Phát triển nông nghiệp CNC ở Lâm Đồng: Lo âu từ nhà kính, nhà lưới

Thứ ba, ngày 06/08/2013 10:19 AM (GMT+7)
Nhiều du khách khi trở lại Đà Lạt đã ngạc nhiên trước một quả đồi ruộng rau “bậc thang” xanh mướt trong nắng sớm mới đó bỗng chốc biến thành một mảng màu trắng toát bởi người dân dựng lên trên đó những nhà kính trắng toát đến nhức mắt.
Bình luận 0
Trong khi mảng xanh của những cánh rừng thông đang lùi dần và ngày càng bị thu hẹp thì Đà Lạt (Lâm Đồng) ngày càng phình to những mảng màu trắng là các hệ thống nhà kính, nhà lưới sản xuất rau hoa công nghệ cao (CNC) mà không ít chuyên gia, du khách và cả người dân đã lo ngại những tác động của nó đến môi trường, cảnh quan đô thị, du lịch...
Những mảng màu trắng này đã bắt đầu gây “nhức mắt”.
Những mảng màu trắng này đã bắt đầu gây “nhức mắt”.

Tại một diễn đàn bàn về sản xuất nông nghiệp CNC tổ chức tại Đà Lạt ngay đầu tháng 8 này, nhiều đại biểu đã thừa nhận Đà Lạt là thành phố ứng dụng CNC đứng vào hàng số một của cả nước hiện nay. Hiệu quả kinh tế mang lại từ việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp CNC là điều không còn gì phải bàn cãi.

Nếu nông dân ở những vùng khác chỉ thu nhập mỗi năm khoảng 60 triệu đồng/ha đất sản xuất nông nghiệp thì với Đà Lạt đã đạt trung bình là 200 triệu đồng/ha, còn với sản xuất nông nghiệp CNC là 400 triệu đồng/ha, cá biệt có những hộ thu nhập lên đến trên dưới 1 tỷ đồng/ha.

Số liệu thống kê gần đây nhất của Sở NNPTNT Lâm Đồng cho thấy: Nếu cuối năm 2011, cả tỉnh có 11.000ha đất canh tác được ứng dụng CNC (trong đó có 2.300ha nhà kính và nhà lưới) thì đến nay, con số này đã tăng lên 27.000ha (trong đó diện tích nhà kính và nhà lưới chiếm gần 4.000ha). Nếu tính riêng Đà Lạt, diện tích nhà kính và nhà lưới từ 1.200ha năm 2011 cũng đã tăng lên trên 2.000ha hiện nay.

Điều đáng nói, cho đến lúc này mặc dầu việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp đã trở nên phổ biến ở Đà Lạt nhưng quy mô sản xuất phổ biến vẫn là nhỏ lẻ, manh mún, dựa vào hộ cá thể là chính. Bởi vậy, hầu hết những vườn rau hoa nhà kính và nhà lưới trên địa bàn thành phố này được mọc lên một cách tự phát, không theo một trật tự nào hay một quy hoạch cụ thể nào cả.

Nhiều du khách khi trở lại Đà Lạt đã ngạc nhiên trước một quả đồi ruộng rau “bậc thang” xanh mướt trong nắng sớm mới đó bỗng chốc biến thành một mảng màu trắng toát bởi người dân dựng lên trên đó những nhà kính trắng toát đến nhức mắt. Rồi cả vài ha đến vài chục ha từ những “mảng trắng” đứng chen nhau thành hàng trăm “mảng trắng” như thế khắp Đà Lạt bỗng vô tình tạo nên những dòng chảy lớn khi mưa xuống khiến cho nước mất khả năng thẩm thấu ở diện rộng. Hậu quả kéo theo là đất bị xói mòn, thảm thực bì bị cuốn trôi, hồ đập bị bồi lắng… là điều không thể tránh khỏi.

Chắc chắn là cảnh quan và môi trường của TP.Đà Lạt cũng bị tác động xấu, tạo nên tâm lý không tốt cho du khách khi đến với thành phố này.

Đó là những điều cơ quan quản lý cần đặt ra và xem xét, đánh giá một cách nghiêm túc, bởi Đà Lạt trước khi là một thành phố nông nghiệp CNC thì nó được biết đến trước hết là một thành phố du lịch đẹp, hấp dẫn.

Võ Khắc Dũng (Võ Khắc Dũng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem