Ngày 9.7, tham gia tranh tụng trước Tòa Trọng tài Thường trực ở La Hay, Hà Lan, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã tố cáo Trung Quốc “gặm dần” biển của Philippines bằng chiến lược “cải bắp” và “lát cắt salami” nhằm phục vụ cho âm mưu độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.
Ông Rosario tuyên bố trước hội đồng xét xử rằng những hành động trong chiến lược “cải bắp” của Trung Quốc trên Biển Đông ngày càng trở nên quyết liệt hơn và được tính toán cẩn thận từ trước để tránh gây sự chú ý của dư luận toàn cầu.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario
Ông lý giải thêm: “Chiến lược ‘lát cắt salami’ là việc Trung Quốc dần dần thực hiện những bước đi nhỏ để lấn chiếm trên biển, những hành động đó đủ nhỏ để không gây ra cuộc khủng hoảng. Nhưng với những ‘lát cắt’ liên tiếp như thế, Trung Quốc dần dần củng cố sự kiểm soát của họ trên khắp Biển Đông”.
Các quan chức quân sự Trung Quốc cũng từng đề cập tới chiến lược này dưới cái tên “chiến lược cải bắp”, khi ví những khu vực mà họ chiếm được trên Biển Đông sẽ dần bung ra như những chiếc lá bắp cải cuộn ra xung quanh.
Ngoại trưởng Rosario nói rằng những khu vực mà Trung Quốc chiếm giữ trên Biển Đông hiện nay nằm hoàn toàn ngoài phạm vi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý và thềm lục địa của họ, theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Tàu Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông
Ông nhấn mạnh: “Nếu Trung Quốc có thể phớt lờ những giới hạn do UNCLOS đặt ra trên Biển Đông, bất chấp những quyền chủ quyền của Philippines theo Công ước, thì Công ước còn giá trị gì đối với những quốc gia nhỏ hơn trước những người hàng xóm lớn hơn, hùng mạnh hơn, có lực lượng quân sự tốt hơn?”
Ông Rosario kêu gọi Tòa Trọng tài Thường trực phải xem xét vụ kiện của nước này, bởi chiến lược “cải bắp” mà Trung Quốc đang áp dụng ảnh hưởng không chỉ tới Philippines mà còn nhiều quốc gia ven biển khác trong khu vực.
Đáp trả luận điệu của Trung Quốc cho rằng chủ quyền của họ trên Biển Đông là do “lịch sử để lại”, Ngoại trưởng Philippines chất vấn: “Chủ quyền trên biển của một quốc gia là do UNCLOS quy định, hay là có thể dựa trên ‘quyền lịch sử’? Liệu UNCLOS có cho phép một quốc gia tuyên bố chủ quyền chỉ dựa trên yếu tố ‘lịch sử’ hay không, hay là phải tuân theo những điều khoản của Công ước?”
Tàu hải cảnh Trung Quốc lởn vởn quanh giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt phi pháp trong vùng biển Việt Nam hồi tháng 5.2014
Quan chức này kết luận: “Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở những khu vực ngoại phạm vi quy định của UNCLOS đã tạo ra sự bất ổn và nghi ngờ rất lớn trong quan hệ giữa chúng tôi với Trung Quốc và trong khu vực”.
Những tuyên bố hùng hồn trên của Ngoại trưởng Rosario được đưa ra trong phiên tranh tụng đầu tiên về thẩm quyền của Tòa Trọng tài Thường trực xét xử vụ kiện “đường lưỡi bò” trên Biển Đông do Philippines khởi xướng. Phiên tòa này nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận quốc tế, và nhiều quốc gia châu Á đã được tòa cho phép cử quan sát viên tham dự phiên tranh tụng này.
Trí Dũng (Theo PhilStar)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.