Trước cơn bão, Isanan - nhân viên an ninh làm tại Cục Hàng không dân sự Tacloban - đã cẩn thận đưa vợ và 4 đứa con tới sân bay Tacloban để tìm chỗ trú ẩn. Nhưng cơn bão Haiyan cuồng nộ mang theo gió mạnh và nước lũ đã cuốn trôi 3 đứa con ngay trong vòng tay anh. Sáng 9.11, thi thể của 2 con gái anh đã được tìm thấy. Cô con gái đầu của anh vẫn mất tích.
“Tôi thậm chí vẫn còn giữ một vài sợi tóc của con gái trên tay”, Isanan đau đớn nói. Anh móc tấm ảnh gia đình quây quần mà anh chụp bằng điện thoại trước cơn bão cho biết: “Nó còn chơi và lè lưỡi khi tôi chụp ảnh”.
Cảnh hoang tàn của thành phố Tacloban, nơi chịu thiệt hại nặng nhất của siêu bão Haiyan.
Sau cơn bão Yolanda (tên quốc tế là Haiyan), thành phố Tacloban, thủ phủ đảo Leyte miền đông Philippines trở nên tan hoang như hứng chịu một trận sóng thần khủng khiếp. Không ngôi nhà nào còn nguyên vẹn. Đường sá hầu hết bị hư hỏng, tất cả mạng lưới liên lạc, ngoại trừ điện thoại vệ tinh, đều bị cắt đứt. Thực phẩm, nước uống và thuốc men đều khan hiếm.
Trong không khí chết chóc và tang thương ở khắp nơi, một tia hy vọng lóe sáng với tiếng khóc chào đời của một bé gái. Chị Riza Jaro đã quyết định đặt tên con mình theo cơn bão - “Yoonadale”. Jaro là cư dân thị trấn San Jose ở Tacloban. Chị lên cơn đau đẻ đúng lúc tất cả các bệnh viện cơ sở y tế đều đóng cửa vì bị tàn phá bởi cơn bão Yolanda. Bà mẹ trẻ 18 tuổi này may mắn gặp một nhóm các nhân viên cứu hộ quân sự giữa lúc tuyệt vọng trong cơn đau. Ngay lập tức, Jaro được đưa đến trạm y tế dã chiến vừa được dựng lên ở sân bay. Cô lâm bồn ngay tại đây, trên đống giấy tờ ngập trong bùn đất và những đống đổ nát. Sự ra đời của Yoonadale là biểu tượng mang lại tia hy vọng cho các nạn nhân nơi đây.
Mỗi khi nhìn lên trên bầu trời và nghe tiếng ầm ầm của máy bay quân sự hạ cánh trên đường băng, một tia hy vọng sống lại lóe lên với người dân Tacloban.
“Sự tàn phá ở đây là tuyệt đối” - Bộ trưởng Nội vụ Philippines Manuel Roxas II thốt lên khi ông và đoàn công tác tới sân bay Tacloban. Chiếc máy bay vận tải quân sự C130 chở ông cũng mang theo nhiều đồ cứu trợ.
Giữa đoàn người xếp hàng nhận đồ cứu trợ, chị Mikan Santos sống gần sân bay cho biết, điều duy nhất mà chị cần lúc này là “phải sống sót”.
Một quan chức cảnh sát tỉnh Leyte cho biết số người thiệt mạng có thể lên tới 10.000. Tuy nhiên, các cơ quan chính phủ chưa xác nhận con số trên. Thông tin chính thức từ Hội Chữ thập đỏ Philippines là số người chết có thể lên tới 1.200 người.
Minh Đăng (Minh Đăng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.