Chủ trì và lắng nghe các ý kiến tại Hội nghị báo cáo việc triển khai nghị quyết 77 của Chính phủ về việc thí điểm tự chủ tổ chức sáng 18.3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ nhận được khá nhiều thắc mắc từ lãnh đạo các trường ĐH về những bất cập trong quy định về tỷ lệ số giảng viên cơ hữu (cố định) trên sinh viên của Bộ GD ĐT. Các trường cho rằng nếu áp dụng máy móc theo quy định này, nhiều đơn vị không thể mở ngành, xác định chỉ tiêu vì không có đủ số giảng viên và đúng chuyên ngành của giảng viên cơ hữu theo các trình độ quy định là giáo sư, phó giáo sư hay tiến sĩ...
Trong khi đó, các trường ĐH quốc tế tại Việt Nam thiếu giảng viên cơ hữu vẫn mời giảng viên ở nước ngoài theo chế độ thỉnh giảng vào để dạy, tại sao họ “lách” được mà chúng ta lại làm khó cho các trường trong nước?
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2016/images/2016-03-18/1458284541-pho-thu-tuong-chat-van-bo-gd.jpg)
Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam trao đổi với báo chí tại Hội nghị báo cáo việc triển khai nghị quyết 77 của Chính phủ về việc thí điểm tự chủ tổ chức sáng 18.3
Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, nếu “thả cửa” cho các trường sử dụng giảng viên thỉnh giảng với số lượng lớn thì sẽ dẫn đến tình trạng các trường ồ ạt tuyển giảng viên để mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định. Lúc đó, Bộ GD ĐT khó có thể quản lý được chất lượng đào tạo của các trường khi các trường chạy theo lợi nhuận mà không giữ hình ảnh bằng chất lượng. Việt Nam khó quản lý giảng viên thỉnh giảng vì nếu một người ghi danh thỉnh giảng ở 10 trường thì không quản nổi.
Phó Thủ tướng chất vấn: “Bây giờ vấn đề là chúng ta không quản được đúng không? Vậy Bộ hãy nói rõ là hiện nay chúng ta có bao nhiêu giáo viên? Và tại sao mà một Bộ lại bất lực không thể quản được giáo viên? Mà quản là quản cái gì? Chẳng qua là quản trình độ, chuyên môn và số giờ anh dạy các trường… Vậy tại sao không quản được?”.
Theo ông Đam, ở nước ngoài cũng có phân biệt giáo viên cơ hữu và thỉnh giảng nhưng không phân biệt tỷ lệ. Họ cũng có giáo viên thỉnh giảng tại sao họ không quản mà mình lại quản? Việc sử dụng giảng viên thỉnh giảng không vướng Luật, không vướng Nghị định mà chỉ vướng ở Bộ? Tại sao lại vậy?
“Tôi chắc chắn quy định của Bộ không có động cơ xấu mà chỉ nhằm đảm bảo chất lượng. Vậy các đồng chí hay nghĩ xem có cách nào dùng công thức nào, thay vì quản lý cái này ta quản lý bằng cái khác mà vẫn đảm bảo chất lượng được không, nếu đảm bảo được chất lượng thì ta làm” – Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, nếu đã bỏ quy định khống chế giảng viên cơ hữu thì phải đi kèm với việc quản lý bằng các công cụ khác. Ví dụ, yêu cầu tất cả các trường tự chủ phải cam kết không tăng quy mô tuyển sinh quá 10% trong vòng 3 năm hoặc dưới 10%... Nếu các trường đồng ý mới cho làm.
“Tôi tin rằng không phải trường nào cũng chạy đua theo lợi nhuận mà không giữ hình ảnh và chất lượng của mình” – Phó Thủ tướng Đam khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.