Đằng sau 4 tác phẩm được giải thưởng: Như hạt phù sa, Bảy Cồ Đồng Tháp, Nét văn hóa trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và Khát vọng Người, những người trong cuộc cho biết, mỗi thước phim đắt giá đều là thành quả của những giọt mồ hôi, hòa mình vào cuộc sống của nhân vật để trải nghiệm và kiếm tìm các chi tiết đắt giá.
Phim Nét văn hóa trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh
Những chi tiết “đắt xắt ra miếng”
Trong số 4 phim này, Như hạt phù sa đạt giải A; Bảy Cồ Đồng Tháp đạt giải B; Nét văn hóa trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và Khát vọng Người đạt giải C .
Mỗi thước phim là một câu chuyện cảm động về những cuộc đời, phẩm chất có sức lan tỏa trong cộng đồng.“Làm phim tài liệu để thuyết phục người xem thì mỗi chi tiết, cảnh quay đều cần thực hiện tỉ mỉ và không thể ăn xổi, vội vàng”, biên kịch trẻ Bạch Hoàng Đạt nói khi chia sẻ về hai bộ phim Như hạt phù sa và Bảy Cồ Đồng Tháp mà anh là biên kịch.
Giải A Như hạt phù sa là phim tài liệu video được đánh giá cao về nội dung và chất lượng nghệ thuật, là câu chuyện kể về một con người mà cả cuộc đời mang trên mình bộ quân phục Bộ đội Cụ Hồ: CCB, Đại tá, AHLLVTND Nguyễn Văn Hoàng (tên thân mật là Ba Hoàng). Ông luôn tâm niệm phải sống sao cho “Trọn nghĩa nước non, vẹn tình đồng đội”.Từng chi tiết sống động, góc quay chân thực đã khắc họa chân dung ông như hạt phù sa sông Hậu cần mẫn, âm thầm đắp bồi cho đất để mang lại những mùa quả ngọt.
Tuổi trẻ của Ba Hoàng là những năm tháng đi qua nhiều trận đánh. Sau khi rời quân ngũ, hàng chục năm ông giữ cương vị Chủ tịch Hội CCB huyện Phong Điền (TP. Cần Thơ). Ông đã vận động xây dựng hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa cho đồng đội. Ông cũng là người khởi xướng, vận động các CCB rước ảnh Bác Hồ về thờ tại gia đình. Phong trào này sau lan rộng ra khắp huyện Phong Điền. Nhân vật Ba Hoàng cũng là người đi đầu vận động nhân dân làm đường giao thông nông thôn và đứng ra bảo lãnh giúp hàng trăm CCB đủ điều kiện vay vốn để phát triển kinh tế. Đồng đội và bà con trìu mến gọi ông với danh xưng: Anh Ba nghĩa tình.
Khó khăn nào cũng vượt qua, lời dạy của Bác là hành trang của Ba Hoàng cùng đồng đội trên hành trình tháo gỡ những khó khăn. Biên kịch Bạch Hoàng Đạt chia sẻ, để khai thác những chi tiết đắt giá về nhân vật không hề đơn giản. Trong quá trình tiếp xúc với nhân vật, Bạch Hoàng Đạt tìm thấy cảm xúc ở chính những việc làm thực tế của ông Ba Hoàng, như cái cách để ông thực hiện lời thề người lính: Không bỏ đồng đội trong bất cứ một hoàn cảnh nào. “Với sức lan tỏa từ chính lối sống của mình, tâm niệm của người CCB rằng “mỗi ngày nhìn thấy Bác như nhìn thấy một tấm gương sáng” đã thuyết phục những người xung quanh ông, từ đó đã hình thành phong trào rước ảnh Bác Hồ về thờ tại gia đình, trong đó có những người theo công giáo ở Cần Thơ cũng đã tự nguyện làm theo. Đây là những chi tiết đắt, khiến cho cả ê kip rất tâm huyết và cố gắng thể hiện một cách thuyết phục nhất”, biên kịch Bạch Hoàng Đạt chia sẻ.
Phim Bảy Cồ Đồng Tháp
Gặp gỡ những người bạn, đồng đội, những người được ông Ba Hoàng giúp đỡ, lắng nghe họ kể nhiều câu chuyệ nhấp dẫn về ông chính là cách mà nhà biên kịch trẻ sinh năm 1986 này thực hiện. Qua đó, anh đã góp nhặt từng chi tiết sống động về tấm gương người lính cụ Hồ thời hậu chiến.
Còn đạo diễn Vũ Minh Phương thì chia sẻ, Như hạt phù sa được đánh giá cao không chỉ bởi các thủ pháp nghệ thuậttự nhiên, sống động mà chính là những chi tiết đắt giá mà trước đó chưa có tác phẩm nào khai thác. Bộ phim đi vào lòng người một cách dung dị và sâu lắng cũng nhờ cách khai thác và thể hiện có chiều sâu về tình cảm mà nhân dân miền Nam dành cho Bác Hồ kính yêu.
“Phim tài liệu có ưu thế đặc trưng là tính chân thực. CCB Ba Hoàng trở về sau quân ngũ, trở thành người nông dân thuần phác, hồn hậu đã được khắc họa trong phim bằng những chi tiết rất thật như đôi chân lội bùn, màu bùn đất nhuốm cả vào màu móng, rất mộc mạc và không hề phải diễn...”, đạo diễn nói.
Vũ Minh Phương cũng kể, ở nhiều bối cảnh, chi tiết phải tái hiện lại, êkip đã được nhân dân nhiệt tình giúp đỡ thực hiện như hình ảnh xây nhà tình nghĩa, làm đường trong ấp nhờ sự vận động của ông Ba Hoàng. “Đặc biệt khi tái hiện lại cảnh quay ở thời điểm trước đó vài năm, cần hàng trăm ảnh Bác, người dân địa phương cũng đã giúp đoàn phim hoàn thành công việc một cách nhanh chóng...”, đạo diễn Vũ Minh Phương nhớ lại.
Sống cùng nhân vật
Biên kịch trẻ Bạch Hoàng Đạt tiết lộ thêm, để thuyết phục các nhân vật cởi mở chia sẻ tâm tư cũng không đơn giản. “Sống cùng nhân vật, trải nghiệm từng chi tiết và hơi thở trong cuộc sống đời thường của họ là cách mà tôi lựa chọn. Dù phải dành nhiều thời gian nhưng nhờ vậy, tôi có được sự tin tưởng, yêu mến và hết lòng giúp đỡ từ chính các nhân vật của mình...”, anh nói.
Ở phim tài liệu Bảy Cồ Đồng Tháp (đạo diễn Phạm Hồng Thắng), ngay từ khâu chuẩn bị kịch bản, Bạch Hoàng Đạt đã bước vào đời sống nhân vật để nắm bắt nhiều chi tiết sâu sắc mà những tác phẩm về ông trước đây chưa hề khai thác. Nhân vật chính trong phim là Đại tá, AHLLVTND Nguyễn Văn Bảy -phi công phản lực thuộc lớp đầu tiên giao chiến với không lực Mỹ. Trong giai đoạn 1965-1968, chỉ với Mig17, phi công Nguyễn Văn Bảy đã bắn rơi 7 máy bay hiện đại của Mỹ trên bầu trời Việt Nam. Về với đời thường, CCB này tiếp tục lao động, cống hiến xây dựng quê hương, đất nước.
Phim Như hạt phù sa
“Đề tài người lính rời quân ngũ trở về đời thường quá quen thuộc rồi, nhưng tôi vẫn thuyết phục cấp trên đồng ý để tôi thực hiện một kịch bản mới. Những chi tiết đắt giá sau đó đã trở thành chất liệu giá trị cho bộ phim, nhưng ít ai biết được bằng cách nào mà tôi lại có chúng. Tôi đã sống hai tuần cùng nhân vật tại một căn nhà ở vùng Đồng Tháp Mười, xung quanh là đồng không mông quạnh. Cuộc sống ngày thường chỉ có hai vợ chồng, bỗng xuất hiện tôi, mỗi ngày cùng ông Bảy Cồ ra đồng cấy lúa, bắt cá,về nhà ăn cơm, uống rượu rồi đi ngủ..., có lẽ vậy nên ông đã rất cởi lòng với tôi”,biên kịch Bạch Hoàng Đạt kể chuyện.
Anh còn “khoe”, trước đó có những đoàn phim đến gặp thì ông bảo “tôi làm gì cứ ghi hình lại, chứ cũng không có gì để nói”. Nhưng với ê kip của Điện ảnh Quân đội thì khác, “chúng tôi đề nghị gì ông cũng chiều theo. Điều đó khiến đoàn phim và cá nhân tôi vô cùng xúc động”.
Ở bộ phim Như hạt phù sa, cảm tình của nhân vật chính cũng đã giúp tác giả trẻ này được tin tưởng, quý mến. “Ông Ba Hoàng ở tuổi gần 80 vẫn ngày ngày đón tôi tại trụ sở của Quân đội ở Ninh Kiều (Cần Thơ) và chở xe gắn máy xuống Phong Điền, cách đó khoảng 30 cây số để tôi làm việc...”, Bạch Hoàng Đạt chia sẻ.
Có lẽ vậy mà những thước phim tài liệu của Điện ảnh Quân đội đã luôn chạm đến cảm xúc của người xem, không chỉ bởi sự kỹ lưỡng ở từng khâu sáng tạo mà hơn thế, còn là cái tình được các nhà làm phim trẻ gửi gắm qua hình ảnh từng nhân vật.
Cùng với Như hạt phù sa, Bảy Cồ Đồng Tháp, tại Giải thưởng này, Điện ảnh QĐND cũng được trao hai giải C cho các phim Khát vọng Người (đạo diễn, NSƯT Phạm Huyên) và Nét văn hóa trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh (đạo diễn, NSND Lưu Văn Quỳ). Khát vọng Người chạm đến trái tim người xem bởi hình ảnh những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, mỗi người đều mang trong mìnhnhững nỗi đau nhưng vượt trên tất cả là nỗi khát khao trở thành người có ích.
Phim Nét văn hóa trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh
Phim Khát vọng Người
Nét văn hóa trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là tác phẩm tài liệu khắc họa hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội. Trong tư tưởng của Người không có ranh giới giữa phương Đông- phương Tây mà chỉ có tự do, bình đẳng, hạnh phúc và quyền lợi cho con người...
Hà Ngân (baovanhoa.vn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.