Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Hồ Quang Lợi: "Tư cách nhà báo chỉ có một"

Thành An Thứ tư, ngày 26/12/2018 13:37 PM (GMT+7)
"Theo tôi, một nhà báo không thể lúc thế này lúc thế kia, nhà báo với tư cách nhà báo chỉ có một, ở trên tờ báo chính thức cũng như trên mạng xã hội, đấy là nhà báo khi tham gia vào mặt trận thông tin, cho nên đòi hỏi nhà báo phải rất chính trực, chính trực khi tham gia mạng xã hội, cũng như tham gia vào các ấn phẩm chính thức", Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.
Bình luận 0

Ngay sau khi Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức buổi họp báo công bố “Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, ngày 25.12, Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã dành thời gian trả lời báo giới xung quanh bộ quy tắc này để làm rõ hơn những vấn đề báo chí quan tâm.

Nhà báo sẽ làm tốt hơn vai trò của mình

Thưa ông, lý do gì mà hội nhà báo lại dành riêng một bộ quy tắc lớn thế này cho đối tượng là những người làm báo sử dụng mạng xã hội?

- Mạng xã hội đang trở thành một vấn đề được dư luận xã hội của chúng ta hết sức là quan tâm, nhà báo có trách nhiệm cung cấp thông tin và định hướng thông tin và dẫn dắt dư luận xã hội. Việc người làm báo tham gia mạng xã hội và tham gia với thái độ tích cực thì có sức lan tỏa mạnh mẽ, có tác động rất tốt, rất có hiệu quả vào việc hình thành những điều tích cực trong dư luận xã hội. 

img

Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. (Ảnh: Thành An)

Nhưng việc người làm báo cũng với tư cách là người dẫn dắt dư luận xã hội lại tham gia vào mạng xã hội với những điều không chuẩn mực thì có thể gây những tổn hại có thể nói là rất đáng tiếc.

img"Đối với 8 điều mà người làm báo không được làm khi tham gia mạng xã hội, tôi nghĩ đấy là những điều cảnh báo, điều răn đe để cho nhà báo của chúng ta khi tác nghiệp cũng như khi tham gia mạng xã hội phải tránh. Chúng ta cũng biết, với cái vai trò là dẫn dắt dư luận xã hội khi một ý kiến của nhà báo đưa lên trên mạng xã hội mà sai, mà hành vi tham gia mạng xã hội của nhà báo sai, không chuẩn mực thì nó gây tác hại rất lớn đối với cộng đồng đối với dư luận xã hội. Cho nên, 4 điều cần làm và 8 điều không được làm đó là những điều rất quan trọng mà tôi cho là từng nhà báo, từng hội viên một phải thấm nhuần, làm tốt để ngăn ngừa những việc làm không tốt, không chỉ trong giới báo chí mà những việc làm không tốt ở trong xã hội, thì những điều tích cực cũng sẽ được lan tỏa. mà những điều chúng ta ngăn chặn được có tác dụng rất lớn", Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Cho nên, Hội Nhà báo Việt Nam sau khi ban hành 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp, trong đó có điều 5 quy định là người làm báo khi tham gia mạng xã hội phải chuẩn mực và trách nhiệm, tôi thấy rằng sau 2 năm chúng ta thực hiện Luật báo chí 2016 và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam thì cần phải cụ thể hóa hơn nữa điều 5 quy định đạo đức nghề nghiệp khi nhà báo tham gia mạng xã hội như thế nào là chuẩn mực, như thế nào là trách nhiệm. 

Bản quy tắc này bao gồm 4 điều chúng ta cần làm khi tham gia mạng xã hội và 8 điều chúng ta không được làm khi tham gia mạng xã hội. Đó chính là những chuẩn mực nguyên tắc cơ bản và những điều rất cụ thể mà nhà báo cần phải làm khi tham gia mạng xã hội để sự tham gia của nhà báo sẽ góp phần tích cực và xây dựng mặt trận thông tin ngày càng phục vụ tốt hơn lợi ích của đất nước và nhân dân.

Việc chúng ta nghiên cứu để ban hành quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam là bước rất quan trọng. Nếu chúng ta làm tốt điều này thì nó cũng tạo một bước đi tích cực để từ đó tiếp tục có những quy định cho toàn xã hội. Hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang chủ trì để có cuộc thảo luận rộng lớn để xây dựng quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của người dân, tôi nghĩ là việc làm hôm nay của Hội Nhà báo Việt Nam cũng góp phần tích cực vào công việc chung của xã hội và từng người làm báo. Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam tham gia tích cực vào mạng xã hội cũng góp phần tích cực vào việc phát huy những tiện ích của mạng xã hội và ngăn chặn được những điều không tốt gây những tổn hại cho xã hội ở trên mạng xã hội.

Liên quan đến những vụ việc như ông cũng đã nhắc đến một số sai phạm của nhà báo liên quan đến mạng xã hội, vậy theo ông sau khi áp dụng bộ quy tắc này thì hội nhà báo kỳ vọng gì vào sự hạn chế và giảm thiểu tối đa những vụ việc vi phạm như vậy?

- Tôi tin là sau khi chúng ta ban hành bộ quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, sẽ có một tác động tích cực đối với hoạt động báo chí, đối với người làm báo và các nhà báo sẽ tham gia một cách tích cực hơn nữa, làm tốt hơn nữa vai trò xã hội của mình ở trên mạng xã hôi.

Tư cách nhà báo chỉ có một

Việc xử lý, giám sát xử lý rất là quan trọng, trong bộ quy tắc cũng có quy định là sẽ có giám sát xử lý với các cấp, vậy thì hội nhà báo thực hiện giám sát như thế nào khi có những nhà báo thể hiện quan điểm khác nhau khi viết bài trên báo và trên mạng xã hội?                                

- Chúng ta thấy thời gian vừa qua có hiện tượng là nhà báo hai mặt, tức là viết ở trên tờ báo thì viết với một quan điểm khác nhưng khi tham gia mạng xã hội thì với một quan điểm khác. 

img

Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, một nhà báo không thể lúc thế này lúc thế kia, nhà báo với tư cách nhà báo chỉ có một, ở trên tờ báo chính thức cũng như trên mạng xã hội, đấy là nhà báo khi tham gia vào mặt trận thông tin. (Ảnh: Thành An)

Theo tôi, một nhà báo không thể lúc thế này lúc thế kia, nhà báo với tư cách nhà báo chỉ có một, ở trên tờ báo chính thức cũng như trên mạng xã hội, đấy là nhà báo khi tham gia vào mặt trận thông tin, cho nên đòi hỏi nhà báo phải rất chính trực, chính trực khi tham gia mạng xã hội, cũng như tham gia vào các ấn phẩm chính thức. 

Không thể có chuyện viết ở trên mạng xã hội viết khác mà viết trái quan điểm mà tờ báo của mình đang công tác. Đấy là thể hiện sự không chính trực của nhà báo. Chính trực là nét rất cơ bản của đạo đức nghề nghiệp và chỉ có những nhà báo chính trực mới là những nhà báo góp phần vào xây dựng nền tảng đạo đức và xã hội.

Thưa ông việc xử lý trước hết phải phụ thuộc vào cơ quan báo chí, vậy Hội Nhà báo đưa ra quy tắc như này sẽ tiến hành giám sát, xử lý và có khuyến cáo gì đối với các cơ quan báo chí, đơn vị chủ quản? 

- Chúng ta biết là đối tượng áp dụng, thực hiện bản quy tắc này không chỉ là người có thẻ báo chí, không chỉ là người là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam mà tất cả những ai tham gia vào hoạt động báo chí trong đó có cả những người chưa có thẻ nhà báo, cả những người chưa phải là hội viên hội nhà báo Việt Nam cũng phải thực hiện bản quy tắc này bởi vì chính họ đang đưa các sản phẩm báo chí ra xã hội. Cho nên bất cứ ai tham gia vào quá trình đưa sản phẩm báo chí ra xã hội đều phải thực hiện bản quy tắc nhà báo khi tham gia mạng xã hội. 

Còn để thực hiện việc này thì chúng ta có cấp hội từ Trung ương xuống địa phương. Hội nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp chặt chẽ từ Trung ương xuống địa phương, chúng ta có 300 tổ chức hội thuộc Hội nhà báo Việt Nam, thì chính các cấp hội này sẽ theo dõi việc thực hiện bản quy tắc này và cùng với đó thì từng cấp hội thành lập hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Hiện nay Hội nhà báo Việt Nam đã thành lập một hệ thống với gần 300 hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp, từ Trung ương đến địa phương và chính hội đồng này trực tiếp giám sát việc thực hiện về bản quy tắc này. 

Trước hết, chúng ta tổ chức đợt học tập trong cấp hội và các cơ quan báo chí về nội dung của bản quy tắc và thực hiện giám sát. Những ai làm tốt sẽ được biểu dương khen ngợi, những ai làm không tốt sẽ bị nhắc nhở phê bình và thậm chí bị xử lý theo quy định của pháp luật và điều lệ của Hội nhà báo Việt Nam.

Vậy thưa ông, trong bản quy tắc này, ông tâm đắc với quy tắc nào và tại sao?

- Đối với tôi, tất cả những quy tắc trong bộ quy tắc đều quan trọng và không thể thiếu điều gì hết. Song, ở trong phần việc/điều những người làm báo cần làm khi tham gia mạng xã hội, tôi cho rằng việc “đăng tải bình luận, ý kiến nhận xét đúng mực, có văn hóa, có trách nhiệm về nhữn vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm” là việc nhà báo cần làm. Bởi vì khi có những vấn đề dư luận quan tâm, người ta không thể biết đâu là đúng đâu là sai thì hơn ai hết, người làm báo có điều kiện đưa ra những nhận xét, đánh giá chuẩn mực hơn những người dân bình thường, cho nên trong trường hợp đó người làm báo nên tham gia mạng xã hội và đăng tải lên mạng xã hội các bình luận, ý kiến nhận xét đúng mực, có văn hóa và trách nhiệm.

Về những điều không được làm, tôi thấy rằng đó là ở mục 2 - “đăng tải, gỡ bài viết, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội vì mục đích tống tiền hoặc các mục đích không trong sáng khác”. Đây là việc tuyệt đối cấm, vừa vi phạm luật pháp vừa vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Thứ hai, việc chúng ta bình luận, nhận xét, chia sẻ các thông tin có mục đích kích động, lôi kéo người khác phản ứng tiêu cực về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… có yếu tố phức tạp, nhạy cảm đang cần tạo cách nhìn, thái độ tích cực mang tính xây dựng của cộng đồng và sự đồng thuận xã hội thì nhà báo cần góp phần vào tuyên truyền những thông tin tích cực.

Một cái nữa là việc liên quan đến việc tác nghiệp của người làm báo. Đó là việc chúng ta thông tin những sự việc chưa được kiểm chứng… tuyên truyền, kích động bạo lực, cổ súy lối sống đồi trụy, hệ tục mê tín dị đoan, các hành vi tiêu cực, phân biệt đối xử về giới, vùng, miền, dân tộc, chủng tộc. Tôi thấy rằng, những việc này dứt khoát nhà báo chúng ta không nên làm. 

Trân trọng cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem