Không những thế, chất lượng cũng bị đánh giá là xuống dốc. Cần phải làm gì để cải thiện thực trạng u ám này?
Bứt phá số lượng, tụt dốc chất lượng
Ngoài hai đơn vị được coi là chuyên nghiệp là Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) và Hãng phim Truyền hình thành phố HCM (TFS) thì sự ra đời của hơn 30 hãng phim tư nhân đã tạo sức sống mới cho hoạt động của phim truyền hình Việt. Phong trào đài đài làm phim, nhà nhà làm phim đã giúp phim truyền hình có sự "bứt phá" về số lượng.
“Bão qua làng”, bộ phim về nông thôn hiếm hoi của năm 2014.
Nếu cách đây khoảng 10 năm, ước tính mỗi năm cả nước chỉ làm khoảng hơn 50 tập phim, thì hiện nay con số này lên tới hơn 2.000. Tuy nhiên, số lượng không tỉ lệ thuận với chất lượng. Trong năm vừa qua, truyền hình chứng kiến sự tụt dốc không phanh của dòng phim chính luận. Một vài cái tên như “Làng Ma - 10 năm sau”, “Bão qua làng”... không đủ sức để vực dậy dòng phim chính luận vốn chìm nghỉm giữa những bộ phim giải trí.
Năm 2014 được xem là năm nở rộ của những bộ phim về đề tài tình yêu, gia đình và quan niệm sống của giới trẻ. Hàng loạt những bộ phim mang tính giải trí cao như “Lấy chồng trước Tết”, “Viết tiếp bản tình ca”, “Yêu đến tận cùng”, “Lời thì thầm từ quá khứ”, “Trái tim có nắng”, “Bên ngoài khung cửa nhỏ”… lên sóng liên tục. Sự đa dạng hóa đề tài là điều bắt buộc trong quá trình chuyên nghiệp hóa phim truyền hình, nhưng điều này không thể là sự bao biện cho việc mất cân đối trầm trọng tỉ lệ giữa các dòng phim.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho rằng, sự vắng mặt của dòng phim chính luận - vốn là thế mạnh của các đơn vị chuyên nghiệp như VFC, TFS đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng phim truyền hình. “Các phim về đề tài chính luận, nông nghiệp - nông thôn rất ít xuất hiện. Một vài bộ phim không đủ sức phản ánh được hiện thực đời sống chính trị, xã hội đang nóng lên từng ngày.
Số lượng ít là điều hoàn toàn có thể hiểu và chấp nhận. Nhưng đã ít, chất lượng lại không đến đầu đến đũa thì là điều rất khó để bao biện. Phim truyền hình đang bị tầm thường hóa về ngôn ngữ, thiếu nhân vật điển hình, được phát sóng nhiều khi do mối quan hệ của đạo diễn chứ không do chất lượng. Các nhà sản xuất đang nói quá nhiều, nói rất hay, nhưng làm thì ngược lại. Thành ra, công chúng lại vẫn là đối tượng phải “hưởng” hết những bộ phim dở”.
Vị đạo diễn “Ma làng” cho rằng cơ chế làm việc theo hình thức “khoán” của các nhà đài là một trong số những nguyên nhân kéo tụt chất lượng phim.
Giá trung bình hiện nay nhà sản xuất nhận được vào khoảng 180 triệu đồng/ tập. Việc đặt giá đồng hạng cho mọi loại phim không phân biệt về bối cảnh, quy mô đã buộc đoàn làm phim phải giản tiện mọi chi phí đến mức tối đa. Chất lượng vì thế bị bỏ rơi bởi nhà sản xuất đang lo cân đối việc thu chi. Kịch bản - khâu then chốt trong việc quyết định chất lượng một bộ phim truyền hình nhận được rất nhiều than thở.
Việc thiếu kịch bản hay trầm trọng dẫn đến thực trạng phải “nhập khẩu” số lượng lớn kịch bản từ các nền điện ảnh tiên tiến như Hàn Quốc, Nhật Bản... Tuy khiên, dù phim các nước có hay đến đâu thì việc chuyển thể gặp rất nhiều vấn đề. Các yếu tố về đời sống xã hội, rào cản văn hóa… đã làm các bộ phim này “không phù hợp” nên không nhận được cái gật đầu của khán giả về chất lượng....
Vừa quay vừa đợi kịch bản
"Số lượng phim ngày càng nhiều buộc kịch bản phải ào ào ra đời để đáp ứng, nhưng những người biên kịch chuyên nghiệp có tay nghề thì chẳng có mấy ai. Nhiều khi, lịch phát sóng và kế hoạch sản xuất của phim đã được định sẵn buộc đạo diễn và đoàn làm phim không thể chờ cho xong kịch bản, phải quay trước. Được tập nào thì hay tập ấy, vừa quay vừa đợi kịch bản....
Kịch bản "nóng hổi" không có thời gian biên tập, tại trường quay đạo diễn vừa chỉ đạo quay phim, vừa ngồi sửa. Đây là một trong những bi kịch của việc thương mại hóa phim ảnh. Nhiều kịch bản đề tên các biên kịch nổi tiếng nhưng không phải do họ viết. Họ giao cho một nhóm "đệ tử" vốn non yếu tay nghề. Cứ kiểu làm ăn tạm bợ như thế, kịch bản hay chỉ có trong mơ”, nhà văn Phạm Ngọc Tiến, một biên kịch kì cựu lên tiếng.
Ở dòng phim chính luận, nhà biên kịch này cho rằng, đây là đề tài rất thu hút và các biên kịch giỏi đều muốn thử sức mình ở “mảnh đất” màu mỡ này, nhưng: “Hiện tại tôi cho rằng ít biên kịch dám thử sức với những đề tài nóng. Với bản thân tôi, thấy thế hệ biên kịch như mình đã già, đã có dấu hiệu oải. Tôi vẫn tham gia viết cho dòng phim chính luận, nhưng là một “chính luận” của dĩ vãng. Cụ thể hơn, tôi đang hợp tác với đạo diễn Lưu Trọng Ninh làm phiên bản truyền hình của “Bến không chồng”, hứa hẹn sẽ ít nhiều cải thiện được chất lượng của dòng phim chính luận hiện nay”.
Đi tắt, đón đầu
Đem thực trạng phim truyền hình trao đổi với các nhà quản lý, đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc VFC thẳng thắn thừa nhận: “Việt Nam chưa có nền tảng về đội ngũ làm phim truyền hình bài bản và chuyên nghiệp. Phần lớn đều từ một lĩnh vực nào đó chuyển sang. Chúng ta chưa có một ngành sản xuất phim như các nước phát triển mà chỉ tồn tại những đơn vị sản xuất nhỏ lẻ”. Tình trạng chung là các đơn vị sản xuất phim tư nhân phải thuê mướn lại đội ngũ nhân lực của các hãng phim và sự cẩu thả là điều khó tránh khỏi.
Thay vì làm một bộ phim trong vòng một năm thì giờ đây, các nhà làm phim chỉ làm trong vòng vài tháng, thời gian còn lại, họ có thể tiếp tục hợp tác với các Cty khác để kiếm thêm thu nhập. Vô hình chung, điều này khiến tốc độ sản xuất phải rất nhanh và chắc chắn khi đó chất lượng sẽ bị buông lỏng. Phim truyền hình Việt Nam cũng đang đối mặt với tình trạng các nhà làm phim thiếu kỹ năng làm việc.
Mới đây, “Người cộng sự” - dự án phim hợp tác giữa Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình Nhật Bản, được coi là bước đi ban đầu tiếp cận với thị trường phim quốc tế. Nhưng khi bắt tay vào thực hiện, các nhà làm phim Việt đã lộ rõ sự non nớt trong tay nghề của mình so với nước bạn. “Chúng ta đang rất thiếu nhà sản xuất phim truyền hình chuyên nghiệp. Bởi họ là những người biết cách tìm kiếm nguồn đầu tư, nắm rõ thị hiếu của khán giả. Hơn nữa, chính nhà sản xuất sẽ là những người vừa biết bảo vệ quan điểm sáng tác của đạo diễn, vừa biết điều phối cắt hoặc thêm cảnh phim hợp lý, hấp dẫn”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói thêm.
Khá lạc quan, đạo diễn - NSƯT Trọng Trinh, Trưởng phòng Nội dung 3 VFC cho biết, trong năm tới sẽ có những cái nhìn lạc quan hơn về phim truyền hình: “Hiện chúng tôi đã đặt ra lộ trình để tiến tới mục tiêu phim truyền hình Việt Nam sẽ ngang bằng với phim của các nước top đầu trong châu lục. Có thể là 5 năm và thậm chí là 10 năm nữa. Hiện đang có những kế hoạch hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc… Đây là cách đi tắt, rèn nghề nhanh để rút ngắn lộ trình phát triển phim truyền hình Việt Nam”....
Có thể trong năm qua, đề tài về nông nghiệp - nông thôn chưa thực sự nổi bật trên phim truyền hình. Nhưng khán giả cũng phải thông cảm cho người làm nghề, lúc thăng lúc trầm là chuyện phải có. Nhưng đây là đề tài được xem là chiến lược của VFC, nên khán giả cứ yên lòng, một nông thôn mới sẽ được lên sóng truyền hình trong năm tới. Chúng tôi cũng muốn có cái nhìn đa chiều về vấn đề nông nghiệp - nông thôn nên các kế hoạch sản xuất phim sẽ hướng đến một nông thôn đa chiều. Đó là một nông thôn đầy khó nhọc trong quá khứ, nhiều biến động trong hiện tại, và tất nhiên, sẽ có những hình ảnh tươi sáng của người nông dân trong tương lai...”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói.
(Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.