Ngày 2.7, ông Antonio Carpio, Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines cho biết trong trường hợp Philippines thắng Trung Quốc trong phiên tòa quốc tế về tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông, nước này vẫn còn cả một chặng đường dài trước mắt để theo đuổi phán quyết của tòa án.
Từ ngày 7.7 đến 13.7 tới đây, Philippines sẽ ra trước Tòa Trọng tài Thường trực để tranh luận với lập trường của Trung Quốc rằng tòa án này không có thẩm quyền xem xét đơn kiện của chính phủ Philippines theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Ông Antonio Carpio phát biểu trong một hội thảo về Biển Đông ở Manila
Tòa Trọng tài Thường trực cũng sẽ xem xét các vấn đề khác liên quan đến thẩm quyền của mình và việc tiếp nhận đơn kiện của phía Philippines, sau đó sẽ ra một phán quyết vào tháng 8 hoặc tháng 9 tới đây.
Sau phiên điều trần được tổ chức vào tháng 11, Tòa Trọng tài Thường trực sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ việc vào quý I.2016.
Philippines bắt đầu đệ đơn kiện lên Tòa Trọng tài Thường trực về tính pháp lý của tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra trong “đường chín đoạn” trên Biển Đông, bao gồm cả khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines. Tuy nhiên, Trung Quốc kiên quyết không chịu theo đuổi vụ kiện này, bất chấp những yêu cầu ra tranh luận của Tòa Trọng tài Thường trực.
Ông Carpio cho biết trong trường hợp Philippines thắng trong vụ kiện này, việc yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của tòa án quốc tế vẫn là một cuộc đấu tranh “nhiều thế hệ”.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình GMA, ông Carpio nói: “Nếu chúng ta thắng, tất cả tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp và Trung Quốc không có quyền ở lại đó nữa, họ phải rút đi. Tất nhiên vấn đề lớn ở đây là thực hiện phán quyết đó như thế nào”.
Tuy nhiên ông Carpio cũng vạch ra chiến lược của Philippines: “Sau khi có phán quyết, chúng ta sẽ dựa vào cộng đồng quốc tế, và cứ mỗi năm lại đề nghị đưa ra một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu Trung Quốc rút đi và tuân thủ pháp luật quốc tế, tuân thủ UNCLOS”.
Ông cũng dẫn ra một số ví dụ về việc một quốc gia nhỏ kiện nước lớn hơn lên tòa án quốc tế, chẳng hạn như vụ kiện của Nicaragua đối với Mỹ về việc khai thác các hải cảng vào thập niên 1970.
Tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản một tàu tiếp tế của Philippines trên Biển Đông
Theo ông Carpio, cũng giống như Trung Quốc, ban đầu Mỹ không thừa nhận thẩm quyền xét xử của Tòa án Quốc tế, cũng không chịu tuân thủ phán quyết của tòa án này rằng Mỹ phải trả 30 triệu USD bồi thường thiệt hại cho phía Nicaragua.
Tuy nhiên, cứ mỗi năm Nicaragua lại đệ trình trước Hội đồng Bảo an một bản nghị quyết yêu cầu Mỹ phải tuân thủ phán quyết của tòa án quốc tế. Trước sự kiên trì của Nicaragua, mỗi năm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Mỹ càng giảm dần, cho đến khi chỉ còn một quốc gia duy nhất là Israel còn ủng hộ Mỹ.
Đến thời ông Victoria Chamorro nhậm chức Tổng thống Nicaragua, Mỹ đã phải nhượng bộ và viện trợ kinh tế cho nước này 500 triệu USD. Ông Carpio nói: “Cuối cùng họ cũng phải tuân thủ. Nếu nhìn vào lịch sử các phán quyết của tòa án quốc tế, tỉ lệ tuân thủ là trên 97%”.
Vị phó chánh án này nói thêm: “Ban đầu họ luôn nói là sẽ không tôn trọng, không tuân thủ phán quyết của tòa án quốc tế, nhưng cuối cùng họ đều phải nhượng bộ. Nhưng điều đó cần thời gian. Vì vậy chúng tôi coi đây là một cuộc đấu tranh lâu dài, thậm chí là nhiều thế hệ. Thế hệ chúng tôi đã giành được phán quyết, thế hệ tiếp theo sẽ thuyết phục thế giới, và thế hệ tiếp theo nữa sẽ khiến Trung Quốc phải tuân thủ...”
Trí Dũng (Theo Inquirer)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.