Trong các bộ phim cổ trang thường có cảnh các phi tần bị tống vào lãnh cung bởi rất nhiều nguyên nhân nhưng đều có một điểm chung là bị thất sủng. Song trong những trường hợp này, phi tần buồn nhưng thái giám lại vui.
Lãnh cung - nơi phi tần bị xa lánh và chôn chân đến cuối đời
Trên thực tế, lãnh cung không phải là một địa điểm cố định trong hoàng cung. Khi Hoàng đế quyết định trừng phạt một phi tần nào đó, đồng thời cũng chỉ định luôn phi tần này sẽ sống phần đời còn lại trong cung nào, thì đây chính là lãnh cung.
Đi khắp Cố cung, bạn sẽ không tìm thấy bất kỳ cung điện nào có tấm bảng ghi "lãnh cung". Thật ra, lãnh cung không lạnh lẽo, mà giống như cung điện bình thường, nhưng do vị trí xa xôi, ít người qua lại nên mới có cái tên "lãnh cung" (dịch nôm na là cung hẻo lánh, quạnh hiu).
Theo một số sử sách ghi lại, lãnh cung xuất hiện sớm nhất vào thời Đông Chu. Vào thời cổ đại, Hoàng đế độc chiếm thiên hạ, hậu cung ba nghìn giai lệ, đồng thời luôn có những phi tần phạm sai lầm. Bình thường, Hoàng đế sẽ không vì thể diện mà giết thê thiếp của mình, lúc này mới phát huy tác dụng của lãnh cung.
Đối với một phi tần, bị đày vào lãnh cung thực chất chính là bị phế truất, không cần biết trước kia được sủng ái như thế nào, một khi bị đưa vào lãnh cung thì cả đời này không thể thấy mặt Hoàng đế, trừ phi ngài đổi ý.
Khi bị đày vào lãnh cung, phi tần giờ đây thậm chí không khác mấy so với tù nhân, thức ăn cũng nghèo nàn như của thái giám và cung nữ, còn kém tự do hơn đám nô bộc. Đương nhiên số lượng người hầu hạ cũng bị cắt giảm, đa phần chỉ còn 1 nô tỳ và 1 thái giám túc trực bên cạnh.
Vì sao thái giám tranh nhau hầu hạ phi tần bị đày vào lãnh cung?
Tuy rằng những phi tần bị đày vào lãnh cung đều không còn địa vị, nhưng không vì thế mà hoàn toàn mất hết giá trị.
Ví dụ như triều đại nhà Thanh, những người có thể được chọn làm phi tần trong cung đều là quý tộc trở lên, ít nhiều gia tộc cũng có địa vị và bề thế. Do đó, cung nữ và thái giám lúc này cũng không thể tùy tiện xem thường hay xúc phạm, khác với những cảnh chúng ta thường thấy trên phim ảnh.
Một khi có vị phi tần nào bị Hoàng đế giam vào lãnh cung, các thái giám lại xông xáo xin được hầu hạ. Tại sao lại như vậy?
Trước hết, không bị đánh đập hay mắng mỏ. So với những phi tần bình thường, những phi tần không được sủng ái này đa phần "biết thân biết phận" hơn rất nhiều, sẽ không đánh đập hay mắng mỏ thái giám, thậm chí nếu phục vụ tốt còn có thể có thêm phần thưởng. Điều này cũng dễ hiểu vì trong lãnh cung hẻo lánh này có người bầu bạn xem như may mắn to lớn. Đồng thời, thái giám đương nhiên thích hầu hạ vị chủ nhân hiền hòa, không còn sống trong cảnh sợ hãi như trước kia.
Có nhiều trường hợp phi tần bị đày vào lãnh cung không được bố trí cung nữ hầu hạ. Do đó họ phải tự lo cho bản thân, từ nấu ăn cho đến giặt giũ, ban đầu thì khó khăn nhưng làm nhiều cũng thành quen. Song đây không phải là điều khiến họ khổ tâm nhất, mà chính là sự cô đơn.
Tiêu Thục phi và Vương Hoàng hậu thời Đường Cao Tông, sau khi bị Võ Tắc Thiên đày vào lãnh cung, cả đời chỉ có thể ở trong căn nhà nhỏ tối tăm. Những phi tần này sợ cô đơn nên dù biết thái giám có ý xấu cũng không ghét bỏ thái giám hầu hạ mình.
Thứ hai, được thêm phần thưởng. Như đã đề cập ở trên, một khi phi tần bị đưa vào lãnh cung, đồng nghĩa với việc nàng sẽ ở đó cả đời. Lãnh cung có tường cao bao bọc, mọi tin tức bên ngoài chỉ có thể nhờ thái giám hầu hạ mình nghe ngóng rồi kể lại. Để lấy lòng thái giám, các phi tần ở đây thường sẵn sàng chi tiền, lâu dần các thái giám cũng thích hầu hạ chủ tử trong lãnh cung.
Tuy rằng vào lãnh cung đồng nghĩa với bị phế bỏ, nhưng vạn vật luôn có ngoại lệ, trong lịch sử từng có vài trường hợp phi tần thất sủng được ra khỏi lãnh cung, lại được hoàng thượng sủng ái. Vì vậy, phục vụ tốt cho chủ nhân trong lãnh cung, nếu một ngày nào đó họ có thể được sủng ái một lần nữa, tương lai của thái giám này sẽ tươi sáng.
Cuối cùng, một số thái giám hầu hạ phi tần bị đày vào lãnh cung với mục đích ích kỷ riêng. Do thân thể bị khiếm khuyết (mất đi bộ phận sinh dục) và môi trường ngột ngạt trong cung, các thái giám lâu ngày dễ mắc các vấn đề về tâm lý, gặp phải kẻ yếu luôn muốn "giẫm đạp" lên. Những thái giám bị méo mó trong tâm lý này không nghĩ đến việc phi tần có trả thù trong tương lai hay không. Theo quan điểm của họ, chỉ cần có thể được thỏa mãn khát khao "trả thù" ở hiện tại là đủ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.