Mỗi năm, chợ Gò họp duy nhất vào mùng 1 Tết Nguyên đán nhưng việc bán mua ở đây không đặt nặng lãi - lỗ mà chỉ là dịp để người dân trao đổi tài lộc, may mắn.
Theo các vị cao niên ở làng Phong Thạnh (thị trấn Tuy Phước) cho biết, từ lâu họ đã nghe truyền miệng là phiên chợ này được họp từ thời Tây Sơn. Ngày xưa, dân gian gọi là Hội chợ Gò hoặc Hội Xuân chợ Gò. Vài năm gần đây, chính quyền địa phương tổ chức thêm phần lễ rồi đặt tên là Lễ Hội chợ Gò.
Cụ Nguyễn Văn Phê (83 tuổi, ở thôn Phong Thạnh) cho hay, phiên chợ Gò chính thức bắt đầu khoảng 3 giờ sáng và đến trưa mùng 1 Tết tan dần. Năm nào sản vật được người dân bản địa đem đến chợ Gò đa dạng, nhiều chủng loại thì năm đó họ có cuộc sống đầy đủ, sung túc.
Người đi chợ Gò thích mua mua trầu cau là mua cái lộc đầu năm hoặc vì "miếng trầu là đầu câu chuyện"; mua muối vì có câu được truyền miệng "đầu năm mua muối, cuối năm xây nhà"; mua rau muống vì "muốn gì được nấy"; mua đu đủ vì muốn no đủ; mua mãng cầu là vì cầu cho sung mãn; mua quả sung là vì sung túc suốt năm. Riêng các cô gái mua trầu cau là để cầu cho năm mới gặp duyên thắm tình nồng hay mua muối để mặn mà suốt năm.
"Đến chợ Gò, người bán hay người mua đều mặc quần áo mới, sạch sẽ và luôn tươi cười với nhau", cụ Phê nói.
Chợ Gò duy nhất họp ngày mùng 1 Tết Nguyên đán nên có nét rất riêng mà không giống như các phiên chợ họp bình thường hằng ngày.
Sản phẩm đem đến chợ Gò bán chủ yếu là những mặt hàng do người dân bản địa tự nuôi trồng. Người đi chợ ngoài mua vài thứ thức ăn tươi sống như tôm, cá đồng thì ai cũng mua vài quả cau, lá trầu để lấy lộc đầu năm.
Điều đặc biệt tại phiên chợ Gò là người bán không hề nói thách và người mua cũng không hề mặc cả. Cả người bán, người mua đều muốn trao và nhận những nhiều tốt đẹp nhất đầu năm và cả một năm an lành.
Với nét đặc sắc riêng, chợ Gò được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xếp vào hạng "100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.