Bỏ việc lương tốt, 8X Quảng Ninh về quê nấu rượu men lá, lãi 70 triệu/tháng
Bỏ việc lương tốt về quê nấu thứ gì mà 8X Quảng Ninh làm nên một sản phẩm OCOP, lãi 70 triệu/tháng
Bùi My
Thứ năm, ngày 02/01/2025 18:44 PM (GMT+7)
Đang có công việc ổn định với mức lương cả chục triệu đồng, nhưng anh Đoàn Công Bách (SN 1989, khu Biểu Nghi, phường Đông Mai, TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) quyết nghỉ việc về nấu rượu. Sản phẩm rượu men lá Gốc Đa của anh Bách nay đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Theo lời giới thiệu của Hội Nông dân TX Quảng Yên về Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân trẻ thị xã Quảng Yên, chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất rượu của gia đình anh Đoàn Công Bách tại khu Biểu Nghi, phường Đông Mai.
Anh Đoàn Công Bắc (khu Biểu Nghi, phường Đông Mai, TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) sử dụng 2 loại men để ủ rượu là men lá và men thuốc bắc. Ảnh: Bùi My.
Vừa dừng xe ở đầu ngõ, chúng tôi đã cảm nhận được hương thơm nồng nàn của rượu nếp. Khắp đường làng ngõ xóm đều thoang thoảng mùi hương của nếp mới, xen lẫn với đó là chút hương thơm của hoa quả lên men.
Anh Bách mời chúng tôi tham quan khu vực sản xuất rượu và say sưa kể: Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Hàng Hải Việt Nam, anh làm kỹ sư tại nhà máy đóng tàu khoảng 1 năm tại TP Hạ Long.
Sau đó, anh làm quản lý của một công ty Nhật tại khu công nghiệp trên địa bàn thị xã Quảng Yên với mức lương khoảng 12-13 triệu đồng/tháng – một mức lương cao vào thời điểm năm 2019.
Tuy nhiên sau nhiều năm làm việc, anh nhận thấy công việc trong môi trường nhà máy, xí nghiệp không phù hợp với bản thân. Bởi vậy, anh cảm thấy cần thay đổi. Năm 2019, anh Bách quyết định nghỉ việc, khởi nghiệp với nghề nông.
Nguyên liệu chính dùng để nấu rượu mem lá là gạo nếp quê được trồng trên những cánh đồng của TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Bùi My.
Thời điểm đó, cả gia đình anh đều phản đối. Công việc đang ổn định, môi trường doanh nghiệp nước ngoài bao nhiêu người mơ ước, nhưng anh lại bỏ dở.
Thế nhưng anh vẫn kiên quyết xin nghỉ để thực hiện mong muốn của mình - tạo ra sản phẩm được tạo nên từ chính sản vật của quê hương mình.
Để phát triển kinh tế, anh Bách suy nghĩ về việc phát triển những mô hình "không mới" theo hướng "không cũ".
Qua tìm hiểu một số ngành nghề, anh nhận thấy nấu rượu là nghề đã có từ lâu đời, nhưng hiện nay đa số các cơ sở vẫn nấu rượu thủ công, quy mô nhỏ lẻ.
Nếu thay đổi phương pháp nấu rượu với quy trình sản xuất rượu sạch đảm bảo chất lượng, sử dụng máy móc, công nghệ hiện đại, quy mô sản xuất lớn, sẽ đem lại hiệu quả cao hơn hẳn.
Từ một kỹ sư chuyển sang làm nghề nấu rượu, anh Bách đã nhiều lần cất công lặn lội tới nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm.
Dấu mốc để anh có thể phát triển như ngày hôm nay bắt nguồn từ một lần học hỏi kinh nghiệm ở Hải Dương.
"Hôm đó trời mưa rất to, một mình tôi đi xe máy sang Hải Dương để học hỏi kinh nghiệm. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in ngày hôm đó, bởi đó chính là bước ngoặt thay đổi tư duy, cách phát triển, quảng bá hình ảnh thương hiệu" – anh Bách cho hay.
Cũng theo anh Bách, khi mới chuyển sang công việc nấu rượu, anh cũng gặp không ít khó khăn. Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên ban đầu nhiều mẻ rượu bị hỏng, thiệt hại nhiều khi lên tới hàng chục triệu đồng.
Sản phẩm rượu men lá Gốc Đa của anh Đoàn Công Bách hiện đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: Bùi My.
Có lần do kỹ thuật lên men chưa đảm bảo, công nhân làm hỏng 1 tấn nếp cái hoa vàng, cả một mẻ cơm rượu không thể sử dụng được.
Bao nhiêu chi phí nguyên liệu, công sức, thời gian đều lãng phí. Đúc rút kinh nghiệm từ những thất bại, anh Bách đã thành công tạo ra sản phẩm rượu men lá Gốc Đa với hương vị thơm mát, êm dịu.
Hiện nay, sản phẩm rượu men lá Gốc Đa của anh Bách đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh, sản phẩm rượu men lá Gốc đa còn tiêu thụ tại nhiều tỉnh thành khác và được người tiêu dùng đánh giá cao.
Anh Bách cho hay, ban đầu gia đình chỉ sản xuất được khoảng 50 lít rượu/ngày. Nhưng qua 4 năm, gia đình anh đã nâng công suất lên tới 500 lít rượu/ngày và duy trì công suất này hơn 1 năm nay.
Từ nấu rượu men lá, gia đình anh có thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ chi phí.
Chia sẻ thêm về Câu lạc bộ Nông dân trẻ thị xã Quảng Yên, anh Bách cho biết: "Ban đầu câu lạc bộ có 26 thành viên, đến nay đã phát triển lên 29 thành viên.
Các thành viên đều đang làm chủ những mô hình kinh tế năng động và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản…
Các thành viên đều đang có sự giao lưu, kết nối hiệu quả. Riêng bản thân tôi đã kết nối và hướng dẫn thành công một bạn trẻ phát triển mô hình nấu rượu, dù mới đưa ra thị trường nhưng đã nhận được những phản hồi tích cực”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.