Philippines tố Trung Quốc xây đường băng ở Gạc Ma của Việt Nam

Thứ tư, ngày 14/05/2014 10:37 AM (GMT+7)
Theo Reuters, ngày 14.5, Bộ Ngoại giao Phillipines cáo buộc Trung Quốc tiến hành cải tạo đất trên một bãi đá ngầm ở Biển Đông và nhiều khả năng sắp xây dựng một đường băng.
Bình luận 0
Phát ngôn viên bộ trên, Charles Jose cho biết trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã vận chuyển đất và vật liệu tới bãi Johnson (Việt Nam gọi là Gạc Ma, Trung Quốc gọi là Xích Qua Tiêu) thuộc quần đảo Trường Sa và đang tiến hành cải tạo đất đai - hành động vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).

"Họ đang chuẩn bị xây một đường băng", ông Jose nói, đồng thời cho biết thêm rằng các bằng chứng về hoạt động của Trung Quốc tại bãi đá này nằm trong những bức ảnh do Hải quân Philippines chụp lại.

Không ảnh của NASA chụp cụm Sinh Tồn, có đá Gạc Ma (điểm cuối phía nam) và Tư Nghĩa, tại quần đảo Trường Sa.

Hình ảnh chụp cụm Sinh Tồn tại quân đảo Trường Sa của Việt Nam từ trên không do NASA chụp lại, trong đó bãi Gạc Ma nằm ở điểm cuối phía nam.

Gạc Ma là một bãi đá, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ năm 1988.

Theo ông Jose, Bộ Ngoại giao Philippines đã trao công hàm phản đối Trung Quốc, đồng thời nêu vấn đề này trong cuộc họp kín tại Hội nghị cấp cao lần thứ 24 của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra tại Myanmar cuối tuần trước.

Truyền thông Đài Loan hôm 5.5 cũng đưa tin quân đội Trung Quốc có thể đang xây dựng công trình quân sự trên đá Gạc Ma tại Trường Sa, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.Theo các ảnh mới xuất hiện, Trung Quốc được cho là tiến hành lấp biển, đổ đất quy mô lớn trên Gạc Ma và chuẩn bị xây dựng cở sở vật chất tại đây, trang tin Duowei News của người Trung Quốc hải ngoại và Want China Times của Đài Loan cho biết.

Một số chuyên gia quân sự nhận định, hải quân Trung Quốc có thể sẽ xây dựng một sân bay mới trên đảo, nhằm tăng cường khả năng tham chiến của quân đội nước này tại Biển Đông. Căn cứ quân sự ở Gạc Ma sẽ là yếu tố quan trọng thay đổi cục diện chiến lược tại khu vực quần đảo Trường Sa, từ đó tăng cường sức mạnh không quân của Bắc Kinh trong các yêu sách chủ quyền phi lý của họ.

Vietnam+/VnExpress (Theo Vietnam+/VnExpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem