Tôi vừa có chuyến đi Tây Bắc về. Đường dù khó đi nhưng rồi cũng đặt chân được đến Mường Chiến (mà bây giờ gọi là Ngọc Chiến) thuộc huyện Mường La, cách thành phố Sơn La gần 100km. Đây là vùng đất yên tĩnh nằm sâu trong bốn bề núi non và đồi trọc. Vào Mường Chiến thấy ai cũng nói đến cây sơn tra (táo mèo) và hầu như gần 2.000 hộ dân Mường Chiến đều trồng sơn tra trong mấy năm nay.
Hỏi tại sao thì được biết mấy năm qua, sơn tra có giá lắm. Những hộ người Mông trên đỉnh núi mấy năm trước đây có nhà thu 2-3 trăm triệu mỗi năm. Anh thanh niên Tòng Văn Vạn người Thái ở bản Nà Tâu có 200 gốc sơn tra mười hai tuổi mà năm ngoái thu tám mươi triệu đồng. Năm nay kém hơn, giá thụt xuống từ mười tám ngàn một cân còn mười hai mà vẫn có hơn hai mươi triệu. Không ai bảo ai, lâu nay người ta lặng lẽ theo nhau gieo giống trồng sơn tra cho hy vọng chục năm tới… Thì còn biết làm gì nữa khi chỉ có ít ruộng lúa nước một vụ, còn bốn bên là rừng.
Hỏi có chỉ đạo không, người bảo có, người bảo không, là thấy có lợi thì làm thôi.
Xem ra vẫn là phong trào tự phát, theo nhau làm.
Ở ta có hai loại phong trào, một là tự phát, hai là phát động, đều cho kết quả mong manh như nhau: Tự phát thì tùy tiện, còn phát động thì thường đầu voi đuôi chuột, đánh trống bỏ dùi.
Chỉ lo rồi táo mèo lại giống cây cà phê, cây điều cây cao su, cây mận ở các nơi khác: Có giá thì tranh nhau trồng, ế ẩm lại đua nhau chặt trồng thứ khác đang có giá, loanh quanh như đèn cù! Nghĩa là chúng ta chẳng nghĩ đến đầu tư cho chế biến nông sản thành hàng tinh. Nhiều năm nay cái gì cũng chỉ biết bán thô. Vậy còn biết nói thế nào?
Đỗ Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.