Phụ huynh bất an về suất ăn bán trú của con ở trường: Ai chịu trách nhiệm?

Tào Nga Thứ ba, ngày 17/10/2023 13:24 PM (GMT+7)
Liên tiếp các vụ liên quan đến suất ăn bán trú của học sinh không đảm bảo cả về chất và số lượng đang khiến phụ huynh lo lắng.
Bình luận 0

Phụ huynh lo ngại suất ăn bán trú 

Mới đây, 2 vụ liên quan đến suất ăn bán trú của học sinh khiến nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng, sốt ruột với suất ăn bán trú của con hàng ngày ở trường. 

Một vụ là phụ huynh tố suất ăn lèo tèo vài miếng ở Trường THCS Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội và một vụ khác liên quan đến một số học sinh bị tiêu chảy, nôn ói nghi sử dụng bữa ăn tại Trường Tiểu học Thành Công B, quận Ba Đình, Hà Nội chưa đảm bảo an toàn thực phẩm. Hiện tại cả 2 vụ việc chưa có kết luận cuối cùng.

Suất ăn bán trú của học sinh ở nhiều nhiều lần bị phản ánh không đảm bảo cả về chất lượng và số lượng. Đồ ăn ít, không nóng sốt, không đa dạng thành phần, bữa phụ thường sử dụng đồ ăn công nghiệp (bánh ngọt)… Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh cũng như việc học tập của các em  ở trường.

Đầu tháng 4/2023, trên một số diễn đàn xã hội có gửi hình ảnh bữa ăn của học sinh tại một trường mầm non tư thục đóng trên địa quận Nam Từ Liêm, Hà Nội kèm nỗi bức xúc và thất vọng. Phụ huynh cho rằng, mình phải đóng mức 70.000 đồng/ngày cho con ăn ở trường nhưng con nhận lại bữa ăn quá ít ỏi và nghèo nàn dinh dưỡng khi: "Cốc nước cam như cốc nước lọc, chuối cắt lát, nho bổ đôi, bát cháo trắng không đầy đặn với vài miếng thịt băm, thậm chí, đồ ăn cháy xém vẫn mang cho các con ăn"…

Suất ăn bán trú của học sinh ở trường: Phụ huynh bất an  - Ảnh 1.

Bảng giá thực phẩm bữa ăn trưa ngày 2/10 của trường Mầm non Phước Long B (Ảnh: PHCC)

Ngày 2/10 vừa qua, bảng kê thực phẩm bữa trưa của Trường Mầm non Phước Long B, TP.Thủ Đức, TP.HCM khiến nhiều phụ huynh xôn xao bởi đơn giá của nhà trường đắt hơn nhiều so với đồ mua ở siêu thị. Cụ thể, dưa hấu không hạt giá 58.900 đồng/kg, thịt nạc dăm giá 219.800 đồng/kg, mì trứng giá 115.800 đồng/kg…

Nói về suất ăn ở trường của con, chị Tô Mai Hồng, phụ huynh có 2 con học lớp 4 và 8 ở Hà Nội cho hay: "Chỉ biết tặc lưỡi không để ý chứ cũng không có cách nào khác. Chỉ cần con không đói và không bị ngộ độc vì thực phẩm không đảm bảo chứ tôi cũng không mong con ăn đầy đủ chất".

Ai chịu trách nhiệm cho suất ăn bán trú của học sinh?

Liên quan đến việc giám sát bữa ăn của học sinh, theo TS.BS. Trần Ngọc Tụ, nguyên Chi cục trưởng Chi Cục ATVSTP Hà Nội, để phụ huynh tham gia giám sát tại các nhà trường là điều rất cần thiết. Các trường nên phát huy vai trò giám sát thường xuyên và đột xuất của ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc phối hợp tổ chức bữa ăn bán trú, giám sát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm của nhà cung cấp, quy trình phân chia và định lượng suất ăn.

Dù không có chuyên môn, công cụ, nhưng bằng mắt thường, phụ huynh có thể quan sát thực phẩm có tươi hay không, có bị dập nát, biến chất, đổi màu, có mùi vị lạ hay đã hết hạn sử dụng. Ngoài việc kiểm tra dụng cụ, bát đĩa sử dụng trong chế biến, đựng thức ăn có bảo đảm vệ sinh, phụ huynh có thể đối chiếu với giấy tờ để biết được đơn vị cung cấp có nhập nguyên liệu, thực phẩm đúng với hợp đồng hay không.

Suất ăn bán trú của học sinh ở trường: Phụ huynh bất an  - Ảnh 2.

Suất ăn của Trường THCS Yên Nghĩa. Ảnh: PHCC

Suất ăn bán trú của học sinh ở trường: Phụ huynh bất an  - Ảnh 3.

Các món ăn của học sinh Trường Tiểu học Thành Công B trong ngày nghi là nguyên nhân khiến các em có dấu hiệu tiêu chảy, nôn ói. Ảnh: PHCC

TS.BS. Trần Ngọc Tụ cũng lưu ý, các trường học nên nghiêm túc thực hiện việc lưu mẫu thức ăn, sổ kiểm thực 3 bước theo đúng quy định. Việc làm này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc thực phẩm khi cần. Ngoài ra, bất cứ sản phẩm nào mà ban phụ huynh hay nhà trường nghi ngờ về chất lượng đều có thể lưu lại, Chi cục ATVSTP Hà Nội sẽ hỗ trợ xét nghiệm kiểm tra. Các trường cần thực hiện nghiêm túc hợp đồng có thỏa thuận chặt chẽ với các đơn vị cung cấp suất ăn bán trú và đơn vị cung ứng thực phẩm, rau an toàn.

Thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường Lômônôxốp, Hà Nội cho biết, để chuẩn bị suất ăn cho hơn 2.000 học sinh, khâu kiểm tra thực phẩm đầu vào là quan trọng nhất. Hàng ngày lúc 4h sáng, nhà trường cắt cử một cán bộ, phụ huynh cùng một số thành viên khác kiểm tra thực phẩm nhập vào để chuẩn bị cho bữa ăn. Quy trình làm việc khá chặt chẽ, nguồn gốc thực phẩm rõ ràng, tươi sống... Các bữa ăn đều có thành viên Ban giám hiệu kiểm tra trước, nhà trường có cả que test thực phẩm. Đồng thời, phụ huynh được phép đến trường kiểm tra bữa ăn liên tục.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở nhiều trường, các suất ăn của học sinh gần như thả nổi cho các đơn vị cung cấp mà chưa có sự giám sát chặt chẽ. Cụ thể như vụ suất ăn lèo tèo vài miếng ở Trường THCS Yên Nghĩa. Nếu phụ huynh không đến kiểm tra đột xuất sẽ không biết được ngày hôm đó suất ăn của 500 học sinh thiếu mất 3,5kg cá. 

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, một phụ huynh nằm trong Hội cha mẹ học sinh của một trường tiểu học cho biết: "Phụ huynh của trường không ai giám sát suất ăn của con bao giờ". Khi được hỏi về vấn đề làm sao biết được suất ăn của con có đảm bảo hay không, phụ huynh này cho hay: "Chắc nhà trường phải chịu trách nhiệm".

Một phụ huynh khác cho hay: "Mỗi tuần ban phụ huynh chia nhau đi kiểm tra 3, 4 lần. Vì không có vấn đề gì bất thường nên không nhất thiết phải kiểm tra hàng ngày. Mặt khác, ngày nào 5h30 phụ huynh cũng lên trường kiểm tra thực phẩm cho đến lúc chia suất ăn cũng khá khó khăn do ai cũng bận việc riêng, dù đã chia nhau giám sát từng công đoạn".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem