Phòng không Iran chống đỡ thế nào trước “pháo đài bay” B-52 Mỹ?

Đăng Nguyễn - NI Thứ ba, ngày 07/01/2020 19:10 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Iran leo thang, Tehran sẽ phải đối phó với lực lượng không quân thiện chiến và uy lực nhất trên thế giới.
Bình luận 0

img

Iran sở hữu đa dạng các loại tên lửa phòng không có thể khiến Mỹ gặp khó khăn.

Không quân Iran ở thời điểm hiện tại hầu như không có bất kì thay đổi nào so với giai đoạn chính quyền thân Mỹ những năm 1970 và không thể đối trọng được với các chiến đấu cơ tối tân của Mỹ như F-22 hay F-35, theo National Interest.

Ở dưới mặt đất, mọi chuyện lại hoàn toàn khác biệt. Iran sở hữu một hệ thống tên lửa phòng không quy mô, nhiều lớp, do quân đội chính quy Iran tổ chức và còn một lực lượng khác thuộc Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC).

Kết hợp lại, hệ thống phòng không Iran trên lý thuyết có thể đối phó với bất kì mục tiêu nào, tiếp cận ở các cự ly, tầm cao, tốc độ khác nhau. Đó là nhờ nền khoa học quốc phòng Iran đã có thể sản xuất các tổ hợp tên lửa nội địa, nhờ tham khảo các mẫu tên lửa phòng không của Nga và Trung Quốc.

Lớp phòng không tầm xa

img

Iran sở hữu số lượng ít ỏi tên lửa phòng không S-300 của Nga.

Các tên lửa phòng không tầm xa có thể theo dõi mục tiêu cách xa hàng trăm km, thậm chí là đánh chặn được tên lửa đạn đạo. Năm 2015, Nga bán cho Iran 4 tổ hợp phòng không tối tân S-300PMU2 ngay sau khi Iran đạt thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc thế giới.

Các tổ hợp S-300 hiện nay được đặt ở Tehran, Isfahan và Bushehr. Iran cũng tự chế tạo được phiên bản S-300 nội địa mang tên Bavar-373. Mẫu tên lửa này chính thức được Iran giới thiệu vào ngày 22.8.2019.

Các thông số kỹ thuật Iran công bố cho biết Bavar-373 sử dụng đạn tên lửa Sayyad-4, tầm bắn 200km, theo dõi được 100 mục tiêu và tấn công đồng thời 6 mục tiêu. Tổ hợp tên lửa được đặt trên xe tải Zoljanah 10×10.

Bên cạnh đó, Iran cũng sở hữu 30 tổ hợp tên lửa phòng không S-200 từ thời Liên Xô. Các hệ thống này vẫn thường được bảo dưỡng và nâng cấp khả năng ngắm bắn.

Lớp phòng không tầm trung

Các tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung sẽ đánh chặn các mục tiêu trên bầu trời ở khoảng cách vài chục km đổ lại, đặc biệt hiệu quả với các máy bay tầm cao như “pháo đài bay” B-52

Trước Cách mạng Hồi giáo, Mỹ bán cho Iran nhiều tên lửa phòng không tầm trung SM-1 trang bị cho tàu chiến. Năm 2013, sau một thời gian dài nghiên cứu, Iran đã giới thiệu tên lửa Sayyad-2, tầm bắn 74km và đạt tốc độ Mach 4.5, phát triển từ nguyên mẫu SM-1.

img

Tên lửa MIM-23B Iran mua từ Mỹ.

Tên lửa có thể được đặt trên tổ hợp phòng không Khordad-15. Máy bay không người lái RQ-4N của Mỹ bị Iran bắn hạ hồi tháng 6.2019 là do tên lửa Sayyad-2C.

Iran cũng có thể sử dụng tên lửa Sayyad-3, tầm bắn 120km cho tổ hợp Khordad-15 và S-200 để đóng vai trò phòng không tầm trung.

Iran cũng sở hữu tên lửa MIM-23B, mẫu tên lửa phòng không đầu tiên của Mỹ. MIM-23B có tầm bắn 40km, đạt tốc độ tối đa Mach 2.4. Đây là hệ thống phòng không chính của Iran trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq những năm 1980.

MIM-23B lập công bắn rơi 40 chiếc MiG-23 và Su-22 của Iraq trong cuộc chiến này.

Iran hiện sở hữu khoảng 120 tổ hợp phòng không này và phiên bản sản xuất nội địa.

img

Iran sở hữu các tổ hợp Buk-M2 của Nga.

Iran từng mua 14 tổ hợp phòng không HQ-2J của Trung Quốc, sản xuất dựa trên nguyên mẫu S-75 có từ thời Liên Xô. Mẫu tên lửa này có tầm bắn 45km. Sau vài năm Iran cho ra mắt mẫu tên lửa Sayyad-1A giống hệt HQ-2J nhưng được cải tiến tầm bắn, mở rộng lên tới 96km và có thể dẫn đường bằng hồng ngoại.

Cuối cùng trong lớp phòng không tầm trung là mẫu tên lửa Buk-M2 trứ danh của Nga. Không rõ bằng cách nào Iran sở hữu các tổ hợp này. Tổ hợp Buk-M2 chuyên tiêu diệt mục tiêu tầm cao, khoảng cách từ 3-48km.

Lớp phòng không tầm gần

Lớp phòng không tầm gần có nhiệm vụ bảo vệ binh sĩ trên chiến trường cũng như các căn cứ quan trọng. Chuyên đánh chặn các mục tiêu ở độ cao dưới 6.000 mét, chủ yếu là trực thăng và máy bay không người lái, thậm chí là cả tên lửa hành trình.

Các máy bay tầm cao sử dụng vũ khí dẫn dường chính xác hoàn toàn miễn nhiễm với lớp phòng không tầm gần.

Iran sở hữu tổ hợp phòng không tầm gần Crotale có nguồn gốc từ Pháp vào những năm 1970 thông qua phiên bản Trung Quốc mang tên HQ-7.

Năm 2002, Iran công bố phiên bản nội địa của HQ-7 mang tên Shahab Thaqeb và năm 2013 cho ra mắt phiên bản cải tiến Ya Zahra.

img

Tên lửa phòng không tầm gần Ya Zahra của Iran.

Cuối cùng, Iran cũng sở hữu một lượng lớn tên lửa phòng không vác vai (MANPADS). Trung Quốc bán cho Iran các phiên bản nhái mang tên QW-1 của dòng 9K38 Igla do Nga sản xuất.

Nhờ đó mà các kỹ sư Iran tạo ra phiên bản Misagh-1 giống hệt QW-1. Phiên bản cải tiến Misagh-2 mở rộng tầm bắn lên tới 5km. Iran ước tính sở hữu 3.000 tên lửa vác vai loại này.

Có thể nói, Iran ngày nay sở hữu cả những tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất và kết hợp với các tổ hợp phòng không thời trước Cách mạng Iran năm 1979.

Nhờ ngành công nghiệp quốc phòng phát triển, Iran có thể sản xuất hàng loạt các tổ hợp phòng không trên, đóng vai trò răn đe rõ rệt. Điều này khiến mọi đối thủ, dù là Mỹ cũng phải đưa ra những toan tính kỹ lưỡng trước khi đưa các máy bay chiến lược như B-52, B-2 và F-22 xâm nhập không phận Iran.

Tạp chí National Interest nhận định, nếu ông Trump quyết mở chiến dịch không kích quy mô lớn nhằm vào Iran, kết hợp giữa tác chiến điện tử, tên lửa hành trình và máy bay tàng hình thì rất khó để Iran có thể phân tán lực lượng đối phó.

Các mạng lưới phòng không nổi tiếng một thời của Iraq, Liban, Libya hay thậm chí là Syria cũng không thể ngăn chặn được máy bay Mỹ.

6 oanh tạc cơ chiến lược B-52 Mỹ vào vị trí dội bom Iran, chờ lệnh ông Trump

Không quân Mỹ đưa 6 máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress đến đảo Diego Garcia, hòn đảo nằm ở Ấn Độ Dương và...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem