Phẫu thuật "2 trong 1" cứu bé 3 tuổi vừa lõm ngực nặng, vừa có kén khí trong phổi

Bạch Dương Thứ sáu, ngày 14/07/2023 14:46 PM (GMT+7)
Ngày 14/7, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đã thông tin về ca bệnh nhi nhỏ tuổi nhất nhưng bị lõm ngực mức độ nặng nhất từ trước tới nay tại bệnh viện.
Bình luận 0
Phẫu thuật "2 trong 1" cứu bé 3 tuổi vừa lõm ngực nặng vừa có kén khí trong phổi - Ảnh 1.

Tình trạng lõm ngực của bé T. khi nhập viện. Ảnh: BVCC

Chị K.N.T.K, mẹ bé B.K.N.T (37 tháng tuổi, ngụ Ninh Thuận) cho biết, khi sinh ra, bé đã bị lõm ngực. Từ đó đến nay, bé thường xuyên thở mệt, ăn uống khó. Bé đã 4 lần nhập bệnh viện địa phương nhưng đều được chẩn đoán viêm phổi, viêm phế quản, kê thuốc uống. Nhưng tình trạng bé gần như không cải thiện, bé ngày càng mệt nặng, thở khó, gia đình đề nghị chuyển bé đến Bệnh viện Nhi đồng 1.

Bác sĩ Đào Trung Hiếu, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, tình trạng lõm ngực của bé rất nặng. So với thang tính độ lõm của tổ chức y tế, bé T. lõm nặng gấp 3 lần so với mức độ nặng của thang tính điểm. Chính vì tình trạng lõm quá nặng dẫn đến xương ức và xương sống của bé gần như chạm vào nhau, dẫn đến tim, phổi của bé đều bị chèn ép.

Bên cạnh đó, qua kiểm tra còn phát hiện bé bị kén khí trong phổi khiến chức năng hô hấp của bé giảm, bé thường xuyên bị viêm phổi tái đi, tái lại nhiều lần. Nếu không phẫu thuật, tình trạng chèn ép tim sẽ dẫn đến hở van 2 lá, 3 lá.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định cùng lúc thực hiện cả phẫu thuật mổ cắt phần thùy phổi có chứa kén khí, đồng thời đặt thanh nâng lồng ngực cho bé.

Thông thường, một ca mổ đặt thanh nâng lồng ngực khoảng 30 phút, ca mổ cắt phổi khoảng 1,5 tiếng, nhưng khi mổ cho bé T., ca mổ kéo dài đến 3 tiếng. Các bác sĩ cho biết, do tình trạng lõm ngực của bé quá nặng, dẫn đến khoảng trống giữa xương ức và xương sống quá nhỏ, gây khó khăn cho bác sĩ khi tiến hành cắt thùy phổi.

BSCK2 Đặng Khải Minh, khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết, lo ngại nhất sau ca mổ là bé đau quá không dám thở, nên với ca này, các bác sĩ đã cho bé thở máy 2 ngày sau mổ để bé ổn định. Hiện tại, ngực của bé đã được nâng lên gần như bình thường, bé đã thở ổn định, ăn uống tốt nhưng vẫn được theo dõi sát.

Phẫu thuật "2 trong 1" cứu bé 3 tuổi vừa lõm ngực nặng vừa có kén khí trong phổi - Ảnh 3.

Bác sĩ đang kiểm tra lại sức khoẻ của bé T. sau ca mổ. Ảnh: B.D

Thông thường, các ca lõm ngực được mổ đặt thanh nâng ngực khi các bé khoảng 8-12 tuổi, khi đó mức độ ổn định của thanh nâng ngực sẽ được kéo dài hơn. Tuy nhiên, với tình trạng của bé T. không thể kéo dài nên phải phẫu thuật ngay. Dự kiến khoảng 1,5 – 2 năm sau, bé sẽ được rút thanh nâng ngực.

Đây là ca lõm ngực nhỏ tuổi nhất, mức độ lõm cũng nặng nhất từ trước đến nay tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Bất thường ngực là hội chứng bẩm sinh, do phát triển của xương sườn không đối xứng, gây biến dạng lồng ngực. Bất thường ngực thường gặp nhất ở hội chứng lồi hay lõm ngực. Sụn phát triển không đồng đều, nếu theo chiều hướng lõm xuống sẽ gây lõm ngực, trồi lên sẽ gây lồi ngực.

Mỗi năm, Bệnh viện Nhi đồng 1 phẫu thuật khoảng 100 ca mắc các hội chứng này, tập trung chủ yếu vào dịp hè.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem