Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh gợi mở 6 vấn đề phát triển công tác Hội và phong trào nông dân
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh gợi mở 6 vấn đề phát triển công tác Hội và phong trào nông dân
Khương Lực
Thứ sáu, ngày 03/01/2025 19:48 PM (GMT+7)
Chiều 3/1, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị Ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh lần thứ 5 - khóa X (mở rộng) nhằm tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tại hội nghị Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh lần thứ 5 - khóa X (mở rộng) diễn ra chiều 3/1, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh cho biết, đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã cài đặt và kích hoạt được 76.243 tài khoản Nền tảng số Nông dân Việt Nam cho hội viên, nông dân, đạt 145,5% so với chỉ tiêu Trung ương giao.
Kích hoạt 76.243 tài khoản Nền tảng số Nông dân Việt Nam cho hội viên, nông dân
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Nguyễn Thị Lệ Tuyết - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh cho biết, thực hiện Chương trình công tác năm 2024 của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh trong bối cảnh chung có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít những khó khăn thách thức đan xen. Đặc biệt, hậu quả của cơn bão số 3 (bão Yagi) đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống của cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Bà Nguyễn Thị Lệ Tuyết - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh phát biểu khai mạc hội nghị Ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh lần thứ 5 - khóa X (mở rộng), diễn ra chiều 3/1/2025. Ảnh: Khương Lực
Tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, cố gắng vượt khó vươn lên của cán bộ, hội viên trong tỉnh, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
"Tổ chức Hội Nông dân các cấp đã không ngừng được xây dựng, củng cố và kiện toàn; xứng đáng với vai trò là đoàn thể chính trị - xã hội của giai cấp nông dân trong tỉnh, là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy và chính quyền địa phương; thể hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nông dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nông dân" - bà Tuyết nhận định.
Theo bà Tuyết, chất lượng cán bộ Hội được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt, việc ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả quy định về việc Ủy viên Ban chấp hành Hội Nông dân các cấp tỉnh Bắc Ninh định kỳ dự sinh hoạt tại các chi Hội Nông dân mang lại hiệu quả tích cực.
Trong năm 2024, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã kết nạp được 1.558 hội viên mới đạt 103,8% so với kế hoạch; nâng tổng số hội viên toàn tỉnh là 165.858 hội viên. Các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giảu và giảm nghèo bền vững" luôn được các cấp Hội quan tâm, tổ chức triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục.
Kết quả, có 124.200 hộ đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Qua bình xét cuối năm, toàn tỉnh có 73.537 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi (chiếm 59,3% so với số hộ đăng ký).
Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã thành lập Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tỉnh Bắc Ninh; hướng dẫn Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố thành lập 8 Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện; 3 Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã.
Thông qua phong trào đã tạo điều kiện để nông dân tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật và ứng dụng vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác. Từ đó, thu nhập và đời sống của nông dân từng bước được cải thiện, số hộ có kinh tế khá và giàu tăng lên; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về thành lập Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp; Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã vận động, hướng dẫn thành lập mới 14 chi Hội và 119 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp. Đến nay, tổng số Chi Hội nghề nghiệp đã thành lập là 65 chi Hội; số tổ Hội đã thành lập là 630 tổ Hội được duy trì hoạt động có hiệu quả.
Thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương giao, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh đến nay đạt trên 121 tỷ đồng, hiện đang giải ngân cho 374 dự án với 1.671 hộ vay để phát triển sản xuất kinh doanh.
Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh cũng đang quản lý và điều hành 760 triệu đồng vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam uỷ thác, hiện đang cho vay ở 4 dự án, cho 38 hộ vay phát triển sản xuất, góp phần giải quyết việc làm cho trên 100 lao động ở nông thôn. Hoạt động của các nguồn vốn quỹ có hiệu quả đã góp phần làm giàu và giảm nghèo cho các hộ nông dân.
Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt nhiệm vụ ủy thác; tính đến nay tổng số tiền dư nợ tại các ngân hàng do Hội Nông dân các cấp quản lý là trên 1.138 tỷ đồng cho 23.015 hộ vay tại 624 Tổ Tiết kiệm và vay vốn.
Trong năm 2024, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 48.194 lượt hội viên tham dự. Hỗ trợ, hướng dẫn 67 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố thành lập được 5 Câu lạc bộ "Khoa học kỹ thuật nhà nông".
Phát biểu thảo luận tại hội nghị, ông Nguyễn Viết Huy - Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cho biết, trong năm 2024, cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nói chung, thị xã Thuận Thành nói riêng rất vui mừng, phấn khởi trước sự quan tâm, đồng hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, rồi các sở, ban ngành trong tỉnh Bắc Ninh, đặc biệt là các chính sách liên quan tới nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trong năm 2024, tỉnh Bắc Ninh cũng bị ảnh hưởng rất lớn từ cơn bão số 3 (bão Yagi). Ước tổng giá trị thiệt hại trên địa bàn tỉnh khoảng 1.941,1 tỷ đồng, trong đó về sản xuất nông nghiệp thiệt hại ước khoảng 1.282.045,76 triệu đồng.
Nhằm giúp hội viên, nông dân sớm khắc phục hậu quả sau cơn bão, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và đã được HĐND ban hành Nghị quyết số 354/NQ-HĐND ngày 22/10/2024 về việc hỗ trợ nông dân vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp bị thiệt hại do bão số 3 (Yagi) trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Ngày 30/12/2024, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 801/QĐ-UBND về việc giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi).
HĐND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 16 ngày 11/12/2024 của HĐND tỉnh về quy định hỗ trợ về phát triển nông nghiệp, chương trình OCOP, ngành nghề nông thôn và xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết số 12/2024/NQ-HĐND ngày 22/10/2024 về việc quy định số lượng, chức danh; một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, khu phố và người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh...
"Những chính sách ban hành rất kịp thời đã giúp cho cán bộ, hội viên nông dân, đặc biệt là các hộ bị ảnh hưởng cơn bão số 3 vượt qua khó khăn" - ông Huy nói và cho biết các chính sách sách này đã và đang tạo ra nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong trồng trọt với 27.000m2 nhà màng, nhà lưới đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ.
Cùng với đó, đến nay có 132 hộ gia đình, cá nhân đã tích tụ đất có quy mô từ 1ha trở lên với diện tích hơn 695 ha, mô hình trồng cây lâu năm, trồng rau, sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản, trồng hoa, cây cảnh quan. Về chăn nuôi, thị xã Thuận Thành có 24 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, với hệ thống chuồng kín, điều chỉnh nhiệt độ chuồng nuôi, máng ăn, uống nước tự động, xử lý chất thải chăn nuôi tại 7 xã, phường.
Gợi mở 6 vấn đề phát triển công tác Hội và phong trào nông dân
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bà Nguyễn Hương Giang - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh ghi nhận và biểu dương những kết quả trong công tác Hội và phong trào nông dân mà các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đã đạt được trong năm 2024.
Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho biết, tỉnh Bắc Ninh vừa bước qua năm 2024 với rất nhiều khó khăn, thách thức. "Tăng trưởng kinh tế âm, đến giữa năm 2023 và quý I/2024 mới có dấu hiệu hồi phục; rồi cơn bão số 3 Yagi có cường độ rất mạnh đã gây thiệt hại rất lớn, đặc biệt lĩnh vực nông nghiệp bị tàn phá hết sức nặng nề" - bà Giang nói.
Mặc dù khó khăn như vậy, nhưng theo bà Giang, tỉnh Bắc Ninh đã cố gắng nỗ lực vượt qua và hoàn thành 19/19 chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh.
"Có được những kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh, thể hiện qua kết quả nổi bật trên các công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng được tổ chức thường xuyên, kịp thời; công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức Hội các cấp cũng được quan tâm và công tác bồi dưỡng cán bộ Hội cũng có nhiều điểm mới" - bà Giang nhận định.
Cũng theo bà Giang, các cấp Hội thực hiện rất hiệu quả nhiều phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giảu và giảm nghèo bền vững" và tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề cho nông dân; phát triển sản xuất, kinh doanh, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân cũng phát huy được hiệu quả.
Tại hội nghị, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang gợi mở 6 vấn đề để các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh quan tâm, triển khai thực hiện trong thời gian tới:
Thứ nhất, bám sát chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và cụ thể hóa, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp cho công tác Hội và phong trào nông dân năm 2025 và những năm tiếp theo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để cán bộ, hội viên nông dân nhận thức rõ hơn về vai trò, nhiệm vụ của giai cấp nông dân và Hội Nông dân trong thời kỳ mới; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền để góp phần cùng cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2025-2030.
Thứ hai, triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của cấp ủy về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể để tiếp quản chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân; và thực hiện các nhiệm vụ có hiệu quả, không bị gián đoạn ngay sau khi có quyết định sát nhập.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao năng lực, phẩm chất cán bộ, hội viên nông dân; tập trung củng cố, xây dựng Hội Nông dân các cấp vững mạnh, tăng cường nắm tình hình và phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nông dân và chủ động tham mưu giải quyết và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của nông dân để góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn.
Thứ tư, tiếp tục phát động mạnh mẽ và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, tham gia phát triển kinh tế và tái cơ cấu nông nghiệp để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, liên kết chặt chẽ trong sản xuất nhằm hình thành các chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới.
Thứ năm, thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, nhất là giám sát, triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinhh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp, nông thôn và giám sát thực hiện chính sách tín dụng, giám sát hoạt động của sản xuất kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức phản biện xã hội đối với dự thảo các văn bản về chủ trương, đường lối, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách phát luật của Nhà nước, cơ chế, chính sách của tỉnh có liên quan trực tiếp đến phát triển nông nghiệp, nông thôn và quyền, lợi ích chính đáng của hội viên.
Thứ sáu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, trang bị kỹ năng kiến thức về chuyển đổi số cho cán bộ, hội viên và nông dân; tích cực phối hợp hỗ trợ Hội Nông dân các cấp chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; nghiên cứu các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, ứng dụng số hóa nhanh, hiệu quả hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.