Phát triển thủy điện: Còn quá dễ dãi trong phê duyệt

Ngọc Thọ (thực hiện) Thứ sáu, ngày 23/09/2016 06:20 AM (GMT+7)
Nguồn nước để làm thuỷ điện gồm sông, suối…là nguồn tài nguyên, dạng năng lượng tái tạo rất quý nên ta phải tận dụng để sản xuất điện cung ứng đủ cho phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên với những dự án thuỷ điện chỉ vẽ vời trên giấy, thiếu khả thi thì cần kiên quyết loại bỏ.
Bình luận 0

Trên là chia sẻ của Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) Trần Viết Ngãi (ảnh) với Dân Việt quanh câu chuyện “lợi và hại của phát triển thuỷ điện”.

imgThưa ông, liên quan tới câu chuyện vỡ hầm dẫn dòng Thuỷ điện Sông Bung 2 (thuộc Tổng Công ty Phát điện 2 - EVNGENCO 2) vừa qua, có ý kiến cho rằng chủ đầu tư là Tổng Công ty Phát điện 2 “tự ý” tích nước quá sớm dẫn tới sự việc đáng tiếc trên, quan điểm của ông như thế nào?

- Thuỷ điện Sông Bung 2 không tích nước trước thì cũng tích nước sau và mực nước cũng chưa thể đạt cao trình ngay. Tuy nhiên, một khi chủ đầu tư tích nước thì phải đảm bảo đủ tất cả điều kiện. Đây là công trình quốc gia, tôi tin chủ đầu tư đã kiểm tra, tính toán kỹ các điều kiện trước khi tích nước. Điều quan trọng là tích nước thì phải có hầm dẫn dòng và hầm dẫn dòng không được bục vì nếu vỡ hầm dẫn dòng thì hậu quả với hạ du là khôn lường.Với những công trình như Thuỷ điện Sông Bung 2, việc tích nước là “quyền” của chủ đầu tư (Tổng Công ty Phát điện 2 - PV). Tuy nhiên, thông thường chủ đầu tư không mất gì một “lời nói” cả. Cụ thể là chủ đầu tư cần thông báo cho chính quyền địa phương để cùng phối hợp. Và sự thực là ngày 18.7, Tổng Công ty Phát điện 2 đã có công văn 979/BC-ASB2 về việc xin phép tích nước hồ chứa từ ngày 20.8.2016 sau khi đã hoàn thành hầm dẫn dòng thi công, cửa lấy nước, đập dâng và đập tràn cũng như đã tính toán lưu lượng dòng chảy tối đa…Rồi ngày 24.8, Ban Quản lý Dự án Thuỷ điện Sông Bung 2 (thuộc Tổng Công ty Phát điện 2) cũng đã có văn bản số 1222 gửi các huyện Nam Giang, Tây Giang cùng các xã liên quan của 2 huyện này thông báo về việc chặn cống dẫn dòng tích nước hồ chứa thuỷ điện từ ngày 25.8. Sau đó, tỉnh Quảng Nam cũng đã có văn bản số 4036 thống nhất chủ trương cho phép tích nước hồ chứa thuỷ điện Sông Bung 2 và yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện đúng nội dung Quy trình vận hành hồ chứa thuỷ điện Sông Bung 2 được phê duyệt tại Quyết định số 5082/QĐ-BCT của Bộ Công Thương.Như vậy, có thể nói về việc tích nước, phía chủ đầu tư đã tuân thủ đúng. Còn việc xảy ra sự cố vỡ hầm dẫn dòng thì các cơ quan chức năng đã vào cuộc, chúng ta nên chờ kết quả, sau khi có kết luận của cơ quan chức năng thì nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể sẽ được làm rõ.

img

Một dự án thủy điện vừa và nhỏ tại miền Trung - Tây Nguyên. TL

Thời gian qua, riêng Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng đưa ra khỏi quy hoạch 28 dự án thủy điện; Kon Tum cũng loại bỏ 21 dự án. Gia Lai chấm dứt hoạt động của 8 dự án, đồng thời loại 11 dự án thủy điện khác khỏi quy hoạch. Đăk Lăk cũng thu hồi chủ trương đầu tư, loại bỏ 20 dự án thủy điện.

Thuỷ điện Sông Bung 2 là thuỷ điện lớn, thế nhưng, với những dự án thuỷ điện nhỏ hơn tại các địa phương thì tiêu chí để phê duyệt, triển khai là gì, thưa ông?

- Bộ Công Thương làm nhiệm vụ quy hoạch tổng thể thủy điện vừa và nhỏ, riêng với các dự án thủy điện có công suất chỉ vài MW thì các địa phương có thẩm quyền phê duyệt, quy hoạch. Để được phê duyệt dự án phải đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, tiêu chuẩn kỹ thuật, mức độ tác động đến môi trường…Nhưng lâu nay, tôi biết tâm lý lãnh đạo một số địa phương là muốn tăng tỷ trọng của công nghiệp của tỉnh lên nên rất dễ dãi trong việc phê duyệt cũng như đưa vào quy hoạch các dự án thủy điện nhỏ nên dẫn tới nhiều bất cập.

Vậy theo ông, đâu là bất cập lớn nhất của mặt trái trong phát triển thuỷ điện?

Tôi vẫn tin hầu hết các dự án đã triển khai và đi vào hoạt động là có hiệu quả. Do vậy, theo tôi, với những dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội cao, khả thi thì cơ quan chức năng khuyến khích cho triển khai. Còn với những dự án “vẽ vời” trên giấy làm ảnh hưởng tới môi trường, môi sinh thì nên dẹp bỏ ngay. Thời gian qua, chúng ta cũng phải thừa nhận, có cả một giai đoạn dài chúng ta “nhà nhà, doanh nghiệp làm thuỷ điện” và cứ mặc định rằng “đại gia là phải làm thuỷ điện” nên nhiều chủ đầu tư “tay ngang” làm thuỷ điện khiến cho thuỷ điện phát triển một cách vô trật trự, không có kỷ cương, vô nguyên tắc kéo theo nhiều hệ luỵ về môi trường. Mà hệ luỵ có thể thấy rõ nhất là một số dự án làm ở những vùng rừng núi quá sâu, hiểm trở. Việc triển khai dự án cần phải làm đường, kéo theo nạn phá rừng, khai thác vàng, khoáng sản... Về sản lượng điện phát và bán được cũng không đáng kể do đơn vị mua buôn duy nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mùa mưa các nhà máy vốn dĩ thừa điện, mùa khô EVN thiếu điện thì các thủy điện nhỏ cũng không tích đủ nước để phát.

Vậy tóm lại, theo ông nên hay không nên khuyến khích phát triển thuỷ điện?

- Tôi đã nói rồi, đây là tài nguyên năng lượng tái tạo, chúng ta phải khuyến khích phát triển những dự án thuỷ điện có hiệu quả để giảm áp lực cung ứng điện - yếu tố đầu vào của sản xuất. Cái lợi có thể trông thấy rõ của việc xây thuỷ điện là chi phí thấp hơn nhiều so với điện gió và điện mặt trời vì tài nguyên sẵn có. Đơn cử, một dự án thuỷ điện 5-7 MW chỉ độ vài trăm tỷ đồng tiền đầu tư và giá thành điện cũng rẻ hơn so với một tổ hợp điện gió, mặt trời có công suất tương đương (giá trị đầu tư phải tới hàng chục triệu USD).Tôi cũng khẳng định, với những dự án thuỷ điện kém hiệu quả, gây hại cho môi trường thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Chính phủ và địa phương.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem