Dịch Covid-19 khiến kinh tế, xã hội, đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó giáo dục là lĩnh vực bị ảnh hưởng rõ rệt nhất vì học sinh nhiều nơi không được đi học trực tiếp. Từ hoàn cảnh này đã ghi nhận sự "đột phá" của giáo dục khi nhanh nhạy bắt nhịp xu thế mới trong thời đại công nghệ 4.0.
Chỉ cần chiếc máy tính, ipad hay đơn giản là điện thoại thông minh... ai cũng có, học sinh dễ dàng tiếp cận bài học, rút ngắn khoảng cách địa lý với thầy cô giáo. Các giáo viên cũng ứng biến linh hoạt ngay hình thức giảng dạy mới để mở các lớp dạy học online thay vì chờ đợi được đứng trên bục giảng đông đúc, nóng nực. Chủ đề về các lớp ôn luyện vốn dĩ đã nóng hổi nay càng sôi động hơn trên nền tảng công nghệ số.
Lớp học online "lên ngôi" trong mùa dịch
Hiện nay học online rất phong phú về hình thức, thời gian nhưng có 2 dạng phổ biến. Dạng 1 là giáo viên sẽ quay video từng bài giảng theo hệ thống rồi lưu lại, học sinh đăng ký học sẽ chủ động xem. Thông thường hệ thống bài giảng sẽ bao gồm cả 1 khóa học (gồm kiến thức nền tảng, tổng ôn, luyện đề), kèm theo tài liệu, bài tập.
Ưu điểm là học sinh có thể xem lại nhiều lần bài giảng, bất kỳ chỗ nào chưa hiểu có thể xem chậm, xem nhiều lần. Học phí cả khóa chỉ khoảng 1,3-2 triệu đồng. Tuy nhiên, nhược điểm của hình thức này là không có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, dễ gây nhàm chán nên chỉ các em thực sự chăm học mới có hiệu quả.
Dạng 2 là giáo viên sẽ dạy theo hình thức livestream, tương tác trực tiếp với học sinh qua các hình thức dạy trực tuyến như live trên Facebook, Zoom, Google Meet… Nội dung bài học tương tự như các bài học trên lớp, giáo viên và học sinh tương tác trực tiếp với nhau. Các khóa thường cũng đầy đủ nội dung như kiến thức nền tảng, tổng ôn, luyện đề. Đây là hình thức dạy online theo xu thế và các em học sinh khá hào hứng tiếp nhận.
Ưu điểm của hình thức này là học sinh và giáo viên tương tác trực tiếp. Bất kỳ chỗ nào học sinh không hiểu có thể hỏi giáo viên ngay, giáo viên cũng dễ dàng nắm bắt tiến độ tiếp thu bài của học sinh, điều chỉnh phù hợp nội dung và phương pháp giảng dạy. Nhược điểm là khó kiểm soát những trường hợp học sinh nghịch ngợm, các đối tượng bên ngoài tham gia. Chi phí khóa học này từ 2-5 triệu đồng/năm.
Các lớp học online hiện nay có thể thu hút hàng nghìn thậm chí hàng chục nghìn học sinh tham gia. Mỗi giáo viên có thương hiệu lớn, làm hình ảnh tốt và có đơn vị quản lý chuyên nghiệp thì thu nhập cực cao. Lấy ví dụ 1 giáo viên dạy online trung bình có khoảng 1.000 học sinh với học phí 1-1.5 triệu đồng/khóa thì thu nhập đã khoảng 1-1.5 tỷ đồng/năm. Thậm chí có giáo viên dạy khoảng 10.000 học sinh tham gia thì con số còn nhiều hơn nữa.
Ngoài các lớp học online thông thường, giáo viên còn có các khóa học khác với các tên gọi như khóa học cấp tốc (khoảng 5 triệu đồng/khóa trong 2-3 tháng học gần thi), khóa học cam kết (phụ huynh mong muốn con thi được mấy điểm thì giáo viên sẽ cam kết học sinh đạt được số điểm đó, số tiền dao động trên dưới 200 triệu đồng) và khóa học 1:1 với mức phí 2-3 triệu đồng/buổi.
Một số giáo viên "hot" trên cộng đồng mạng như môn Toán có thầy Đặng Thành Nam, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Đăng Ái, Đỗ Văn Đức, Lương Văn Huy, Nguyễn Quốc Chí... Môn Hoá có thầy Phạm Thắng, Vũ Khắc Ngọc, Nguyễn Anh Phong... Môn Vật lý có thầy Nguyễn Thành Nam, Đỗ Ngọc Hà, Chu Văn Biên... Môn Sinh học có thầy Phan Khắc Nghệ, Nguyễn Thành Công, Đinh Đức Hiền...
Sốc với những giáo viên dạy sai kiến thức, gửi hình nhạy cảm
Dạy học trực tuyến là hình thức mới giúp học sinh tiếp cận với giáo viên nhanh hơn. Tuy nhiên, thực tế thời gian vừa qua nảy sinh nhiều bất cập khiến dư luận phải sốc khi bị học sinh tố dạy sai kiến thức cơ bản, chửi bậy, gửi hình nhạy cảm và... lừa đảo.
Gần đây nhất, câu chuyện của cô giáo dạy Văn online T.P.T (SN 1998), sở hữu fanpage hơn 20.000 lượt follow đã có những hành động, lời nói, phát ngôn thiếu chuẩn mực. Một học sinh cũ của cô T. có tên là T.L.Tr chia sẻ với PV báo Dân Việt: "Em biết cô T. qua một lần tình cờ lướt Facebook và thu hút bởi chất giọng của cô. Em đăng ký khóa học 550.000 đồng từ đầu tháng 7 mà như lời cô nói là "dạy duy nhất 1 khóa đến hết năm".
Cô dạy 3 buổi/tuần nhưng nghiêm chỉnh chỉ trong 2 tuần. Sang tuần thứ 3 cô không dạy học mà gợi ý đăng ký khóa đợt 2 tiếp 550.000 đồng được tặng thêm khóa luyện đề. Em đã đăng ký hết tổng 1,1 triệu đồng nhưng đổi lấy 15 video bài giảng, mỗi video dài 30 phút với kiến thức rất nông cạn".
Ngoài ra, cô giáo P.T còn bị nhiều học sinh tố giảng dạy thiếu chuyên nghiệp, nói chuyện với học sinh thiếu chuẩn mực, gửi ảnh nhạy cảm vào group học tập.
Một trường hợp khác là cô giáo dạy Vật lý M.T từng gây bão mạng xã hội. Chỉ sau 1 đêm livestream bài giảng ấn tượng và diện mạo xinh đẹp, cô giáo 9X này đã thu về hàng trăm nghìn lượt xem, tương tác và bình luận.
Thế nhưng ngay sau đó, cô giáo này vấp phải những chỉ trích của cộng đồng mạng vì những hành xử thiếu chuẩn mực như trợn mắt, quát vào màn hình (một cách tương tác với học sinh): "Các bạn cứ hỏi tôi tại sao tôi nói to thế. Tôi đang cố nhỏ volume lại rồi. To đâu mà to ấy".
Bên cạnh đó, nhiều học sinh cũng cho rằng trong những buổi livestream, thay vì tập trung vào giảng bài thì cô giáo nhắc nhiều lần đến việc chơi game. Đặc biệt, sau khi nổi tiếng M.T còn bị "bóc phốt" chưa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, dạy sai kiến thức chuyên môn.
Trước thông tin này, M.T cũng thẳng thắn thừa nhận vì lý do quên đăng ký 1 tín chỉ nên cô chưa tốt nghiệp. Tuy nhiên, cô tự tin vào kinh nghiệm giảng dạy môn Vật lý của mình với các bạn học sinh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.