Phòng chống đói, rét cho vật nuôi

Thứ hai, ngày 09/03/2015 06:45 AM (GMT+7)
Để tránh những thiệt hại nặng nề cho đàn gia súc, gia cầm sau các đợt rét đậm, rét hại, người dân cần chủ động những biện pháp chăm sóc trâu, bò hiệu quả.
Bình luận 0

Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động

Trên thực tế, nguyên nhân gia súc chết rét một phần là do khí hậu lạnh giá khắc nghiệt, nhưng phần lớn là do thói quen thả rông gia súc trong rừng của người dân miền núi. Khi thời tiết chuyển rét, chúng đã không được đưa về chuồng trại kịp thời, cùng với đó người chăn nuôi chưa chủ động dự trữ thức ăn cho vật nuôi.

Vì vậy, công tác phòng chống đói, rét cho gia súc, gia cầm cần được ngành chuyên môn và các địa phương chủ động triển khai từ trước khi mùa đông về, ngay khi đang thu hoạch vụ lúa mùa. Bên cạnh việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, các phòng nông nghiệp, trạm khuyến nông, trạm thú y ở các địa phương cần tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con cách dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại cho trâu, bò.

img

Che chắn cho trâu bò chống rét.

Theo tính toán của ngành chăn nuôi, hiện sản lượng cỏ khai thác từ đồng cỏ và cỏ trồng chỉ mới đáp ứng được khoảng 30% lượng thức ăn xanh cho gia súc. Ở nhiều nơi, kinh tế các hộ gia đình còn rất khó khăn nên việc hỗ trợ che chắn chuồng trại cho gia súc cũng như việc dự trữ cây rơm của các địa phương còn nhiều hạn chế. Một bộ phận người dân còn coi nhẹ, không quan tâm đến việc chống rét cho trâu, bò nên mặc dù đã được phổ biến tuyên truyền, vận động nhưng họ vẫn không thực hiện.

 

Để khắc phục những hạn chế trên, các địa phương chú trọng thành lập ban chỉ đạo phòng chống đói rét cho đàn gia súc; hướng dẫn cách phòng chống rét cho vật nuôi đến tận thôn bản. Cán bộ kỹ thuật nông nghiệp ở cơ sở cần hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm chống rét cho gia súc; hướng dẫn người dân xây dựng, gia cố, nâng cấp và che chắn chuồng trại bảo đảm chống rét, tránh mưa, gió lùa cho đàn gia súc và bảo đảm vệ sinh thú y. Chủ động nguồn thức ăn cho gia súc, bằng cách thu gom, dự trữ, chế biến các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đàn trâu, bò vào mùa đông.

Đối với các xã vùng cao, cần đưa gia súc thả rông trong rừng về chuồng trại trước khi mùa rét đến để tiện theo dõi và chăm sóc đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng trong cộng đồng dân cư để mọi người nêu cao cảnh giác, có ý thức phòng chống đói rét cho gia súc; cập nhật thông tin diễn biến thời tiết bất thường để kịp thời thông báo cho người dân có biện pháp phòng chống rét cho gia súc. Các trung tâm khuyến nông, chi cục thú y cử cán bộ trực tiếp xuống cơ sở để hướng dẫn việc kiểm tra thực hiện công tác phòng chống đói rét cho gia súc, góp phần ổn định và phát triển ngành chăn nuôi.

Chuẩn bị chống rét cho vật nuôi

Chuẩn bị chuồng trại: Nếu có điều kiện thì bà con tiến hành xây mới hoặc cũng có thể tận dụng chuồng cũ nhưng phải tiến hành che chắn nâng cấp để chuồng đảm bảo một số tiêu chí cần thiết như:

- Chuồng trại đặt ở nơi cao ráo, gần nguồn nước, nằm trong quy hoạch vùng.

- Cửa chuồng hướng về phía nam hoặc tây nam để đảm bảo ánh sáng và độ thông thoáng.

- Mái chuồng cao 3m, thành chuồng cao từ 0,8-1,2m, nền cao hơn mặt đất 40-50 cm, có độ dốc 2-3%, luôn sạch, khô ráo, thường xuyên thay chất độn chuồng và tránh dội nước vào nền chuồng.

- Cần lưu ý trong chuồng nên có ô thoáng phía trên để gió vẫn lưu thông, khi đốt lửa sưởi, khói sẽ theo lỗ thoáng ra ngoài, không tích khí độc trong chuồng khiến trâu bò ngửi phải.

- Với các hộ chưa có chuồng trại cần tiến hành làm chuồng nhốt để di chuyển đàn gia súc ra khỏi vùng núi cao, gia súc thả rông về nuôi nhốt.

Chuẩn bị thức ăn: Việc dự phòng thức ăn rất quan trọng vì chỉ khi cung cấp thức ăn đầy đủ thì trâu bò mới có đủ năng lượng chống lại giá rét của mùa đông.

- Bắt đầu từ tháng 11, người nuôi cần chuẩn bị sẵn thức ăn dự phòng cho trâu bò sử dụng trong 4 tháng tiếp theo, vì vào mùa đông thức ăn tự nhiên cho trâu bò sẽ rất khan hiếm.

- Với một trâu bò trưởng thành (khoảng 3 tạ), cần chuẩn bị trung bình 2,5 tạ thức ăn tinh (ngô, bột cám, bột sắn…) và 4 tạ thức ăn thô (rơm, cỏ voi, cây chuối, cây sắn, thức ăn ủ chua…).

Đối với thức ăn thô xanh cần trồng cỏ, gieo ngô dày, trồng cây thức ăn trên diện tích đất không sử dụng để cung cấp thức ăn thô xanh cho chúng trong những ngày mưa rét. Dự trữ, tận thu thức ăn cho mùa đông như: Rơm rạ, ngọn mía, bã sắn, bã dứa, cây chuối rừng… trộn cám, muối (2-3% muối) cho trâu bò ăn; chế biến ủ chua thức ăn, ủ rơm với ure…

Chuẩn bị vật liệu chống rét: Sử dụng rơm, cỏ, lá chuối, bẹ ngô khô để lót nền chuồng, trấu, củi để đốt sưởi, bạt, bao nylon, phên, nứa để quây che xung quanh chuồng chống rét; chuẩn bị chăn, áo, bao tải gai (tận dụng đồ cũ) để làm áo chống rét cho trâu bò. Chú ý là sử dụng chất liệu bông thấm nước, không dùng chất liệu nylon vì không thấm nước, hơi nước sẽ đọng lại và thấm ngược trở lại làm trâu bò bị rét.

Vệ sinh thú y, tiêm phòng: Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ giúp hạn chế mầm bệnh cho vật nuôi và tiêm phòng tốt sẽ giúp chúng tránh một số bệnh xảy ra khi có diễn biến thời tiết xấu.

Thường xuyên quét dọn vệ sinh chuồng trại, định kỳ phun thuốc khử trùng 2-3 tuần/lần để tiêu độc khử trùng. Thực hiện tiêm phòng định kỳ, tiêm phòng đầy đủ các bệnh lở mồm long móng gia súc, tụ huyết trùng trâu bò; tiêm bổ sung cho gia súc khi đến tuổi tiêm phòng.

Kiểm tra phát hiện kịp thời những gia súc có biểu hiện sán lá gan, ký sinh trùng đường máu để tranh thủ tiêm phòng, điều trị vào những ngày nắng ấm…

Theo dõi thời tiết: Người chăn nuôi cần thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết để có kế hoạch phòng, chống rét cho trâu bò đạt hiệu quả cao. Tốt nhất những ngày giá rét dưới 15 độ C nên giữ gia súc ở tại chuồng, không cho đi chăn thả. Trường hợp bắt buộc phải đưa gia súc ra ngoài cần đảm bảo những yêu cầu:

- Thời gian tốt nhất để đưa gia súc ra ngoài là khoảng sau 8 giờ sáng, khi thời tiết không có mưa phùn, gió lạnh.

- Cần giữ ấm cho gia súc bằng cách mặc áo ấm trước khi đưa chúng ra ngoài, nhất là những con già yếu và còn non.

Việt An (tổng hợp) (Trang Trại Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem