Ông Hồ Quang Lợi: Hội chọi trâu Báo NTNN, thêm nét đẹp của làng quê

Thứ sáu, ngày 21/02/2014 07:45 AM (GMT+7)
Hội chọi trâu Báo NTNN- Phúc Thọ 2014 không phải để khôi phục hình ảnh con trâu đi trước, người nông dân đi sau hàng nghìn năm qua mà để tôn vinh sản xuất nông nghiệp và nông nghiệp truyền thống.
Bình luận 0
“Hội chọi trâu Báo NTNN- Phúc Thọ 2014 là dịp tôn vinh sản xuất nông nghiệp và nông nghiệp truyền thống, là nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc ở nông thôn Việt Nam” - ông Hồ Quang Lợi - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, khẳng định như vậy khi trao đổi về hội chọi trâu đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội.

Ông Hồ Quang Lợi - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội
Ông Hồ Quang Lợi - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội

Ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh: “Hà Nội bây giờ không chỉ có đô thị mà còn là nông thôn. Hà Nội hiện có 401 xã và ở đó, con trâu rất gần gũi với người nông dân. Hội chọi trâu này là hoạt động có ý nghĩa, mang tính tích cực, giúp người nông dân thực hiện tốt hơn nữa việc chăm sóc trâu. Tuy nhiên, Hà Nội cũng đang xây dựng, phát triển nông nghiệp trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là một nền nông nghiệp công nghệ cao.

Vì thế, Hội chọi trâu Báo NTNN- Phúc Thọ 2014 không phải để khôi phục hình ảnh con trâu đi trước, người nông dân đi sau hàng nghìn năm qua mà để tôn vinh sản xuất nông nghiệp và nông nghiệp truyền thống. Hội chọi trâu này góp phần cổ vũ để nền nông nghiệp Thủ đô hướng tới chất lượng cao về công nghệ, nhưng vẫn có sự kết hợp hài hòa với nông nghiệp truyền thống, khi con trâu vẫn có vị trí nhất định”.

Công nhân đang lắp dàn sắt bảo vệ người xem tại Hội chọi trâu Báo NTNN - Phúc Thọ 2014, ngày 20.2.
Công nhân đang lắp dàn sắt bảo vệ người xem tại Hội chọi trâu Báo NTNN - Phúc Thọ 2014, ngày 20.2.

Hội chọi trâu không chỉ là hoạt động thể thao đơn thuần mà còn là lễ hội văn hóa đặc sắc, mang tính tâm linh của dân tộc ta. Theo ông, đâu là những nét đặc trưng, đặc biệt của các lễ hội chọi trâu được tổ chức tại Việt Nam?


- Có thể khẳng định rằng, con trâu rất gần gũi với người dân Việt Nam. Việt Nam là đất nước nông nghiệp lúa nước nên từ xa xưa tới bây giờ, con trâu luôn là bạn của nhà nông. Trước đây và hiện nay, Việt Nam có lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) rất nổi tiếng. Bây giờ, lễ hội này được mở rộng ra nhiều địa phương khác, trong đó có huyện Phúc Thọ. Đây không chỉ là các cuộc thi đấu mang tính thể thao mà còn là nét văn hóa độc đáo được tổ chức như một hội, có sự gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người dân Việt Nam.

Trên cơ sở đó, ông có thể nhận định về những nét mới mang tính khác biệt của Hội chọi trâu Báo NTNN- Phúc Thọ 2014 so với các lễ hội chọi trâu vốn đã mang tính truyền thống?

- Đây là lần đầu tiên, một hội chọi trâu được tổ chức trên địa bàn thủ đô Hà Nội. Phúc Thọ là một huyện nông nghiệp, là nơi thuộc vành đai xanh của thành phố, tiếp giáp giữa 3 con sông. Sản xuất nông nghiệp có vị trí trọng tâm tại huyện Phúc Thọ và đây là địa bàn thích hợp để tổ chức chọi trâu.


"Hà Nội hiện có 401 xã và ở đó, con trâu rất gần gũi với người nông dân. Hội chọi trâu này góp phần cổ vũ để nền nông nghiệp Thủ đô hướng tới chất lượng cao về công nghệ, nhưng vẫn có sự kết hợp hài hòa với nông nghiệp truyền thống”.
Ông Lợi nhận định

Nếu bàn về lịch sử thì con trâu với nông dân Phúc Thọ có nguồn gốc lịch sử và văn hóa lâu đời. Con trâu hiện diện trong hoạt động thờ cúng tại đền Hát Môn là minh chứng điển hình rằng, từ xa xưa, con trâu đã có vai trò rất quan trọng trong đời sống tình cảm, đời sống tâm linh của người nông dân Phúc Thọ.

Hội chọi trâu lần đầu tiên của Hà Nội tổ chức ở Phúc Thọ tuy mới mẻ, nhưng đã được lãnh đạo huyện và bà con nông dân phấn khởi, hào hứng đón chào. Không những vậy, chủ trâu ở nhiều vùng miền trên toàn quốc khi biết tới hội chọi trâu này cũng đã nhiệt tình tham gia. 32 “ông trâu” được lựa chọn từ nhiều vùng miền hứa hẹn sẽ tạo nên một hội chọi trâu vô cùng sôi động và có khả năng tiếp nối.

Nếu thành công trong lần đầu tổ chức, Hội chọi trâu Báo NTNN- Phúc Thọ 2014 có thể phát huy thành lễ hội mang tính truyền thống và diễn ra thường niên?


- Tôi muốn nhấn mạnh, để tổ chức thành công hội chọi trâu lần này, huyện Phúc Thọ và các cơ quan chức năng phải chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, nghiêm túc, chặt chẽ về mọi mặt. Bản thân tôi tin chắc hội sẽ thành công tốt đẹp. Nếu được như thế, hội sẽ mở ra khả năng tổ chức hằng năm để tạo thêm một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa tại các vùng quê Việt Nam, tạo sức lan tỏa để khuyến khích người nông dân nuôi trâu tốt hơn.

Xin cảm ơn!

Ông Nghiêm Xuân Phúc - Phó chánh Thanh Tra (Bộ VHTTDL):Nét văn hóa độc đáo


Lễ hội chọi trâu của Việt Nam có từ rất lâu đời, và xung quanh lễ hội có nhiều truyền thuyết thú vị nói về nguồn gốc của lễ hội mà chúng ta đã biết như lễ hội chọi trâu ở xã Hải Lựu (Lập Thạch, Vĩnh Phúc); lễ hội chọi trâu ở Phù Ninh (Phú Thọ) và lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng)…


Lễ hội chọi trâu là nét văn hóa cổ truyền, độc đáo của người Việt Nam, là lễ hội để cầu mong cho mùa màng tốt tươi được mùa, vạn vật sinh sôi nảy nở. Ngoài ra, tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, những ngư dân ở đây còn cầu mong việc đi biển đánh cá được bình yên, tốt đẹp, không bị gặp sóng to, gió lớn. Việc Báo NTNN tổ chức hội chọi trâu nhân dịp đầu xuân là một hoạt động có ý nghĩa rất thiết thực và có ý nghĩa với người dân ở khu vực nông thôn. Đây cũng là dịp để tôn vinh “ông trâu” - một tư liệu sản xuất nông nghiệp, đã quá quen thuộc trong từng hộ nông dân Việt Nam. Tôi hy vọng lễ hội này sẽ được tổ chức thành công để góp thêm cho đời sống tinh thần của người dân một ngày hội phong phú.
Thanh Hà (ghi)


Ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT)Sẽ giúp tuyển chọn được nguồn gene quý


Hiện nay, tại mỗi lễ hội chọi trâu chỉ sử dụng khoảng 20-30 con trâu, lại được những người nuôi trâu chọi tuyển chọn rất công phu. Nếu làm tốt các hội chọi trâu, trong đói có Hội chọi trâu NTNN- Phúc Thọ 2014 thì sẽ nhân rộng được nguồn gene tốt cho đàn trâu phát triển. Hiện Cục Chăn nuôi cũng đang phối hợp với các viện để nghiên cứu, nhân rộng nguồn gene của các giống trâu tốt rồi nhân rộng cho các địa phương. Năm 2013, cả nước có 2,6 triệu con trâu, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước, 5,1 triệu con bò, giảm 2,7% so với cùng kỳ. Nếu như trước đây, Việt Nam chỉ nhập khẩu trâu đông lạnh với mức nhập khẩu năm 2013 là 15.420 tấn thì mới đây, Úc đã xuất khẩu trâu nguyên con sang Việt Nam.
Thanh Xuân (ghi)


Đức Hiếu (thực hiện) (Đức Hiếu (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem