Phát minh pin siêu bền gây chấn động của cô gái gốc Việt

Thứ hai, ngày 16/05/2016 09:29 AM (GMT+7)
Mya Le Thai, một nghiên cứu sinh gốc Việt tại Đại học California Irvine (UCI) đã phát minh công nghệ mới giúp các loại pin điện thoại máy tính trở nên bền bỉ với hàng trăm nghìn lần sạc.
Bình luận 0

Các nhà khoa học tại UCI đã phát minh ra một vật liệu pin mới dựa trên sợi nano (nanowire) có thể giúp viên pin trở nên bền bỉ với hàng trăm ngàn lần sạc, đưa chúng ta tới gần hơn tới việc tạo ra những viên pin không bao giờ phải thay thế, trang Science Daily đưa tin hôm 20.4.

"Công trình mang tính đột phá này có thể tạo nên các loại pin thương mại với tuổi thọ kéo dài đáng kể cho các loại máy tính, điện thoại thông minh, xe hơi và thậm chí là tàu vũ trụ" - trang tin này viết.

Trên thực tế, việc ứng dụng công nghệ sợi nano vào sản xuất pin không mới. Các sợi nano với kích thước chỉ bằng một phần ngàn so với một sợi tóc có khả năng dẫn điện rất tốt. Tuy nhiên, các cấu trúc sợi nano rất mong manh, do đó dễ bị đứt mỗi lần sạc và xả pin.

Để khắc phục điều này, Mya Le Thai, người đứng đầu nghiên cứu đã cùng với các đồng sự của mình đã phủ lên một sợi nano vàng một lớp mangan dioxit và bọc bên ngoài bằng một lớp chất điện phân dạng gel có cấu trúc tương tự thủy tinh hữu cơ Plexiglas. Sự kết hợp này được đánh giá là đáng tin cậy và khắc phục được nhược điểm dễ đứt gãy của cấu trúc sợi nano trước đây.

Trong thí nghiệm của mình, Mya Le Thai đã thử nghiệm sạc 200 ngàn lần trong suốt 3 tháng mà không hề khiến hiệu suất của viên pin bị giảm (Những viên pin thông thường chỉ có tuổi đời khoảng 5.000 lần sạc). Các sợi nano được sử dụng cũng không hề có dấu hiệu nứt gãy.

Phát minh của Mya Le Thai và các động sự đã được đăng tải trên Bản tin Năng lượng của Hiệp hội Hóa học Mỹ (American Chemical Society's Energy Letters) hôm 20.4.

Reginald Penner, Trưởng khoa Hóa học, UCI, nơi Mya Le Thai đang học nghiên cứu sinh đánh giá rằng, chính sự chăm chỉ kết hợp với sự may mắn đã tạo nên phát minh của cô gái gốc Việt.

img

Mya Le Thai bên cạnh người thầy hướng dẫn nghiên cứu sinh của mình - Reginald Penner. Ảnh: UCI

"Mya thử nghiệm một cách tù mù. Cô phủ lên vật liệu này một lớp gel rất mỏng và bắt đầu sạc thử", Penner nói trên SicenceDaily. "Cô phát hiện ra rằng khi sử dụng lớp gel này, viên pin có thể sạc hàng trăm ngàn lần mà không bị giảm hiệu suất".

"Điều này thật điên rồ", vị trưởng khoa hóa nói thêm, "bởi lẽ thông thường các viên pin chỉ có thể trải qua 5.000 hoặc 6.000 lần sạc, nhiều nhất cũng chỉ 7.000".Trong khi đó, Mya Le Thai cho rằng, việc sử dụng một lớp gel bọc bên ngoài lớp oxit của kim loại sẽ giúp viên pin linh hoạt hơn và chống được các đứt gãy.

"Các điện cực được phủ lớp gel này giúp chúng tốt hơn và đây là một lựa chọn tốt" - Mya Le Thai nói trên Science Daily. "Nghiên cứu này cũng cho thấy rằng các viên pin dựa trên cấu trúc sợi nano có thể có tuổi thọ dài hơn và chúng ta có thể khiến những loại pin này trở thành hiện thực"..

Mya Le Thai sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng. Trong profile trang facebook cá nhân của Mya Le Thai cho thấy, cô từng học tại trường chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng. Tiếp đó, Mya Le Thai theo học đại học tại Đại học Califonia. Hiện tại, Mya Le Thai đang là nghiên cứu sinh ngành hóa lý tại UCI.

Lê Văn (Vietnamnet)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem