Bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa. Ảnh L.S
Bà có thể cho biết những hoạt động mà NMPRP đã triển khai trong thời gian qua?
- Dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2 (NMPRP-2) bắt đầu từ 2010 - 2018, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì. Phạm vi 6 tỉnh tại vùng Tây Bắc của Việt Nam, gồm 29 huyện, 259 xã và 2.716 thôn bản. Tổng ngân sách trong giai đoạn 8 năm là 250 triệu USD vốn vay từ WB bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng, tiếp cận các dịch vụ sản xuất, phát triển sinh kế bền vững cho người dân. Kết quả cho thấy, sau khi tham gia vào các nhóm đồng sở thích, người dân ở vùng sâu vùng xa, người DTTS đã chủ động trong phát triển kinh tế gia đình, nhất là phụ nữ ngày càng tự chủ và tự tin hơn trong cuộc sống và lao động sản xuất.
Tính đến năm 2015, dự án đã hoàn thành hơn 800 công trình cơ sở hạ tầng cấp xã và 5.700 tiểu dự án cơ sở hạ tầng cấp thôn bản với 366.000 hộ gia đình được thụ hưởng. Khoảng 12.000 nhóm đồng sở thích (CIG) đã được thành lập, trong đó có 5.000 nhóm do phụ nữ làm trưởng nhóm. Tổng số thành viên của các CIG là 130.000 người với 50% là thành viên nữ. 68 liên kết sản xuất đã được thực hiện, liên kết với 40 công ty tư nhân và hợp tác xã, hơn 2.800ha cây trồng khác nhau và gần 7.000 vật nuôi. Dự án đã tổ chức 3.700 lớp tập huấn và hội thảo với 137.000 lượt người tham gia, trong đó 82% là người dân tộc.
Dự án triển khai ở vùng sâu, xa, chủ yếu là người DTTS, vậy phải có những cách tiếp cận đặc biệt như thế nào?
- Các dự án phải lựa chọn được những mô hình phù hợp với khí hậu, phong tục tập quán, văn hoá của người dân. Chỉ nên cấp vốn một lần cho họ, sau đó để họ tự đóng góp tham gia để nâng cao trách nhiệm. Nhóm đồng sở thích sau khi phát triển phải được nâng cấp lên thành tổ chức, hợp tác xã để có đủ tư cách pháp nhân. Cũng cần nâng cao năng lực cho cán bộ cấp thôn.
Trong quá trình triển khai, chúng tôi cũng gặp thất bại ở một vài dự án do chưa phù hợp với tập quán của bà con. Ví dụ, mô hình trồng ớt, mặc dù cho thu nhập cao nhưng vì kỹ thuật chăm sóc khác hẳn với trồng ngô, lúa, cây ớt phải thu hoạch 2 ngày/lần, trong khi bà con lại không thích bỏ ra nhiều thời gian như vậy nên dự án thất bại.
Hiện nay, có rất nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người DTTS ở các vùng sâu, vùng xa, theo bà, có thể kết hợp cách thức của CDD vào trong chương trình, chính sách chung?
- Để đưa được những thành công, kinh nghiệm của CDD vào các chương trình, chính sách chung, chúng tôi đang hỗ trợ các xã trong việc lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Chúng tôi sẽ tham vấn cho xã dựa trên những phân tích về hiện trạng các hoạt động sinh kế của người dân trong vùng sàng lọc của mình để cung cấp những mô hình, cách thức triển khai phù hợp nhất trên địa bàn, từ đó cùng tạo ra một kế hoạch tận dụng hiệu quả các nguồn lực, tránh chồng chéo chính sách, dẫn tới lãng phí.
Xin cảm ơn bà!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.