Đó là đánh giá chung của các đại biểu tại Hội thảo đánh giá kết quả công tác phòng, chống tệ nạn ma tuý, HIV/AIDS vùng DTTS giai đoạn 2012-2015 diễn ra tại Nghệ An, ngày 7.5.
Mua ma tuý được “khuyến mãi” súng
Theo ông Lê Sơn Hải – Phó Chủ nhiệm, Thứ trưởng UBDT, mặc dù Đảng, Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo, đồng bào DTTS ở các tỉnh miền núi phía bắc, tỉnh giáp biên giới, tỉnh có trọng điểm về ma túy đã tích cực, đoàn kết giúp cấp ủy, chính quyền địa phương đấu tranh phòng, chống tệ nạn buôn bán, vận chuyển, sử dụng ma túy... nhưng tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp, có nguy cơ gia tăng.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải phát biểu tại hội nghị. l.S
Các loại tội phạm về ma túy ngày càng hoạt động xảo quyệt, tinh vi và liều lĩnh hơn. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy gặp nhiều khó khăn hơn. “Do đời sống của đồng bào dân tộc biên giới còn gặp rất nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp nên đồng bào dễ bị các đối tượng lợi dụng, lôi kéo tham gia vào các đường dây buôn bán vận chuyển ma túy” – ông Hải cho hay. Theo đại tá Tạ Đức Ninh – Trưởng phòng Thường trực Chương trình quốc gia phòng, chống ma tuý Bộ Công an, việc kiểm soát buôn bán ma túy khu vực biên giới rất khó, riêng tuyến biên giới Việt - Lào, Việt - Trung đã phát hiện, điều tra gần 6.000 vụ (chiếm 31% tổng số vụ phát hiện trong cả nước, tăng 11% so với năm 2013). Hầu hết các đối tượng trong đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý lớn đều trang bị vũ khí quân dụng và chống trả quyết liệt khi bị bắt giữ. Đại tá Ninh cũng cho biết, nguy hiểm hơn là hiện nay các đối tượng khi mua, chuyển ma tuý từ nước ngoài về tuỳ theo khối lượng còn được “khuyến mãi” thêm súng.
Phát triển kinh tế để hạn chế ma túy
“Một bánh mang trót lọt đã lãi khoảng 50 triệu đồng, lọt đi nữa thì lên gấp đôi, gấp ba nên người ta không từ thủ đoạn nào để buôn bán ma túy. Do vậy trước tiên cần đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của bà con, như vậy mới giải quyết được tận gốc của vấn đề. Sau nữa là chú trọng công tác tuyên truyền về phòng chống ma túy cần được chú trọng; tuyên truyền vận động bà con không trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy, tuyên truyền giáo dục, thuyết phục các đối tượng phạm tội ma túy từ bỏ con đường lầm lạc” – ông Lương Thanh Hải – Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho hay.
Ông Lý Bá Giài- Trưởng bản Hợp Thành, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An kiến nghị: “Tôi tham gia cũng nhiều buổi tập huấn về tuyên truyền phòng chống ma tuý nhưng thực sự chẳng thấm vào đâu vì số lượng ít quá và thời gian cũng ngắn. Mà ở địa phương cũng chẳng mấy khi được ngồi lại cùng với ban, ngành, đoàn thể để tổng kết lại những việc đã làm và đúc rút kinh nghiệm. Tôi nghĩ nếu có được hoạt động trao đổi thường xuyên sẽ giúp ích nhiều hơn cho công tác tuyên truyền”.
Chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ nhiệm, Thứ trưởng Lê Sơn Hải nhấn mạnh, đấu tranh phòng chống ma tuý ở vùng DTTS là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Mỗi đơn vị phải có trách nhiệm tìm ra giải pháp của mình. Các tỉnh ngoài các chính sách chung của Nhà nước nên có những dự án đặc thù để hỗ trợ, vực dậy các thôn bản bị ma tuý tàn phá. Ngoài ra cần nâng cao nhiệm vụ tuyên truyền. Với chức năng là cơ quan chuyên trách, UBDT sẽ góp tiếng nói với Bộ Công an để tiếp tục duy trì chương trình phòng chống ma tuý trong thời gian tới.
Ông Lê Sơn Hải – Phó Chủ nhiệm, Thứ trưởng UBDT: Tài liệu tuyên truyền cần dễ đọc, dễ nhớ
Các đơn vị chức năng cần biên soạn tài liệu dễ đọc, dễ nhớ, phù hợp với đặc điểm tâm lý của bà con người DTTS và nhân dân miền núi như những gạch đầu dòng, những khuyến cáo đơn giản. Bên cạnh đó, phải cử những cán bộ có năng lực, kinh nghiệm và biết tiếng dân tộc để làm công tác tuyên truyền vận động nhân dân khu vực miền núi, biên giới về phòng chống ma túy.
Ông Đinh Văn Dực - Trưởng ban Dân tộc Hoà Bình: Hiệu quả chưa cao do kinh phí thấp
Nguồn kinh phí cho địa phương để tổ chức tập huấn tuyên truyền về phòng chống ma tuý vẫn còn thấp nên ảnh hưởng tới chất lượng tuyên truyền. Tại cơ sở, đối tượng tham gia vào lực lượng phòng chống ma tuý chưa được phân loại, người mạnh dạn nói cũng không nhiều. Nên chăng thường xuyên có những buổi phối hợp đúc rút kinh nghiệm ở địa phương, để người dân được đóng góp ý kiến.
Đại tá Nguyễn Quốc Việt – Trưởng phòng vận động quần chúng Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng: Phải chọn cách làm phù hợp
Ở vùng đồng bào DTTS, cần chọn cách làm phù hợp, mỗi dân tộc có phong tục tập quán riêng, họ chỉ tin khi họ nhìn thấy, có mối quan hệ thân tình. Lực lượng biên phòng đã xây dựng củng cố hệ thống chính trị cơ sở và tham gia hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Các mô hình như: Cán bộ biên phòng tăng cường về giữ các chức vụ bí thư, chủ tịch UBND xã; phát triển trồng lúa nước ở Quảng Bình, định cư như người La Hủ, người Chứt.. đã phát huy hiệu quả tốt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.