Phiêu diêu trong lễ cúng Ma Cỏ miền cao nguyên đá

Đỗ Doãn Hoàng Thứ ba, ngày 24/01/2023 09:32 AM (GMT+7)
Chúng tôi đã phiêu diêu với những người phủ cỏ bí ẩn, những "quái thú" đáng yêu đến từ miền cổ tích nào đó.
Bình luận 0

Các Ma Cỏ nhảy múa cứ rùng rùng xanh ngợp như trong cõi ảo mộng. Những bước chân xanh lông lá của họ giăng mắc cùng điệu dân vũ lý lơi của các dáng sơn nữ Lô Lô, các nàng áo xống sặc sỡ, trong tiếng trống đồng trầm hùng…

Bản Lô Lô Chải - 20 năm trước và bây giờ

20 năm trước, một chiếc xe U-oát của Bộ Tư lệnh Biên phòng đưa tôi và một số cây viết tên tuổi nhằm hướng Lũng Cú (Hà Giang) trực chỉ. Đi ba ngày giời ròng rã. Xe hỏng giữa bạt ngàn đá tai mèo và những rặng đào rực rỡ đầu xuân, chúng tôi mò mẫm trong đêm tìm đến Đồn Biên phòng Lũng Cú tá túc. Đêm, gió lạnh biên thùy như kim châm các đầu ngón tay. Chiếc áo bông đeo quân hàm của vị thượng tá chỉ huy đồn biến thành chăn đắp cho cậu phóng viên trẻ ngoài 20 tuổi trong hơi rượu ngô men lá lơ mơ.

xuan/ Phiêu diêu trong lễ cúng Ma Cỏ miền cao nguyên đá - Ảnh 1.

Sình Dỉ Gai bảo, làm thế nào thì làm, nhảy múa có khi cả ngày, cỏ héo đi rồi, mà vẫn không bị hở thịt da hay áo quần ra cho người khác trông thấy là được. Muốn thế phải bện cỏ kín, buộc dây thật chặt và đúng quy cách, càng nhảy múa nó càng thít chặt "bó cỏ". Bởi quan niệm của người Lô Lô nơi này: Mỗi người tự biến mình thành Ma Cỏ (bù nhìn bằng cỏ) là để nhảy múa dẫn đường cho tổ tiên, cho người quá cố. Khi đó, mỗi người đều không được phép ăn, nói, đi đứng không vấp ngã, không để ai nhận ra mình là ai. Họ lúc đó là "ma", "là thần thánh". Ai phạm vào các điều trên, sẽ gặp rủi ro trong cả năm, cả gia đình, cả dòng họ bị rủi ro xui xẻo.

Giữa biên cương hiểm trở và điệp trùng gian khó khi đó, chúng tôi không thể nào ngờ nổi, rằng: Có ngày điểm tột cùng phía Bắc Việt Nam (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) lại có thể rèo rèo đường nhựa cho xe chạy như bây giờ. Càng không nghĩ, có ngày hàng chục nhà dân ở xóm Lô Lô Chải tít sau lưng núi Rồng, nơi nhìn lên hiên ngang Cột cờ Lũng Cú, trở thành homestay đón tiếp đủ khách Tây khách Ta nườm nượp.

Tôi đã lạc vào thế giới của những người đàn ông Lô Lô phủ một loại cỏ rả đặc biệt xanh mướt - thơm thi thoảng, rồi họ như những đụn cây tươi ứa nhựa lõng thõng - họ nhảy múa bên tiếng trống đồng hùng thiêng. Tôi hỏi, vì sao phải phủ cỏ kín toàn thân, sao không mặc áo bằng vỏ cây treo trước nhà kia cho "oách"? Họ bảo, các cụ làm thế thì mình làm thế, chả biết được đâu. Phủ kín cỏ. Tuyệt đối không hở mặt ra, hở là bị ma làm, tổ tiên quở mắng, cả năm gặp toàn xui xẻo. Cứ kín bưng xanh rì như đụn cỏ "ma xanh" thế mà nhảy, nhảy suốt từ sáng đến tối không biết mệt, chị em xúng xính áo Lô Lô cầu kỳ xanh đỏ cũng tưng bừng vào hội. Chân bước lý lơi... Đó là lễ cúng Ma Cỏ ở nơi tột cùng phía Bắc Việt Nam.

Ở cả nước ta, người Lô Lô chỉ có 4.827 người (thống kê năm 2019) sống trên vài tỉnh, tập trung chủ yếu ở Hà Giang và Cao Bằng. Người Lô Lô đầu tiên tôi gặp, 20 năm trước, là chị Minh - cán bộ Huyện đoàn Mèo Vạc. Chị sống trong ngôi nhà khuất nẻo với các trầm tích văn hóa tộc người đáng ngạc nhiên, ở ngay gần thị trấn. Người Lô Lô thứ hai tôi gặp là tiến sĩ Lò Giàng Páo, sau này ông làm Phó Viện trưởng Viện Dân tộc (Ủy ban Dân tộc), nay đã nghỉ hưu. Ông Páo là người vì quá lo lắng cho sự phai mờ bản sắc dân tộc Lô Lô của mình, đã "cõng" một cặp trống đồng Lô Lô, gồm trống đực và trống cái, về tỉnh, về Hà Nội yêu cầu gìn giữ và nghiên cứu. Từ tấm chân tình ấy, qua phấn đấu, ông đã trở thành một người có uy tín giữ nhiều cương vị đáng tự hào. Ông đã công bố nhiều công trình nghiên cứu quan trọng về trống đồng và văn hóa người Lô Lô - cũng như các cộng đồng ở miền địa đầu nồng say Hà Giang.

Bây giờ, trước mặt tôi là những bạn trẻ người Lô Lô Chải, ở cái xóm bé xíu nép dưới chân cột cờ Lũng Cú.

Những dân bản thức thời trên Facebook, Zalo

xuan/ Phiêu diêu trong lễ cúng Ma Cỏ miền cao nguyên đá - Ảnh 3.

Điệu múa trong lễ cúng Ma Cỏ ở bản Lô Lô Chải. Ảnh: Đ.D.H

Anh chàng Lù Dỉ Điến nhỏ thó, ướt lướt thướt từ núi cao "trườn" về, còn bê bết bùn đất. Cỏ này gọi là cỏ Su-choeo, hiếm lắm, trồng ở gần nhà cũng không sống. Mỗi dịp lễ là phải đi lấy ở trên núi thiêng Chun-ta (còn gọi là núi Sống lưng), nhiều người cùng đi lấy thì mới có đủ cỏ để làm lễ. Trời mưa thì mỗi cọng cỏ dài (có thể dài cả mét, to như đầu đũa) đều ngậm nước, trơn, nặng, đường núi cũng trơn nữa.

Thấy xanh rì trước hiên nhà văn hóa, lại trước sân nhà Sình Dỉ Gai (chủ homestay Lover Lô Lô Chải) toàn cỏ xanh, màu xanh ngọc ngà mướt mát. Các cọng dây leo ấy dài thượt, tua rua trơn truội như các sợi bún xanh khổng lồ và dài bất tận, bao nhiêu khách du lịch kéo đến xem, tò mò hỏi đủ thứ.

Trước, trên các thẻo đất bé xíu, đá tai mèo sắc như dao, cuộc sống của hơn 100 hộ dân bản Lô Lô Chải tận cùng phía Bắc Việt Nam nghèo khó lắm. Từ ngày, có vị cán bộ Đại sứ quán Luxembourg lên thăm, thấy nơi này đẹp trứ danh, ngài bèn trao đổi với tỉnh, hỗ trợ, động viên 3 gia đình mở homestay đón khách du lịch. Nhiều hộ thất bại bỏ cuộc, riêng có trưởng bản Sình Dỉ Gai là nghĩ thấu cái chân lý "vạn sự khởi đầu nan", bĩ cực sẽ đến hồi thái lai. Kế bên, nhà Vàng Dỉ Toáng đón được tới 20 khách ngủ trên nhà sàn một lúc. Nhà trình tường đất vàng ươm. Mái ngói âm dương nâu trầm oằn xuống vì cõng trên lưng nước thời gian dằng dặc. Rêu phong cổ kính, rêu từ bờ rào đá rêu lên tường nhà. Nhìn qua căn gác mùa thu bằng gỗ thơ mộng của homstay, là thấy Cột cờ Lũng Cú kiêu hùng miền thượng du.

Ngoài kia, điểm đi bộ leo núi, chỗ này là chòi gác leo lên ngắm ra bốn phía miền cương thổ tơi bời gió thu. Ai đó mở cả điểm Cà Phê Tột Bắc, với biển hiệu mũi tên bằng gỗ chỉ trỏ từ mọi ngõ ngách tiến ra. Làm du lịch bài bản quá. Xóm nhỏ mà có tới 21 hộ làm du lịch, mở homestay. Họ được tập huấn đón khách, tập huấn làm các món bản địa "đội" yêu cầu an toàn thực phẩm lên "đầu". Mùa hoa tam giác mạch, mùa cao nguyên đá lộng lẫy nhất, thì ở đây luôn "cháy phòng"!

Tối, đèn thắp sáng như sao sa, các mái nhà cổ kính diêm dúa trong mây mù. Vài nhà còn lên Facebook, Zalo quảng bá du lịch với lời lẽ hình ảnh rất bài bản. Họ liên kết với người Hà Nội, trang trí homestay, mở rộng nhà cửa, làm món ăn độc đáo, thức dậy các diệu dân vũ Lô Lô kỳ thú và quyến rũ một cách bài bản nhất. Rồi họ chia sẻ cơ hội và lợi nhuận với nhà đầu tư miền xuôi, các chuyên gia mỹ thuật - văn hóa - tộc người để "bồi đắp" thêm cho không gian cổ kính bản Lô Lô chải, trên cơ sở tôn trọng các giá trị mộc mạc nguyên gốc. Thế là có các "hotel tiêu chuẩn" ra đời trong các ngôi nhà trình tường dày nửa mét, nâu trầm ngói âm dương cổ kính, đặc quánh chất Lô Lô, ở điểm tận cùng phía Bắc Việt Nam. Được quảng bá, khách tìm lên, tiền phòng thu được, người Hà Nội nhận một nửa, bà con bản Lô Lô nhận một nửa. Các dịch vụ khác tại địa bàn, bà con tự làm tự hưởng. Đó là một mô hình nức lòng người bản xứ. Cũng lại "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi".

xuan/ Phiêu diêu trong lễ cúng Ma Cỏ miền cao nguyên đá - Ảnh 4.

Đường vào bản Lô Lô Chải khiến bất cứ ai cũng phải thích thú. Ảnh: Đ.D.H

Lễ cúng Ma Cỏ tại nhà Nông dân xuất sắc

Cùng với lễ cúng thần rừng, lễ mừng lúa mới, mừng nhà mới, thì lễ cúng Ma Cỏ ở bản Lô Lô này là độc đáo và đáng… sững sờ hơn cả. Sình Dỉ Gai - Trưởng bản bảo, giờ nơi đây, nhà nào cũng có tivi, tủ lạnh, xe máy, nhiều người biết giao tiếp tiếng Anh ở mức lo cho khách Tây đầy đủ ăn uống ngủ nghỉ. Nhà Gai có tuần đón tới 300 khách tới ăn nghỉ, tham quan điểm cực Bắc. Chủ tịch UBND xã Lũng Cú - anh Ma Doãn Khánh đánh giá cao đóng góp của Gai, của bản Lô Lô trong phát triển kinh tế địa phương, bảo tồn di sản văn hóa, để rồi nhân rộng mô hình trong toàn xã. Dỉ Gai đã vinh dự được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022, về Hà Nội dự lễ tôn vinh.

Chúng tôi đang mải nói chuyện thì các cậu bé đã tuốt xong các sợi cỏ dài to phủ kín thân mình, rồi nhờ người khác dùng dây rừng buộc lại. Họ biến mình thành những "hình nộm" màu cỏ xanh. Cỏ này dai, mềm, dài. Trước hết vì nghìn năm trước tổ tiên người Lô Lô đã dùng chính mấy loại cỏ này để tổ chức lễ tế Ma Cỏ. Sau nữa vì cỏ này có những đặc tính phù hợp để hoá trang mà ít loại nào thay thế được. Họ dùng cỏ ướt (vì hôm ấy trời mưa vào trước lễ nhảy múa), vảy hết nước đọng trong đó, rồi bện kín từng "nhân vật" nam giới. Đến hai con mắt của họ, để không bị hở, thì dùng cái mo nang tre to úp vào mặt - tất nhiên là phải khoét hai lỗ để mắt có thể nhìn ra ngoài. Mo nang giờ khó tìm, thì lấy tấm bìa nâu để thay.

xuan/ Phiêu diêu trong lễ cúng Ma Cỏ miền cao nguyên đá - Ảnh 5.

Một phụ nữ Lô Lô chuẩn bị trang phục để tham dự lễ cúng Ma Cỏ. Ảnh: Đ.D.H

Trống đồng Lô Lô, từ hồi nghe chuyện ông Lò Giàng Páo "cõng" trống về Hà Nội, nay tôi mới được nhìn tận mắt. Chúng gồm trống đực (giảnh kê) và trống cái (giảnh đú). Xưa, bà con hay bị mất trống, do quan niệm là dùng xong phải chôn trống xuống đất. Có khi chôn đâu đó rồi quên chỗ đánh dấu, có khi kẻ xấu lén đi theo từ lúc đem chôn trống, rồi chúng đào trộm, bán trống lấy bộn tiền. Trong đại gia đình hơn 50 dân tộc ở Việt Nam ta, người Lô Lô là dân tộc hiếm hoi vẫn đánh trống đồng đều đặn theo đúng nghĩa. Giờ bà con cất trống đồng trong nhà bếp cho chắc ăn, mỗi lúc đem ra dùng phải thắp nhang 3 lần, xin phép tổ tiên.

36 điệu trống đồng cất lên. Vài cậu bé vẫn lồm xồm hở áo mưa xanh ra khỏi lớp cỏ, bèn bị bề trên mắng mỏ… Sợ quá, các chàng lại đi bít chỗ hở bằng từng túm cỏ buộc chặt bởi lạt rừng.

Các điệu nhảy tưng bừng, đắm say, dọc ngang tơi tả, những sợi cỏ xanh to như rỗng phía trong ruột, cùng va vào nhau, tạo nên tiếng lạch xạch như gió thổi qua ngàn cây trong cánh rừng biên giới rậm rì. Trống đồng thiêng, chỉ người chưa vợ hoặc có vợ mà vợ không mang thai mới được đánh. Người Lô Lô theo quan niệm đa thần, vật gì cũng vị thần cai quản ở bên trong…

Từ năm 2012, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã đưa lễ cúng tổ tiên của người xóm Lô Lô (xã Lúng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể quốc gia. Lễ cúng Ma Cỏ (hay còn gọi là lễ Ghà Lu Ngang), thật ra là một hình thức tưởng nhớ tổ tiên rất nguyên thủy, cổ xưa, tâm thức này không quá xa lạ với nhiều dân tộc ở Việt Nam và thế giới. Ở Tây Nguyên, cũng có lễ hội mà họ dùng áo vỏ cây, cỏ khô, rễ cây, mặt nạ che kín toàn thân như thế này. Họ cũng có áo vỏ cây tương tự như người Lô Lô.

Vậy, mỗi nam giới người Lô Lô kia, khi hóa thân thành Ma Cỏ, xanh mướt, trùm xòa, toát mồ hôi cõng cả nhiều vác cỏ tươi (thậm chí sũng nước từ trên núi, thậm chí nhảy múa trong mưa chúng càng ầng ậng nước) là vì họ muốn có một vật dẫn đường cổ xưa (người nguyên thủy, như Ma Cỏ, người mà họ tin "cùng thời" với tổ tiên) giúp tổ tiên tìm đường về phù hộ bản làng, hoặc họ muốn vào vai tổ tiên giúp người chết đi tìm được tổ tiên ở thế giới bên kia. Đó là một nghi lễ đầy nhân văn, với niềm tin sâu sắc vào thế giới xa xanh và niềm tin đắm đuối vào những an lạc của người đã khuất, cũng như sự phù trợ của tổ tiên cho những người đang sống. Điều này, không khác gì lắm so với quan niệm của người Việt và cả phần còn lại của thế giới.

Người Lô Lô thậm chí còn làm các hình người bằng gỗ cài ở trên vách hoặc phía sau bàn thờ để tượng trưng cho người đã khuất, để tưởng nhớ họ. Khi trở thành "bó cỏ khổng lồ", đến cựa quạy có vẻ còn khó khăn, nặng nề như thế; song, nhờ niềm tin tâm linh, lòng thành kính với tổ tiên, các Ma Cỏ vẫn nhảy múa suốt ngày, lúc nào cũng dẻo dai, mềm mại, tung hứng, không biết mệt mỏi. Cái đó, có gì nấy như sự nồng say phiêu diêu của sa-man giáo vậy.

Và chúng tôi cũng phiêu diêu với những người phủ cỏ bí ẩn, những "quái thú" đáng yêu đến từ miền cổ tích nào ấy. Các Ma Cỏ nhảy múa cứ rùng rùng xanh ngợp như trong cõi ảo mộng. Những bước chân xanh lông lá của họ, giăng mắc cùng điệu dân vũ lí lơi của các dáng sơn nữ Lô Lô, các nàng áo xống sặc sỡ, trong tiếng trống đồng trầm hùng… 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem