Suýt mất mạng vì hủ tục
Sau nhiều năm trở lại huyện Đakrông (Quảng Trị), chúng tôi ngỡ ngàng khi trên nền đất cũ của Trạm y tế xã Hướng Nghiệp, sừng sững ngôi nhà hai tầng khang trang, sạch đẹp. Ở phòng khám, bé gái Hồ Thị Ngần 2 tuổi rưỡi, con của chị Hồ Thị Nhương, người dân tộc Vân Kiều đang được bác sĩ khám và cho thuốc.
Chị Nhương cho biết, mấy đứa con chị đều sinh ở trạm xá này cho yên tâm. Sáng nay, phát hiện con bị sốt cao, chị vội đưa đến đây để các bác sĩ, y tá khám và điều trị.
Bé Hồ Thị Ngần đang được bác sĩ khám
Từ Đắk Lắk ra đây lập nghiệp đã nhiều năm, nhà chị ở khá sâu trong núi, cách trạm 7km, trong đó có nhiều đoạn phải đi bộ rất vất vả. Thế nhưng, mỗi khi con ốm sốt, đau bụng, vợ chồng chị không quản đường xa đưa ra trạm y tế, vì có bác sĩ, có thuốc và nhiều máy móc.
Bên ngoài phòng khám, bà Hồ Thị Yến (60 tuổi, người Vân Kiều) đang cầm sổ bảo hiểm y tế chờ đến lượt. Bà cho biết, cả 6 đứa con đều được đẻ ở nhà. Chồng cắm cho cái lán ở vườn rồi ông tự nấu nước đỡ đẻ cho vợ.
Sinh con được 3 ngày, bà vứt con ở nhà cho chồng trông rồi đi làm đồng ngay. Vì thế sức khỏe bà ngày càng kiệt quệ, hễ trời lạnh là đau đầu và đau nửa người. Mỗi lúc như thế, lại làm nồi nước lá to để xông. Chồng ốm, con ốm thì xông, rồi nhờ thầy mo cúng nhưng bệnh vẫn hoàn bệnh.
“Giờ có trạm xá gần, phải nhờ bác sĩ khám và xin thuốc thôi. Bác sĩ còn khuyên đừng sinh đẻ nữa kẻo nghèo, không nuôi con tốt”, bà nói.
Bà Hồ Thị Yến đi khám tại Trạm y tế vì không còn tin vào hủ tục
Chị Hồ Thị Liên, Trạm trưởng Trạm y tế xã còn nhớ câu chuyện của một phụ nữ suýt mất mạng vì đau bụng đẻ nhưng không chịu xuống trạm xá. Khi chị được gọi đến nơi thì sản phụ đau đẻ đã 3 ngày. Không có dụng cụ, trong túi chỉ có vài viên kháng sinh, chị Liên nấu vội nồi nước sôi đỡ đẻ.
Khi đỡ đứa bé trên tay, chị bàng hoàng vì nhau người mẹ đã nát bét. Như một kỳ tích, lần đó, cả mẹ cả còn đều được cứu. Uy tín của bác sĩ và trạm xá cũng được bà con tin yêu từ ấy.
Y tế xã tiêu chuẩn quốc gia
Cũng theo chị Liên, trước đây, theo tập tục, phụ nữ mang bầu, gần đến ngày sinh nở được đưa ra một cái chòi dựng tạm ngoài vườn để tự sinh con. Vì thế, tỷ lệ tai biến sinh sản rất cao, nhiều thai phụ và trẻ sơ sinh mất mạng. Trẻ em sinh ra không được chăm sóc đúng cách, không được tiêm phòng nên hay ốm đau.
Một phụ nữ đang khám thai ở Trạm y tế xã Hướng Nghiệp
Từ khi trạm y tế được đầu tư nâng cấp, tỷ lệ người dân đến khám chữa bệnh đông hơn hẳn. Năm 2014, có hơn 6.000 lượt người đã tới khám, chữa bệnh, tiêm phòng tại trạm y tế này. Tỷ lệ tiêm phòng của trẻ em ở đây đạt 100%.
Đặc biệt, nhờ có máy móc và cơ sở vật chất đảm bảo nên không còn tình trạng sinh nở tại nhà nữa. Tất cả phụ nữ mang thai đều đến khám và cũng được đỡ đẻ tại trạm y tế, vì thế hạn chế đến mức thấp nhất tai biến thai sản.
Hiện nay, cả 10 thôn của xã Hướng Nghiệp đều đã có các nhân viên y tế cộng đồng, được tập huấn những kiến thức và phương pháp điều trị những bệnh thông thường.
Trạm y tế xã được Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đầu tư gần 5 tỷ đồng theo Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ (gọi tắt là chương trình 30a). Từ chỗ chỉ là một nhà cấp 4 dột nát, với duy nhất một phòng khám với hai giường, nay là tòa nhà 2 tầng khang trang, tiện nghi với hơn chục giường bệnh và đầy đủ các loại thuốc theo quy định.
Số lượng cán bộ y tế cũng tăng từ 5 người lên thành 9 người, trong đó đã có 1 bác sĩ. Vừa qua, trạm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc gia, có nhận bệnh nhân điều trị nội trú. Vào cuối năm 2014, Tập đoàn Viettel tiếp tục hỗ trợ xây mới và nâng cấp thêm Trạm y tế xã Đakrông với tổng trị giá 4,9 tỷ đồng.
Anh Lê Quang Hưng, Trạm trưởng Trạm y tế xã Đakrông cho biết, mặc dù đội ngũ y bác sĩ ở đây đã được nâng lên nhưng cơ sở vật chất còn quá chật chội, xuống cấp. Hy vọng với sự đầu tư của Chương trình 30a, trạm sẽ khang trang hơn bởi hiện tại, trạm chỉ đủ giường cho 5 bệnh nhân.
Hỗ trợ của Tập đoàn viễn thông Quân đội trong chương trình 30a đã giúp người dân ở 3 huyện nghèo là Đakrông (Quảng Trị), Mường Lát và Bá Thước (Thanh Hóa) giảm nghèo nhanh hơn, bền vững hơn. Không chỉ tăng được thu nhập, người dân còn được đáp ứng tốt hơn các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.