Tài – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, cho rằng: Tuy có tiềm năng để trở thành điểm du lịch trong tương lai, nhưng một số điểm khảo sát đa phần còn khá mới mẻ, cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế (chỉ lưu thông được bằng xe nhỏ), hạ tầng dịch vụ còn yếu (lưu trú, tàu thuyền, bến tàu, nhà hàng…) đang xây dựng, số lượng còn ít, nguồn nhân lực và dịch vụ chưa đạt chuẩn, chưa đảm bảo an toàn và vệ sinh nên chưa thể khai thác ngay, cần thêm thời gian để đầu tư, hoàn thiện và đào tạo tay nghề.
Bên cạnh đó, thông tin về các điểm khảo sát còn khá ít, các địa phương khu vực ĐBSCL cần cung cấp thêm hình ảnh, thông tin phục vụ việc tham khảo, tìm hiểu và đánh giá.
"Trong tình hình dịch bệnh Covid- 19 còn nhiều nguy cơ, cần liên kết xây dựng cập nhật các bộ tiêu chí an toàn du lịch với Covid-19 để tạo sự thuận lợi an toàn cho du khách trong các sản phẩm đến với khu vực ĐBSCL. Trong đó cần thiết có sự liên kết chặt chẽ quy trình, quy định về du lịch, về giao thông, về y tế để tạo sự đồng bộ, cơ bản thống nhất trong việc đón, phục vụ và xử lý ứng xử các trường hợp phát sinh ca nhiễm Covid-19 của du khách theo hướng thuận lợi, an toàn, an tâm cho du khách", ông Tài đề xuất.
Tại hội nghị, các đại biểu đều nhận định, các địa phương xác định cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư du lịch đặc thù mang tính đột phá, tập trung triển khai vào các địa bàn trọng điểm, có sản phẩm du lịch đặc thù, có tiềm năng phát triển du lịch.
Theo đại diện Công ty Du lịch Vietravel, để công tác triển khai liên kết tuyến giữa TP.HCM và các tỉnh thành ĐBSCL được hiệu quả, cần thành lập tổ công tác chung giữa các ban ngành hữu quan. Từ đó, giải quyết các vấn đề chung còn vướng mắc nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo động lực cho ngành du lịch phát triển trở lại.
Ngoài ra, đề xuất tiếp tục cho phép các doanh nghiệp trong ngành du lịch được tiếp cận vốn vay ưu đãi, quỹ đất, ưu đãi về thuế… để các doanh nghiệp có nguồn lực phát triển trở lại. Ngoài ra, các địa phương cần ban hành gói kích cầu về miễn giảm vé các điểm du lịch, tham quan do nhà nước quản lý để thu hút khách du lịch; đào tạo và tái tạo nguồn nhân lực du lịch sau dịch.
Ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ VHTTDL đề nghị, các địa phương chủ động chuẩn bị các phương án xử lý đối với trường hợp rủi ro trong quá trình triển khai mở cửa lại hoạt động du lịch.
"Các địa phương cần phát huy vai trò của các công ty lữ hành trong việc kết nối các điểm tham quan đơn lẻ trong khu vực thành chương trình tổng thể khám phá cả vùng cho du khách trong và ngoài nước nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu du lịch, mang đến những trải nghiệm dài ngày, đa dạng hơn cho du khách", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, các địa phương, đơn vị doanh nghiệp cũng thống nhất tiếp tục cụ thể hóa các nội dung của thỏa thuận đã ký kết giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL, phát huy thế mạnh từng địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhằm phát triển du lịch tại các tỉnh, thành liên kết.
14 địa phương cũng đã ký kết quy chế phối hợp thực hiện thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đến năm 2025.
Song song đó, Thứ trưởng Bộ VHTTDL cũng đã phát động mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.