Phụ huynh bức xúc với bảng thu chi cuối năm học: Có quỹ "mập mờ", quỹ thì sai mục đích

Tào Nga Chủ nhật, ngày 02/06/2024 07:18 AM (GMT+7)
Bảng thu chi quỹ phụ huynh do một phụ huynh cung cấp cho thấy, tổng số tiền học kỳ 2 là gần 60 triệu đồng nhưng đến một nửa là chi cho nhà trường, giáo viên, hay có người không đồng tình quỹ lớp thì bị bắt ra phòng bảo vệ nhận lại 15.000 đồng.
Bình luận 0

Bức xúc các khoản thu chi quỹ phụ huynh

Mặc dù đã kết thúc năm học nhưng câu chuyện quỹ lớp, các khoản thu chi và cách ứng xử của phụ huynh với nhau vẫn là câu chuyện không hồi kết. 

Mới đây, anh V.L, một phụ huynh tố trường tiểu học ở Hà Nội "lạm thu" với rất nhiều các khoản tiền trong năm học sau khi được xem bảng báo cáo chi tiết khác khoản thu chi từ quỹ phụ huynh.

Theo đó, có lớp đóng tới 58 triệu đồng để chi cho riêng học kỳ 2 nhưng có đến 1 nửa số tiền là cho nhà trường và "cảm ơn" thầy cô giáo. Phụ huynh này cho biết: "Trong báo cáo thu chi của ban phụ huynh luôn có khoản tiền "cám ơn" hay hoa mỹ hơn là "tri ân" ban giám hiệu. 

Khoản này được trích từ quỹ lớp và là một khoản không nhỏ. Các lớp mặc định hiệu trưởng nhận phong bì 1 triệu đồng, 2 cô hiệu phó mỗi cô 500.000 đồng. Mỗi năm đều đều 5 dịp khác nhau lần lượt ngày 20/10, ngày 20/11, Tết, ngày 8/3, cuối năm học. Cả trường có 50 lớp, nhân lên được con số không hề nhỏ.

Nhà trường không bao giờ công khai các khoản thu chi sử dụng quỹ phụ huynh. Ví dụ như con tôi phải đóng 100.000 đồng/kỳ vào quỹ cha mẹ học sinh trường. Nhưng trường chi gì chúng tôi chưa bao giờ được biết".

Phụ huynh bức xúc với bảng thu chi cuối năm học: Có quỹ "mập mờ", quỹ thì sai mục đích- Ảnh 1.

Phụ huynh bức xúc vì các khoản thu chi. Ảnh: CMH

Một phụ huynh khác cũng bức xúc về thu chi của trường con mình khi đầu năm thu mỗi phụ huynh 200.000 đồng để thuê chuyển đồ về 6 phòng học rồi cuối năm lại thu tiếp 200.000 đồng để chuyển đồ trở lại. Tính ra thu 2 lần, tổng thu hơn 160 triệu đồng cho học sinh của trường là con số quá khủng.

Chị Nguyễn Phương Hoa, có 2 con đang học lớp 3 và lớp 7 ở Hà Nội cũng bày tỏ không hài lòng với các khoản thu chi ở trường. "Có 2 con đi học mà tôi thấy "gánh còng lưng" các loại quỹ, phong trào. 

Một năm ngoài học phí, quỹ phụ huynh thì tháng nào cũng có 1-2 phong trào mang tính tự nguyện nhưng đều bắt buộc tham gia như nụ cười hồng, giúp bạn vượt khó, nuôi heo đất, kế hoạch nhỏ, trải nghiệm ngoại khoá, đóng góp sách truyện cho phong trào đọc sách, ủng hộ bạn nghèo ăn Tết, ủng hộ vùng sâu vùng xa, hội khuyến học... Trẻ con đi học làm gì có tiền mà hô hào đóng góp nhiều khoản thế", chị Hoa nói.

Một phụ huynh lại chia sẻ thắc mắc trong nhóm về việc sử dụng quỹ: "Các con đi học đóng quỹ lớp như nhau nhưng ban phụ huynh lớp lại dùng quỹ lớp để khen thưởng các con học sinh đạt thành tích và xuất sắc. Ai cũng đóng như nhau sao lại phân biệt trong khen thưởng thế".

Phụ huynh bức xúc với bảng thu chi cuối năm học: Có quỹ "mập mờ", quỹ thì sai mục đích- Ảnh 2.

"Con em học lớp 5 và năm nay ra trường nên việc tổ chức nhiều hoạt động cho các con em thấy rất thoải mái. Lớp em có đóng quỹ vào 3 đợt, đầu năm, đầu kỳ 2 và cuối tháng 4. Tuy nhiên, khi cô chủ nhiệm công khai quỹ trong buổi họp phụ huynh thì trưởng ban phụ huynh bảo chưa có số liệu. Sau đó cả lớp nhận được một bảng ghi hoạt động chứ không ghi tiền. 

Ngoài ra, ai không đi xem phim thì trả lại tiền. Sự việc không có gì đáng nói nếu như không có chuyện nửa đêm trưởng ban phụ huynh nhắn cho 2 người yêu cầu trả tiền ra gặp bảo vệ lấy tiền thừa trong khi người khác thì được chuyển khoản...", câu chuyện của phụ huynh này cũng được chia sẻ trong một diễn đàn lớn về giáo dục và nhận nhiều ý kiến bình luận. 

Phụ huynh bức xúc với bảng thu chi cuối năm học: Có quỹ "mập mờ", quỹ thì sai mục đích- Ảnh 3.

Có nên duy trì quỹ phụ huynh?

Liên quan đến chủ đề thu chi quỹ phụ huynh gây bức xúc dư luận, chia sẻ với PV báo Dân Việt, Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên; Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành InnEdu; Top 20 Phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021 do Forbes Việt Nam bình chọn, đồng thời bà cũng từng là giáo viên chủ nhiệm tại một trường công lập ở TP.HCM, cho hay: "Quỹ phụ huynh cũng như ban phụ huynh lớp vẫn nên duy trì vì trong tập thể lớp có nhiều các khoản thu chi cũng như cần tổ chức nhiều hoạt động. Không thể cứ có việc gì lại kêu gọi phụ huynh đóng góp.

Điều quan trọng là phụ huynh ngồi lại với nhau hoạt định lại các khoản cần thiết, chứ không phải tự thu, tự chi rồi xảy ra tình trạng tranh cãi không minh bạch, bất hòa gây khó chịu như thời gian vừa qua. Nhà trường không có lỗi, đây là khoản các lớp tự chi".

Tuy nhiên, bà Quyên cho hay, khi bà làm giáo viên chủ nhiệm, quỹ lớp không phải do phụ huynh đóng mà là tiền của học sinh tự kiếm được. Ví dụ như khi trường tổ chức hoạt động ngày hội xuân, học sinh sẽ tham gia bán hàng, tạo trò chơi để có tiền gây quỹ, thậm chí số tiền thu lại được rất lớn".

Nói về các khoản tiền phụ huynh phải đóng khi nhà trường tổ chức các hoạt động, bà Quyên cho hay: "Nếu phụ huynh nghĩ có gì khuất tất nên tìm hiểu thật kỹ rồi yêu cầu trường giải trình".

Về việc "tri ân" ban giám hiệu, nhà trường trong các dịp lễ, bà Quyên cho rằng: "Khoản tiền chi cho các con là hợp lý, còn tri ân cho hiệu trưởng là bất thường. Không thể bắt buộc tập thể phải đóng tiền để "đi" nhà trường, như vậy tạo ra sự bất kính, không thoải mái cho người nhận. Nếu có tấm lòng hãy để cho phụ huynh tự tri ân.

Tôi vẫn nói với học sinh mình rằng ngày lễ các con không nên tặng quà cho cô vì có tặng cô cũng không nhớ ai với ai. Những ngày đó, tôi thường nghe mọi người nói những câu như: "Ngày hôm nay các cô phải đi bằng taxi ấy nhỉ"; "Cô được nhận nhiều quà chưa?... Tôi nghe rất nhục. Không phải người thầy nào cũng vui khi nhận tiền. Chúng tôi không giàu vì các khoản này".

PGS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm: "Bản thân một số phụ huynh cũng đang góp phần làm cho vấn nạn "lạm thu" trở nên khó chấm dứt. Có nhiều người ngay từ đầu xác định tham gia vào ban phụ huynh đã tự mặc định sẽ trở thành cánh tay nối dài của trường và giáo viên để mong con cái mình được quan tâm chú ý hơn. 

Chính họ cũng chủ động đề xuất nhiều khoản thu từ các phụ huynh khác mà không cân nhắc kỹ càng đến các yếu tố như có sự khác biệt về hoàn cảnh dẫn đến áp lực tài chính với một số phụ huynh trong lớp, nguy cơ bị kỳ thị hay ứng xử bất bình đẳng giữa các gia đình và học sinh với nhau".

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga: "Mục đích ra đời và vai trò của hội cha mẹ học sinh rất tốt, rất quan trọng. Đặc biệt là lứa tuổi tiểu học và THCS cần huy động sự tham gia, hỗ trợ của cha mẹ học sinh. Thế nhưng nhiều nơi hội lập ra chỉ để thu tiền mà không có đồng thuận cao của phụ huynh. 

Vì vậy cần rà soát, giám sát trong việc thu chi, nếu như phát hiện có những khoản thu chi không hợp lý phải xử lý ngay. Cần nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu để đủ sức răn đe. Chúng ta cần chấn chỉnh chứ không nên xóa bỏ, phải thực sự ý nghĩa, đúng mục đích chứ không phải hoạt động không tốt là bỏ đi".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem