Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Kạn: OCOP tạo sân chơi, tạo động lực cho nông dân
Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Kạn: OCOP tạo sân chơi, tạo động lực cho nông dân
Chiến Hoàng (thực hiện)
Thứ năm, ngày 23/12/2021 17:41 PM (GMT+7)
Chỉ sau 3 năm thực hiện, Bắc Kạn đã vươn lên thành tỉnh đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. Dân Việt đã có cuộc trò chuyện cùng bà Đỗ Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn xung quanh câu chuyện làm OCOP ở tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn này.
Bắc Kạn là một tỉnh miền núi với địa hình khá bất lợi: Nhiều đồi núi chia cắt, có độ dốc cao, diện tích đất canh tác không nhiều, dân số không đông, tập quán canh tác còn nhỏ lẻ. Do đó, khó hình thành được những vùng sản xuất tập trung có diện tích, sản lượng lớn. Hiện nay, trong định hướng phát triển, tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt kế hoạch năm 2021-2025, đưa vào nghị quyết Đại hội đảng bộ, xác định định hướng không mở rộng quá nhiều sản phẩm, chỉ thực hiện phát triển 70 hoặc 100 sản phẩm.
Bà có thể chia sẻ một số thay đổi cơ bản của nông dân Bắc Kạn khi làm OCOP?
- Khi chưa làm OCOP, người dân chủ yếu nuôi, trồng phục vụ nhu cầu gia đình, còn dư mới đem ra chợ bán. Bởi vậy, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Bắc Kạn mới chỉ dừng ở quy mô tiêu thụ nhỏ hẹp, trong cộng đồng dân cư một vùng.
Chương trình OCOP khi đưa vào thực hiện đã đánh thức, khơi dậy được những tiềm năng sẵn có của tỉnh Bắc Kạn. Đồng thời, giúp nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của nông dân về phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, tham gia vào chuỗi giá trị, tập trung nuôi trồng theo định hướng, kế hoạch, thiết kế vùng sản xuất.
Nghĩa là nông dân Bắc Kạn đã có sự thay đổi vượt bậc về tư duy khi làm OCOP?
- Có thể hình dung thế này, trước khi làm OCOP, các sản phẩm của Bắc Kạn cũng đã khá đa dạng, tuy nhiên mới chỉ dừng ở mức bán trong tỉnh, tại các chợ phiên. Khi có chương trình OCOP, sức sáng tạo của người nông dân tỉnh Bắc Kạn đã có sự đột phá.
Nhiều HTX kiểu mới ra đời, nhiều cơ sở sản xuất, tổ hợp tác được hình thành, tạo công ăn việc làm cho người lao động tại khu vực nông thôn, nhiều sản phẩm được thị trường trong nước và nước ngoài biết đến.
Bắc Kạn bắt đầu có những HTX tiêu biểu như: HTX miến dong Tài Hoan xuất khẩu sản phẩm miến dong sang châu Âu, Mỹ; HTX Nông nghiệp Tân Thành xuất bán nghệ nếp sang Nhật…
Có thể khẳng định, chương trình OCOP đã làm thay đổi hẳn tư duy của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng hóa. Chưa bao giờ người nông dân Bắc Kạn có động lực để sáng tạo nhiều như thế.
Điển hình như thuốc tắm của người Dao, cách đây 2-3 năm, thuốc tắm của người Dao chỉ đóng bằng bao tải, để trong túi bóng mang ra chợ bán. Nhưng hiện nay, thuốc tắm của người Dao được đóng trong những hộp như hộp quà, đóng hút chân không, rất tiện lợi trong sử dụng. Thậm chí kết hợp giữa văn hóa thổ cẩm với văn hóa dược liệu để làm ra các sản phẩm như gối thổ cẩm dược liệu…
Đó chính là hiệu quả trong thay đổi tư duy và mở rộng biên độ sáng tạo mà chương trình "mỗi xã phường một sản phẩm" đem lại.
Để làm chương trình OCOP, nhiều địa phương phải bỏ ra vài trăm tỷ, thậm chí vài nghìn tỷ đồng, còn với tỉnh Bắc Kạn thì sao?
- Làm chương trình OCOP, tỉnh Bắc Kạn không hỗ trợ nhiều bằng tiền (chỉ khoảng 50 tỷ), mà tạo ra sân chơi, tạo động lực, hỗ trợ về phương pháp làm, vận động, khuyến khích người nông dân tham gia.
Khi có một sân chơi, người nông dân Bắc Kạn vô cùng sáng tạo. Thậm chí có những sản phẩm, chúng tôi không nghĩ rằng có thể sáng tạo được như thế.
Theo bà, để từ một tỉnh chưa biết gì về OCOP trở thành tỉnh đứng thứ 2 cả nước về sản phẩm OCOP, động lực nào đã giúp tỉnh Bắc Kạn thành công như vậy?
- Năm 2016, chúng tôi đến Quảng Ninh để học làm OCOP. Khi đi tìm hiểu kỹ, thấy phương châm là khơi dậy nội lực phát triển kinh tế nông thôn, tạo niềm tin hướng tới thị trường toàn cầu; với nguyên tắc quy trình bài bản, họ có thể tìm kiếm sản phẩm quy mô nhỏ, cách làm khá hợp với điều kiện tỉnh Bắc Kạn.
Lúc đó, OCOP còn là một khái niệm rất là xa vời. Ngay trong năm 2016, chúng tôi đã tổ chức Hội nghị triển khai, đi khảo sát toàn tỉnh, khảo sát xây dựng đề án, phương án ban đầu và tổ chức một Hội nghị trực tuyến từ tỉnh đến xã; triển khai tuyên truyền phổ biến thế nào là OCOP.
Mất toàn bộ năm 2016, năm 2017 chỉ để làm công tác khảo sát, tuyên truyền xây dựng đề án, cho đến 5/2018 mới phê duyệt được đề án. Trong tháng 5/2018, khi phê duyệt đồng thời cũng đặt mục tiêu năm đầu tiên có 20 sản phẩm, năm đó chúng tôi đã có được 37 sản phẩm.
Tỉnh Bắc Kạn đã mất quá trình 3 năm triển khai mới có sản phẩm đầu tiên. Đến nay, sau 4 năm làm OCOP, tỉnh Bắc Kạn đang là tỉnh được đánh giá đứng thứ 2 toàn quốc, sau Quảng Ninh về số sản phẩm OCOP. Đây là kết quả thiết thực, cụ thể, tạo đà cho tỉnh Bắc Kạn làm OCOP.
Điều bà băn khoăn nhất khi thực hiện chương trình OCOP cho đến thời điểm này?
- Sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn không chỉ đạt về số lượng mà còn vượt kế hoạch, tuy nhiên trong đó còn khá nhiều sản phẩm mới chỉ đạt 3 sao. Hệ thống này đang bấp bênh. Trong quá trình tiếp theo, khi không có hỗ trợ về nguồn lực, hay không có sự tác động rất có thể sẽ bị tụt sao.
Bên cạnh một số sản phẩm có quy mô lớn, có đến 2/3 sản phẩm OCOP của Bắc Kạn đang còn sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, chưa mở rộng. Do quy mô nhỏ nên không/ít có cơ hội vào thị trường.
Còn những bất lợi như địa hình, khí hậu thì sao?
- Bắc Kạn là một tỉnh miền núi với địa hình khá bất lợi như nhiều đồi núi chia cắt, có độ dốc cao, diện tích đất canh tác không nhiều…
Tuy nhiên những đặc điểm đó cũng đồng thời tạo ra những tiểu vùng khí hậu. Ở độ cao như Bắc Kạn, đặc điểm khí hậu khá riêng, chất đất và khoáng chất trong đất cũng vậy. Chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cũng là điều kiện rất thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Tỉnh Bắc Kạn đã có giải pháp gì để khắc phục những hạn chế trên?
Cùng với đó, sẽ củng cố những sản phẩm OCOP đã được công nhận và cấp sao, củng cố quy mô sản xuất…
Có vậy, sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn mới bền vững, nếu không rất dễ mang tính phong trào và bệnh thành tích. Do đó rất cần củng cố quy mô sản xuất, tổ chức sản xuất, mẫu mã sản xuất.
Đối với địa hình, diện tích đất canh tác… tỉnh Bắc Kạn đã tập trung khai thác, phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo hướng đặc sản, đặc hữu và nông nghiệp hữu cơ, hướng đến các sản phẩm giá trị cao.
Trong quá trình thực hiện, qua tuyên truyền, vận động, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã, phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tập trung vào những sản phẩm đặc sản, đặc hữu của vùng như: Hồng không hạt, trà hoa vàng, gạo bao thai Chợ Đồn, gạo Khẩu Nua Lếch (Ngân Sơn), gạo nếp Tài, bí xanh thơm (Ba Bể), cây nghệ nếp, các sản phẩm về nấm…
Nếu kiên định với định hướng này và hoàn thiện tốt hơn, trong 5 năm, 10 năm tới, tôi tin, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mang lại thu nhập trực tiếp cho người nông dân ở khu vực nông thôn.
Nông nghiệp thông minh đang là hướng đi được nhiều tỉnh thành chú trọng, tỉnh Bắc Kạn đã có kế hoạch gì cho hướng đi mới này chưa, thưa bà?
- Làm nông nghiệp thông minh, cần căn cứ vào điều kiện phát triển của tỉnh Bắc Kạn.
Trình độ thâm canh, canh tác tại địa phương hiện đang còn khá thô sơ, thiên về truyền thống. Do đó, việc thực hiện hướng đi này sẽ chỉ định hướng trong một quy mô nhỏ, có thể vận động khuyến khích trong các HTX, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, gắn với bảo vệ môi trường, du lịch.
Ví dụ trong chăn nuôi, tập trung theo hướng kêu gọi các nhà đầu tư, các HTX phát triển theo trang trại lớn, khép kín, an toàn sinh học. Còn đa phần người dân sẽ chuyển sang chăn nuôi tự nhiên đặc sản, đưa vào vùng tương đối tập trung.
Về trồng trọt, nếu như sản xuất, cần gắn với các doanh nghiệp, HTX làm mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm, đầu tư chuồng trại bài bản như giàn che, nhà lưới, tưới giọt…
Mong rằng các sản phẩm OCOP của Bắc Kạn sẽ được như ý muốn. Cảm ơn bà đã chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.