“Bom nước” thủy điện đe dọa người miền Trung: Dân túng quá phải phá rừng

Đình Thiên Thứ năm, ngày 22/09/2016 06:30 AM (GMT+7)
Thượng nguồn tỉnh Quảng Nam có rất nhiều công trình thủy điện, nhưng nhìn kỹ lại không mấy công trình đảm bảo được cuộc sống của người dân sau khi lấy đất. Tại huyện Đông Giang - một huyện nhỏ nhưng có hơn 10 dự án. Thủy điện chi chít, khu tái định cư (TĐC) xây dựng ẩu đã xuống cấp, thiếu đất sản xuất, nghèo đói triền miên, dân quay trở lại rừng già phá rừng làm rẫy...
Bình luận 0

Đặc ken thủy điện

Đông Giang là một huyện nhỏ của tỉnh Quảng Nam, nơi có dòng sông Kôn, sông Bung chảy qua, nhưng có tới hơn 10 dự án thủy điện lớn nhỏ như A Vương, Sông Kôn 2, Sông Bung 4A… được xây dựng. Một con số quá lớn so với diện tích chỉ hơn 800km2 của huyện. Những hệ lụy của các thủy điện này gây ra cho con người cũng như môi trường nơi đây không thể kể hết.

img

Khu TĐC PachePalanh (xã Dang, Tây Giang) chênh vênh bên miệng vực. Ảnh: N.C

Khi xây dựng thủy điện, họ đã xây nhà mới cho chúng tôi và hứa sẽ tạo điều kiện cho đồng bào canh tác sản xuất tốt. Nhưng ở đây đất không làm lúa được, chỉ ở cho vui thôi. Đói mấy năm  rồi, tui đành vào rừng dựng lán ở rồi làm rẫy thôi”.

Anh Zơ Râm Đam (khu TĐC Cutchrun, xã Mà Cooi) 

Theo số liệu của huyện Đông Giang, chỉ riêng Thủy điện A Vương với công suất 210MW đã ngốn hết 1.158,54ha đất, trong đó có tới 653,43ha rừng tự nhiên; phải di dời hơn 400 hộ. Thủy điện An Điềm chỉ với công suất 15MW nhưng ngốn tới 124,40ha đất, phá 74ha rừng tự nhiên. Thủy điện Sông Kôn 2 (58 MW) sử dụng 347ha đất, trong đó rừng tự nhiên 66ha, đất trồng cây lâu năm 3ha, diện tích sông suối 57ha. Còn Thủy điện Za Hung (28MW) phá 91,37ha rừng, Thủy điện Sông Bung 4A (45 MW) 23ha, Thủy điện Sông Bung 5 (52MW) 132ha (45ha rừng tự nhiên), Thủy điện Sông Bung 6 (26 MW) 38ha.

Không chỉ xóa sổ quá nhiều đất và rừng mà những thủy điện này còn ảnh hưởng đến đời sống người dân. Các khu TĐC xây dựng cho người dân, nhưng không có đất để sản xuất, nhà cửa nhỏ hẹp xuống cấp xập xệ… Nhiều năm nay, nhiều hộ dân đã bỏ khu tái định cư khiến chính quyền rất vất vả để vận động người dân trở về.

Ông Đỗ Tài - Bí thư Huyện ủy Đông Giang cho hay, các nhà máy thủy điện chiếm nguồn nước và các vùng đất của người dân. Các khu TĐC được xây dựng rất ẩu và nằm ở vùng đất cằn cỗi, khó lòng cho người dân ổn định sinh sống.  Hiện nay, hệ thống nhà ở, điện, nước sinh hoạt… đã xuống cấp. Tình trạng sạt lở đang diễn ra rất nguy hiểm cho tính mạng của người dân. “Giải quyết vấn đề này ngoài khả năng của huyện. Do vậy, tỉnh cần có chủ trương hỗ trợ giúp địa phương tháo gỡ khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống người dân” - ông Tài nói

Dân đói, phá rừng già làm rẫy

Năm 2006 các khu TĐC của Thủy điện A Vương được bàn giao cho người dân. Khi giải tỏa người dân, ban quản lý dự án Thủy điện A Vương hứa sẽ làm khu TĐC và bố trí cho mỗi hộ dân ít nhất 400m2 đất ở và 1,5ha đất sản xuất. Tuy nhiên vào năm 2006, khu TĐC được hoàn thành, nhưng mỗi hộ chỉ nhận được chưa tới 200m2 đất ở và 0,2ha đất lúa.

“Đất thì quá ít mà độ phì nhiêu rất thấp, người dân thiếu đói dài dài. Ở xã có hơn 500 người dân phải thường xuyên cứu đói, còn cả huyện lên tới hơn 1.200 người. Nhưng điều đáng nói là, UBND huyện Đông Giang đã rất nhiều lần kiến nghị các thủy điện chia sẻ lợi ích với người dân bằng cách hỗ trợ trước mắt mỗi người 10kg gạo/tháng, nhưng họ chỉ hỗ trợ được thời gian rồi cắt từ năm 2015 tới nay” - ông A Lăng Trách - Bí thư xã Mà Cooih cho biết.

Hơn 50% người dân sau khi TĐC vẫn thuộc diện hộ nghèo, đặc biệt nghèo và phần lớn đều không có công ăn việc làm. Khi người dân không thể sống nổi nơi TĐC mới, họ đã vào rừng chặt phá các khu rừng già để làm rẫy. Địa bàn Đông Giang chủ yếu là đồng bào Cơ Tu, họ sống theo tập tục, phá rừng làm rẫy 1 năm bỏ 3 năm, đi nơi khác phát rẫy tiếp.

“Đã có 32 hộ bỏ khu TĐC của Thủy điện A Vương  vào tận rừng già phát rẫy. Hàng chục ha rừng nguyên sinh đã bị người dân đốt dù bản năng họ gắn với rừng. Các cơ quan chức năng của huyện Đông Giang đã phải khởi tố 2 cá nhân. Nói thật, xử lý xong rồi, nhưng chúng tôi đau lắm, bởi dân thiếu đói mới làm vậy chứ có phải chặt cây lấy gỗ làm giàu đâu” - ông Tài chia sẻ.

Thủy điện A Vương là vậy còn những thủy điện khác chưa thể thống kê hết được. Nhưng hiện thực là dòng chảy của các sông có thủy điện xây dựng đã thay đổi hoàn toàn. Mùa khô thủy điện tích nước, dòng sông trơ đáy khô khốc, mùa mưa thủy điện xả lũ đảm bảo an toàn đập khiến hạ du bì bõm trong nước.

Trước quá nhiều hậu quả và hệ lụy mà các dự án thủy điện đã, đang và sắp gây ra cho đời sống của người dân và môi trường tự nhiên huyện Đông Giang, Bí thư Huyện ủy Đỗ Tài cho biết: “Huyện đã kiến nghị các chủ dự án thủy điện đưa ra các phương án sửa sai, có hiệu quả lâu dài và trước mắt ổn định đời sống cơ bản của bà con. Phải để người dân “Sống tốt hơn hoặc bằng nơi cũ”, như mục tiêu ban đầu mà các khu TĐC thủy điện đề ra”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem