Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không thể để Hãng phim truyện số 4 Thuỵ Khuê mãi xập xệ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không thể để Hãng phim truyện số 4 Thuỵ Khuê mãi xập xệ
Huy Hoàng
Thứ hai, ngày 21/09/2020 15:28 PM (GMT+7)
"Chúng ta không thể duy trì mãi một Hãng phim truyện số 4 Thuỵ Khuê, tôi xin lỗi là dùng từ xập xệ như trước đây. Chúng ta phải đổi mới nhưng chúng ta không được phép quên Hãng phim" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ IX 2020-2025.
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ IX 2020-2025 diễn ra ngày 21/9/2020 tại Hà Nội.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã đã có bài tham luận đau đáu về "Điện ảnh trong cơn bão cổ phần hoá". Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, câu chuyện cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam là một câu chuyện dài với những tình tiết lắt léo mà không mới, có nguy cơ mất đi một thương hiệu điện ảnh đại diện cho dòng chính thống của nền điện ảnh chân chính, mất đi một di sản vô giá đối với lịch sử điện ảnh nước nhà, và là một tài sản công có giá trị hàng trăm tỷ đồng đối với ngân sách nhà nước...
Tại đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu: "Chúng ta không thể duy trì mãi một Hãng phim truyện số 4 Thuỵ Khuê, tôi xin lỗi là dùng từ xập xệ. Chúng ta phải đổi mới nhưng chúng ta không được phép quên Hãng phim truyện.
Chúng ta phải đáp ứng yêu cầu thị hiếu của nhân dân, trong yêu cầu đó chúng ta phải có định hướng. Nhưng định hướng bây giờ không thể thẳng thắn và trực diện như trước đây, chúng ta không có quyền chê trách, phê bình thị hiếu của nhân dân. Thị hiếu đó được làm nên một phần của chính chúng ta.
Chúng ta đều biết quy luật trong phát triển, trong đổi mới thì kinh tế bao giờ cũng được chú ý, đi trước. Nôm na là có thực mới vực được đạo. Những nước đang phát triển thường chú trọng đến kinh tế trước, đôi khi lúc đầu quên đi môi trường. Nhưng khi nhớ ra cần phải đầu tư cho môi trường thì tốn nhiều tiền của và một khoảng thời gian dài để khắc phục nhưng cũng chưa đủ.
Sau môi trường mới nhận ra các vấn đề của xã hội, trong đó có văn hoá, văn học nghệ thuật, mà các vấn đề này trong ngắn hạn không thể kiếm ra tiền mà thường tiêu tiền ban đầu. Những vấn đề này thường ít được chú trọng, nhất là những nền kinh tế đang phát triển và phải có bước chuyển đổi...
Chúng tôi cho rằng nhiệm kỳ vừa rồi và nhiệm kỳ tới đây, quá trình cọ xát, "chuyển dạ" được chú trọng hơn, Ban chấp hành nhiệm kỳ mới sẽ rất nặng nề.
Vụ việc của Hãng phim truyện Việt Nam ở số 4 Thuỵ Khuê là ví dụ sinh động cho thấy nếu một quyết định liên quan tới văn học nghệ thuật mà không chuẩn mực ngay từ đầu thì giải quyết không đơn giản. Bởi giải quyết bây giờ là phải theo pháp luật, có từng bước, trong thời gian đấy như một vết thương chắc chắn để lại các vết sẹo. Trách nhiệm này là của tất cả chúng ta, làm sao để vết sẹo ấy được liền da và để cơ thể điện ảnh khoẻ mạnh lại và vươn lên theo một cách mới".
Trước đó, tháng 6/2010, Bộ VHTTDL ra quyết định phê duyệt phương án chuyển đổi Hãng phim truyện Việt Nam thành Công ty TNHH MTV phim truyện Việt Nam. Tháng 3/2014, Bộ VHTTDL cổ phần hoá và thành lập ban chỉ đạo cổ phần hoá Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam. Tháng 12/2015, Bộ VHTTDL phê duyệt cổ phần hoá và chuyển Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện thành công ty cổ phần.
Tháng 4/2016, công bố Tổng công ty Vận tải thuỷ (Vivaso) là đơn vị duy nhất đăng ký mua Hãng phim truyện Việt Nam và được chấp thuận cổ đông chiến lược. Thời điểm này, dư luận dấy lên nghi ngờ về tính minh bạch của quá trình chọn cổ đông chiến lược.
Tháng 7/2017, Hãng phim truyện VN chính thức bước vào cổ phần hoá và chỉ sau 2 tháng, đồng loạt các nghệ sĩ lên tiếng cho rằng Vivaso không thực hiện đúng cam kết với Bộ VHTTDL. Việc bị cắt giảm, chậm trả lương đã khiến các nghệ sĩ viết thư kêu cứu gửi lên Thủ tướng Chính phủ, đồng thời chỉ ra những sai phạm của cổ đông chiến lược.
Tháng 9/2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam báo cáo Thủ tướng để thanh tra toàn bộ quá trình cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam. Tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ đã công bố toàn bộ kết luận thanh tra cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam với nhiều sai phạm của Vivaso.
Tháng 11/2018, sau khi công bố kết luận thanh tra, Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) rút vốn tại Hãng phim truyện Việt Nam. Cũng trong năm 2018, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương - đã thông báo việc Đài Tiếng nói Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận Hãng phim truyện Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.