“Phim thị trường là a dua, phim đặt hàng là ăn bớt”

Thứ năm, ngày 22/01/2015 16:01 PM (GMT+7)
Đạo diễn Khải Hưng cho rằng phim Việt đang rơi vào hai thái cực: “Nếu là thị trường thì a dua. Nếu là phim đặt hàng thì ăn bớt!”
Bình luận 0
Dù đã nghỉ hưu nhưng đạo diễn Khải Hưng vẫn khá bận rộn với những dự án phim của mình. Ở ông vẫn rực cháy ngọn lửa đam mê dành cho điện ảnh. Niềm đam mê ấy khiến ông luôn trăn trở với điện ảnh nước nhà cùng những ý tưởng sáng tạo mà người trẻ không dễ theo kịp.


Mới đây, đạo diễn Khải Hưng đã có những đánh giá thẳng thắn và quyết liệt về điện ảnh Việt. Theo ông, phim Việt đang rơi vào hai thái cực: “Nếu là thị trường thì a dua.Nếu là phim đặt hàng thì ăn bớt!”.

Là “cha đẻ” của Văn nghệ chủ nhật với những bộ phim gây được tiếng vang lớn như Mẹ chồng tôi, Lời nguyền của dòng sông… Thời gian vừa qua, đạo diễn Khải Hưng lại tất bật với những bộ phim 1 tập chiếu trên truyền hình. Phải chăng ông đang lặp lại chính mình?

- Đạo diễn Khải Hưng: Lặp lại mình là điều chẳng ai làm văn nghệ muốn cả. Làm mới mình chính là điều ai cũng muốn hướng tới. Tôi cũng vậy, tuy tuổi cao, sức yếu… nhưng sáng tạo thì không bất lực đâu!

Vả lại, cuộc sống hôm nay khác xa hai mươi năm về trước. Có những cái phải tìm mãi mới hiểu được. Vậy cuộc sống vẫn còn nhiều điều thú vị đấy chứ?

img
Đạo diễn Khải Hưng,“cha đẻ” của Văn nghệ chủ nhật với những bộ phim gây được tiếng vang lớn như Mẹ chồng tôi, Lời nguyền của dòng sông...

Có lẽ, những khán giả quen thuộc của dòng phim 1 tập thời Văn nghệ chủ nhật thấy Khải Hưng luôn trăn trở với những bộ phim về đề tài nông thôn. Nhưng những bộ phim của ông thời gian gần đây dường như lại chú ý đến những chuyện khá “thị thành” như chuyện đồng tính, ngoại tình… có phải lựa chọn những đề tài như vậy là hấp dẫn và nóng hơn không, thưa ông?

- Đạo diễn Khải Hưng: Chắc bạn muốn nói tới Phim Tái sinh mà tôi sắp làm? Đúng! đây là đề tài về đồng tính nữ. Thực ra ở thế hệ tôi, cụm từ "Đồng tính" gần như chưa biết tới. Một sự tình cờ làm đảo ngược suy nghĩ của tôi. Đó là cách đây 2 năm, tôi đi quay ở vùng quê và gặp một cô gái người miền Nam. Cô ta là ca sỹ. Hai đoàn làm phim gặp nhau tại một bối cảnh. Đoàn phim của cô ca sỹ đang làm phim ca nhạc về những bài hát của cô ấy. Với cách ăn nói nhẹ nhàng của phụ nữ miền Nam khiến chúng tôi nhường bối cảnh. Lúc ăn trưa cô gái gặp tôi cảm ơn, thật tá  hỏa! Hoá ra cô ấy không phải là cô gái mà là chàng trai!!!

Không giấu diếm, cô tâm sự về cuộc đời cô với đầy trắc ẩn. Cũng từ đó, tôi lên mạng và tìm hiểu về những người đồng tính. Rồi sách báo, phim ảnh rộ lên đề tài đồng tính và đến cả Quốc hội cũng mang ra thảo luận về việc này. Đã có những phim làm về đồng tính. Nhưng Tái sinh mô tả ở một góc khác: Một cô gái đã gồng mình thoát khỏi giới đồng tính, chính bằng tình yêu.
 
Kịch bản được viết bởi một sinh viên cũ của tôi. Chúng tôi đã sửa chũa tới cả chục lần. Tôi hài lòng với kịch bản, nhưng bộ phim còn là con đường chông gai trước mặt.

Đã hơn một lần ông khẳng định: Truyền hình là truyền hình, điện ảnh là điện ảnh, chả việc gì phim truyền hình phải cố đạt cho được... tính điện ảnh làm gì. Vậy theo ông, sự khác biệt lớn nhất giữa phim truyền hình và phim điện ảnh là gì?

- Đạo diễn Khải Hưng: Phim Truyền hình khác với phim điện ảnh nhưng cái khác đó là phim truyền hình dài tập, phim dài tập của truyền hình luôn coi thoại quan trọng hơn hình, bất cứ sự kiện nào trong phim đều được lặp lại nhiều lần ở các tập khác nhau.

Các khác biệt khác khi kỹ thuật phát triển là ngày nay điện ảnh không còn dùng phim nhựa để quay, để chiếu nữa thì việc sản xuất điện ảnh và truyền hình là giống nhau. Lại nữa, điện ảnh luôn lựa chọn đề tài dành cho người xem (để bán vé). Truyền hình phát phim cũng dành cho các đối tượng khác nhau, phát giờ khác nhau (nhằm thu quảng cáo). Vậy khoảng cách khác biệt giữa phim điện ảnh và truyền hình là rất ngắn.

Còn với phim truyền hình 1 tập, khoảng cách ngắn, dài này phụ thộc hoàn toàn ở đạo diễn. Phim truyền hình 1 tập là phim của đạo diễn, còn phim dài tập phụ thuộc nhiều ở kịch bản.

Tôi nghĩ, đã là đạo diễn được đào tạo bài bản ai cũng muốn có cơ hội làm phim 1 tập, đó là phim của chính mình.

Nổi tiếng với rất nhiều bộ phim sâu sắc về nội dung, kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ nhưng chưa bao giờ thấy ông sản xuất phim chiếu rạp? Ông không quan tâm đến phim chiếu rạp hay do thấy mình không phù hợp với dòng phim thị trường này?


- Đạo diễn Khải Hưng: Tôi chưa tự tin với khả năng “thị trường” của mình nên chưa nghĩ đến làm phim chiếu rạp. Hơn nữa, với tôi quan trọng là người xem. Chắc chắn số người xem ở truyền hình gấp nhiều lần số người xem rạp.

Ông có hay mua vé vào rạp để xem phim của các đạo diễn Việt Nam?


- Đạo diễn Khải Hưng: Một lần duy nhất, còn các phim khác được xem với tư cách giám khảo hoặc khách mời.

Theo ông, điểm yếu nhất của phim điện ảnh Việt Nam hiện nay là gì?


- Đạo diễn Khải Hưng: Nếu là phim thị trường là a dua, nếu là phim đặt hàng là ăn bớt!

Ông có thể lý giải rõ ràng vấn đề a dua và ăn bớt như ông nhận xét không?

- Đạo diễn Khải Hưng: Phim thị trường (cái tên được đặt trong vài năm gần đây), ai đó có thể coi thường loại phim này nhưng tôi thì coi trọng vì có nó mới thúc đẩy nền điện ảnh nước nhà trở thành công nghiệp làm phim. Đã là thị trường là phải cạnh tranh, một người làm phim ma thành công liền kéo theo vài nhà sản xuất làm tiếp ma... đó là ma a dua. Một người làm phim đồng tính thành công kéo theo nhiều nhà làm phim lao vào đề tài này (trong đó có tôi), đó là đồng tính a dua. Có thể ai đó thất bại nhưng thị trường khôn ngoan lắm, nó sẽ tự điều chỉnh vì tiền túi bỏ ra mà...

Còn phim đặt hàng của nhà nước, hầu hết gói thầu này rơi vào tay các hãng phim nhà nước, gần nửa cái bánh của nhà nước rót cho phim đặt hàng để trả lương cho người của Hãng (mặc dù lương này khiêm tốn lắm), một phần phải đi lo quan hệ để còn thanh quyết toán chứ, cái bánh chỉ còn non nửa để cho Phim ăn..., thế kiểu làm phim này gọi là gì nhỉ?

Theo ông, những bộ phim truyền hình 1 tập mà nhà đài sản xuất  trong thời gian vừa qua thiếu điều gì để có thể công chiếu tại các rạp chiếu phim trên toàn quốc?

- Đạo diễn Khải Hưng: Việc này sẽ mang tính đột phá lớn, một sức cạnh tranh và có nhiều đất cho đạo diễn trẻ tham gia.

Nếu bộ phim truyền hình 1 tập có kịch bản tốt, được đầu tư gấp 3, 4 lần như hiện nay, phương tiện quảng bá lại “của nhà trồng được”, phim truyền hình 1 tập sẽ có 2 phiên bản: chiếu rạp và chiếu truyền hình (độ dài khác nhau). Như vậy lợi cả đôi đường...

Rạp có thêm phim Việt chiếu mà truyền hình có phim hay!

Xin cảm ơn ông!

(Theo Giáo Dục Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem