Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng “khủng bố” chủ yếu là hoạt động có tổ chức, có động cơ chính trị và là hành vi đặc biệt nguy hiểm nên việc giải quyết vấn đề này là hết sức nhạy cảm, phải bảo đảm được các yêu cầu về chính trị, pháp luật và đối ngoại.
Cũng theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cần thiết phải có Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố để tham mưu, điều hòa phối hợp liên ngành về công tác phòng, chống khủng bố. Trong thực tiễn, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã có 11 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm và được Chính phủ, Bộ Công an đánh giá hoạt động có hiệu quả.
Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cũng thành lập các cơ quan để thực hiện chức năng chỉ đạo chống khủng bố theo hướng này. Thảo luận sâu hơn, các đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định), Phạm Hồng Hương (Hải Dương), Nguyễn Thái Học (Phú Yên) tán thành quy định của dự thảo Luật trong việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống khủng bố và Ban chỉ đạo cấp tỉnh ở địa phương; đối với các bộ, ngành, khi thấy thật sự cần thiết mới thành lập. Đại biểu Nguyễn Kim Kha (TP.Cần Thơ) thì cho rằng, Việt Nam tuy chưa xảy ra khủng bố chính trị nhưng nguy cơ ngày càng hiện hữu. Do vậy việc ban hành luật là cần thiết.
Trước một số ý kiến đề nghị không thành lập Ban chỉ đạo riêng mà kết hợp với Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) không tán thành và cho rằng, nên tách riêng 2 ban này vì phòng chống khủng bố liên quan đến an ninh quốc gia, còn phòng chống tội phạm liên quan nhiều về trật tự xã hội. Theo quy định tại dự thảo luật, lực lượng chuyên trách phòng, chống khủng bố gồm hai thành phần chính là các đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và một số lực lượng khác được huy động tham gia.
Hải Phong
Vui lòng nhập nội dung bình luận.