Sáng nay (24/12), Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2020 vừa được tổ chức. Kết quả năm 2019 xác định, ngành Tư pháp đã có nhiều điểm tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Thách thức đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật
Tới tham dự và chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2020 có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Cùng với các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng…
Theo báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2019, năm qua công tác tư pháp đạt nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cụ thể, Bộ, ngành Tư pháp đã chủ động, khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm và xây dựng, ban hành sớm Chương trình hành động, kế hoạch của Bộ, Ngành thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ để triển khai toàn diện các lĩnh vực công tác.
Công tác chỉ đạo điều hành của toàn Ngành được thực hiện quyết liệt, thống nhất; đã hoàn thành và bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm và nhiều nhiệm vụ đột xuất, phát sinh trong năm.
Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong Ngành được đẩy mạnh, chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính của Bộ tiếp tục được cải thiện, chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật vượt chỉ tiêu do Chính phủ giao.
Chất lượng hồ sơ các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tiếp tục được cải thiện; công tác thẩm định VBQPPL ngày càng đi vào chiều sâu.
Trong năm 2019, Bộ, ngành Tư pháp được xác định còn một số hạn chế như việc gửi hồ sơ các dự án luật đến Chính phủ, Quốc hội còn chậm so với yêu cầu. (Trong ảnh là các vị đại biểu đến tham dự Hội nghị)
Cùng với đó, công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay; xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả, nhất là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật.
Năm 2019, ngành Tư pháp đã giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là trong cấp phiếu lý lịch tư pháp, chứng thực, công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và đào tạo học sinh, sinh viên, học viên tại các cơ sở đào tạo của Bộ tiếp tục đạt nhiều kết quả cao;
Bảo vệ thành công Báo cáo Quốc gia thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị; các lĩnh vực công việc khác cũng được triển khai hiệu quả, bám sát chương trình, kế hoạch đã đề ra.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực, công tác tư pháp, pháp chế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Việc bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật tiếp tục là thách thức lớn; việc gửi hồ sơ các dự án luật đến Chính phủ, Quốc hội còn chậm so với yêu cầu; tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để.
Trong thi hành án dân dự, theo dõi thi hành án hành chính còn có một số vi phạm của chấp hành viên, công chức thi hành án trong thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án; vẫn còn nhiều cơ quan, cá nhân chưa chấp hành nghiêm các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực về vụ việc hành chính.
Việc giải quyết thủ tục hành chính trong công tác hộ tịch, chứng thực, công chứng vẫn còn có sai sót, tiêu cực; còn xảy ra tình trạng chậm trễ trong cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người dân; hoạt động của các trường trung cấp luật tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Bộ Tư pháp tiếp tục phải “gác gôn”
Năm 2020, ngành Tư pháp phải tập trung rà soát, xác định những quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, không còn phù hợp, cản trở sự phát triển của đất nước để sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi kịp thời;
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp và pháp chế;
Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy cơ quan tư pháp các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Làm tốt vai trò “gác gôn” để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật là 1 trong các đề nghị của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình với Bộ, ngành Tư pháp trong năm 2020.
Năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp là tiếp tục tham mưu giúp Chính phủ, chính quyền địa phương hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giai đoạn mới;
Nâng cao chất lượng thẩm định, góp ý các đề nghị xây dựng, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; Chú trọng công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền, nhất là những văn bản có tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp;
Rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; nâng tỷ lệ thi hành án dân sự xong trên tổng số án có điều kiện thi hành năm sau cao hơn năm trước;
Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng;
Hoàn thành việc xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Tư pháp Phiên bản 2.0…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, năm 2019, với những cố gắng bền bỉ, kiên trì, thầm lặng của Bộ, ngành Tư pháp đã góp phần quan trọng vào quá trình hình thành, củng cố, hoàn thiện những nền tảng chính trị - pháp lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long hứa sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và sẽ phối hợp cùng các Bộ, ngành nghiên cứu, tham mưu các giải pháp tổng thể...
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ, ngành Tư pháp tập trung chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trong năm 2020 tiếp tục làm tốt hơn vai trò của mình trong thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành quy định pháp luật;
Cần chủ động tham gia và tích cực đóng góp vào việc định hình “luật chơi” tại các thể chế pháp lý quốc tế đa phương, làm tốt vai trò “gác gôn” để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật;
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, tạo chuyển biến cơ bản, bền vững về mọi mặt trong tổ chức, hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hành chính trong đó cần tập trung chỉ đạo ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật 100% đối với các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực.
Ngoài ra, Bộ, ngành Tư pháp cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, chú trọng cải cách thủ tục hành chính và chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực này;
Bộ Tư pháp tiếp tục tập trung nguồn lực, trí tuệ giúp Chính phủ xử lý tốt các vấn đề pháp lý quốc tế; chú trọng hơn nữa công tác tổ chức, xây dựng ngành, đào tạo cán bộ trước yêu cầu phát triển mới của đất nước…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.