Phía sau lớp học online: Thu nhập tiền tỷ, học sinh khủng nhưng có "xứng" được gọi là giáo viên? (Bài 2)

Tào Nga Thứ ba, ngày 31/08/2021 08:10 AM (GMT+7)
Những lớp học của "giáo viên online" được đón nhận như một xu hướng tất yếu của xã hội hiện đại, giúp học sinh tiếp cận với kiến thức nhanh nhất, thuận tiện nhất. Thế nhưng có phải cứ mở lớp học online được gọi là thầy cô giáo?
Bình luận 0

Ma trận lớp học online

Từ đầu tháng 7 hàng năm, các lớp học ôn luyện thi vào 10, thi đại học, chứng chỉ tiếng Anh... bắt đầu nở rộ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên năm nay các lớp học trực tiếp được chuyển hoàn toàn sang trực tuyến. Nhiều giáo viên dạy có tiếng tăm thì không cần quảng cáo mà phụ huynh, học sinh tự truyền tai nhau đến đăng ký theo học. 

Tuy nhiên, với những giáo viên vừa tầm hoặc mới mở lớp thì công tác chiêu sinh đầu khóa rầm rộ với cả chiến dịch quảng cáo trên Google, Facebook, Youtube hay đội ngũ seeding hùng hậu trong các hội nhóm. Vậy nên chỉ cần vài phút lướt mạng là phụ huynh và học sinh dễ dàng lạc vào ma trận các lớp học online.

Phía sau lớp học online: Thu nhập tiền tỷ, học sinh khủng nhưng có "xứng" được gọi là giáo viên? (Kỳ 2) - Ảnh 1.

Một lớp học online với rất đông học sinh. Ảnh chụp màn hình

Bạn Nguyễn Phương Mai, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội chia sẻ, hiện tại em đang học thêm online 3 môn Toán, Lý, Anh 8 buổi/tuần. Học phí dao động từ 120.000-250.000 đồng/buổi và mỗi lớp từ 7-20 học sinh. "Em rất hài lòng các lớp học này vì số lượng ít học sinh, thầy cô tương tác nhiều hoặc mình có thể chủ động hỏi trong lớp học", Mai cho hay.


Tuy nhiên, để chọn được một lớp học ưng ý thì Mai đã phải tốn khá nhiều thời gian để tham gia các lớp học thử trước đó. "Em thấy quảng cáo trên mạng nhiều và có đăng ký học thử 1, 2 buổi. Thế nhưng sau đó em nhận thấy các lớp học này không phù hợp với em vì quá đông hoặc thầy cô dạy không hay. Ngoài ra, có thầy cô em tìm hiểu thấy ưng ý nhưng lại không cho học thử thì em cũng thôi luôn. Em không muốn nộp tiền cả năm học mà không biết có phù hợp với mình hay không", Mai chia sẻ.

Phụ huynh có tên Hoàng Thị Thủy, quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng từng hoa mắt chóng mặt khi tìm hiểu lớp học online cho con trai năm nay vào lớp 12. Có quá đông giáo viên dạy online với các kiểu lớp học và học phí khác nhau. Con trai chị Thủy sau đó đăng ký khóa học của một giáo viên qua Zoom nhưng chị cũng "phát hoảng" vì lớp giáo viên này dạy thì ít mà "chém gió" thì nhiều, bằng cấp không như quảng cáo. 

Với tình trạng trên, câu hỏi đặt ra là: Liệu có phải cứ mở lớp dạy online là chuẩn giáo viên? Chất lượng bài giảng kiểm chứng thế nào? Cần có quy định gì về việc dạy online không?

Không phải cứ mở lớp dạy được gọi là giáo viên đạt tiêu chuẩn

Theo anh Bùi Ngọc Phúc, tác giả nhiều cuốn sách tư vấn mùa thi: "Do dịch Covid-19 nên việc dạy online từ giải pháp tình thế đã trở thành xu hướng chủ đạo. Ưu điểm thấy rõ, phụ huynh và học sinh không phải ra đường vào mỗi buổi tối, nhiều con ở tỉnh xa được nghe giảng từ thầy cô nổi tiếng.

Tuy nhiên mặt trái của nó bắt đầu phát sinh. Nhiều giáo viên chạy theo lợi nhuận tổ chức những lớp tới 500 học sinh, học phí đắt như học bình thường. Với lớp học như vậy, sự tương tác thầy trò không có mà thậm chí còn làm méo mó bức tranh giáo dục. Học trực tuyến sẽ phù hợp với những học sinh có tính tự giác cao, không có thầy cô nào đảm bảo chất lượng tuyệt đối như quảng cáo. Không phải giáo viên nào cũng phù hợp để dạy online gây cho học sinh nhàm chán. Đây có lẽ là nguyên nhân việc học thêm không giảm mà có chiều hướng gia tăng".

Phía sau lớp học online: Thu nhập tiền tỷ, học sinh khủng nhưng có "xứng" được gọi là giáo viên? (Kỳ 2) - Ảnh 2.

Cô Lê Trần Diệu Thu, giáo viên Ngữ văn, hệ song bằng Trường CĐ Xây dựng Công trình đô thị, Hà Nội. Ảnh: NVCC

Cô Lê Trần Diệu Thu, giáo viên Ngữ văn, hệ song bằng Trường CĐ Xây dựng Công trình đô thị, Hà Nội cho hay: "Học sinh cần xác định năng lực và mục tiêu của bản thân để lựa chọn những khoá học, những thầy cô giảng dạy phù hợp. Không nên quá tin vào quảng cáo trên các trang mạng xã hội mà cần học thử để trải nghiệm sau đó mới quyết định đăng ký học.

Yếu tố quan trọng để quyết định chất lượng của buổi dạy online thành công hay không là sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, nếu thiếu sự tương tác thì người học cảm thấy nhàm chán. Phụ huynh cũng cần chú ý khi chọn các khóa học online vì có thể là các video quay sẵn từ vài năm trước, kiến thức thiếu cập nhật so với đề thi làm giảm hiệu quả khi học. 

Ngoài ra, số lượng học sinh tham gia lớp online cũng quyết định chất lượng. Học sinh nên chọn lựa lớp học online có quy mô vừa và nhỏ 30 – 50 học sinh là phù hợp".

Thầy Lương Văn Huy, giáo viên Toán tại Hà Nội chia sẻ: "Khi lựa chọn giáo viên dạy online hiện nay, phụ huynh cần lưu ý tuyển chọn các thầy cô uy tín, được đào tạo bài bản, có kiến thức chuyên môn tốt và nghiệp vụ sư phạm tốt. Tránh nghe theo quảng cáo và hiệu ứng đám đông cũng như lời giới thiệu của các cộng tác viên. Nên tham khảo tư vấn từ các học sinh khóa trước, các thầy cô có chuyên môn và tốt nhất là cho các em học thử…".

Bà Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay: "Không phải cứ mở lớp dạy online được gọi là giáo viên đạt tiêu chuẩn. Giáo viên cũng như các nghề bác sĩ, ca sĩ. Nếu ai hoạt ngôn sẽ thu hút chú ý của mọi người. Thế nhưng để làm nghề thì phải được đào tạo bài bản, có bằng cấp, chứng chỉ sư phạm. Ai tự ý đứng ra mở lớp dạy giống như bác sĩ tự ý bốc thuốc cho người bệnh, ca sĩ chỉ biết hát 1, 2 bài... Như vậy rất nguy hiểm vì họ không biết mình đang làm đúng hay sai. 

Bên cạnh đó, là giáo viên, không chỉ bài giảng đúng, hay mà còn phải hiểu tâm sinh lý của học sinh và biết đâu là điểm dừng. Có thể người đó giảng 1, 2 bài thấy hay nhưng để giảng dạy sang những bài khác hoặc đối tượng khác thì lại không hiệu quả". 

Theo bà Hương, để tránh tình trạng giáo viên dạy online tràn lan, chất lượng không đúng như quảng cáo... gây hoang mang và thiệt hại cho phụ huynh và học sinh, các chuyên viên Bộ GD-ĐT cần phải xây dựng hệ thống quy định rõ ràng.

Điều 72 Luật Giáo dục 2019 quy định: Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo như sau:

a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;

b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem